Trong 15 năm hoạt động đầu tư tại Việt Nam, Tập đoàn Formosa của Đài Loan được xem là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với các dự án tỉ đô, song bên cạnh đó là không ít vụ bê bối và tai tiếng.

Những dự án tỉ đô

Tập đoàn Formosa được thành lập năm 1954, là một tổ hợp công nghiệp đa ngành của Đài Loan. Tập đoàn này được thành lập bởi hai anh em Vương Vĩnh Khánh và Vương Vĩnh Tại.

Bắt đầu là một công ty chuyên sản xuất và kinh doanh nhựa, Tập đoàn Formosa đã phát triển ra một mạng lưới hàng trăm công ty con với 4 đơn vị lớn nhất bao gồm: Formosa Plastics Corp, Nan Ya Plastics (sản xuất nhựa), Formosa Petrochemical (hóa dầu), và Formosa Chemicals &Fibre (sợi nhựa, vải). Ngoài ra, doanh nghiệp này còn đầu tư vào lĩnh vực thép, chất bán dẫn, điện...

{keywords}

Một góc công trường đang xây dựng của Formosa Hà Tĩnh. Ảnh minh họa.

Năm 2008, Formosa đã quyết định rót vốn đầu tư dự án tại Khu kinh tế Vũng Áng thông qua việc thành lập Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa (Formosa Hà Tĩnh). Dự án này khởi công từ tháng 7.2008 với tổng diện tích hơn 3.300 ha, bao gồm cả diện tích mặt biển (cảng Sơn Dương), với thời gian thuê đất là 70 năm.

Formosa Hà Tĩnh do 9 cổ đông góp vốn, trong đó có 7 cổ đông là các đơn vị thành viên của Tập đoàn Formosa, nắm gần 95% cổ phần.

Với mô hình sản xuất - xuất khẩu liên hợp, dự án này được Formosa đầu tư với số tiền lên tới 28,5 tỉ USD với quy mô tạo việc làm cho 35.000 người lao động. Dự án này hoạt động dựa trên nhà máy luyện gang thép, cảng nước sâu có năng lực cập tàu 30.000 tấn, nhà máy nhiệt điện công suất 2.100 MW…

Trong đó, riêng quy mô nhà máy thép giai đoạn I đạt trên 7 triệu tấn phôi thép/năm với mức đầu tư khoảng 10 tỉ USD/năm.

Formosa nhận định Khu kinh tế Vũng Áng là 1 điểm phù hợp đầu tư của tập đoàn này do cảng nước sâu Sơn Dương cho mô hình tổ hợp công nghiệp và tỷ suất đầu tư tại đây cũng rẻ hơn nhiều so với các địa điểm khác.

Trước năm 2008, vào năm 2001, Tập đoàn Formosa cũng đã rót vốn đầu tư vào Đồng Nai thông qua Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa. Tại đây, công ty này đã thực hiện dự án xây dựng khu liên hợp dệt sợi nhuộm đặt tại khu công nghiệp Nhơn Trạch III với diện tích 300 ha, trong đó sản phẩm chính của công ty này là các sản phẩm sợi, dệt, nhựa.

Ở Đồng Nai, Formosa cũng có một danh sách các thành viên ở nhiều lĩnh vực như Formosa Taffeta Đồng Nai, Formosa Taffeta Việt Nam (chuyên về dệt – nhuộm) Formosa Gear (sản xuất linh kiện cơ khí)…

Năm 2014, doanh thu của công ty này đạt hơn 17.100 tỉ đồng; tổng tài sản và vốn chủ sở hữu đạt lần lượt là 17.400 tỉ đồng và 13.300 tỉ đồng. Con số này đã đưa Formosa trở thành doanh nghiệp FDI lớn nhất tại Việt Nam.

Những... ưu đãi "quá đáng"

Đáng chú ý, những dự án đầu tư của Tập đoàn Formosa đã nhận được nhiều ưu đãi từ Chính phủ Việt Nam. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, những ưu đãi của Formosa đã tới mức "quá đáng", gây bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Cụ thể, dự án Khu liên hợp gang thép của Formosa đã nhận được những ưu đãi lớn từ chính phủ Việt Nam như: được áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm có chịu thuế là 10%, trong khi doanh nghiệp trong nước từ ngày 1.1.2016 là 20%; 4 năm được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và được giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo; giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với người có thu nhập cao; miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị và phương tiện vận tải chuyên dùng; miễn thuế tài nguyên môi trường và giảm 40% phí bảo vệ môi trường với hoạt động hút cát, san nền...

Đó là còn chưa kể tới những ưu đãi khi giải phóng mặt bằng, có cơ sở hạ tầng điện nước đầy đủ, ít chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng.

Từ những ưu đãi này, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, chính sách của Việt Nam còn nhiều bất cấp đã tạo ra một môi trường kinh doanh không bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Mặt khác, sự bất cập này còn là rào cản lớn nhất của môi trường kinh doanh, là nguyên nhân khiến môi trường kinh doanh của Việt Nam tụt hạng trong những năm gần đây.

...gây nên nhiều vụ bê bối, tai tiếng

Bên cạnh việc mang đến thị trường Việt Nam nhiều dự án lớn, Formosa cũng để lại không ít sự vụ tai tiếng. Thứ nhất là việc công ty này đã sử dụng hơn 3.000 lao động chui người Trung Quốc tại Vũng Áng. Năm 2014, cơ quan chức năng điều tra 6.121 lao động tại Khu kinh tế Vũng Áng nhưng chỉ có 3.261 người lao động có giấy phép.

Thứ hai là vụ sập giàn giáo cảng Sơn Dương thuộc khu công nghiệp Formosa, Khu kinh tế Vũng Áng ngày 25.3.2015 đã khiến 13 người chết, 29 người bị thương.

Thứ ba là sự việc xảy ra ngày 5.3 vừa qua khi Formosa tiếp tục bị phát hiện làm ô nhiễm môi trường vì đổ chất thải gồm chai lọ, xốp, cao su, ván gỗ, bông, vải, thạch cao, sắt thép, nhiều thùng chứa đầy hóa chất… xuống khu đất rộng nằm sát đường thuộc phường Kỳ Liên.

Và gần đây nhất là việc gây nên thảm họa cá chết hàng loạt bất thường tại khu vực vùng biển miền Trung gồm 4 tình: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Cụ thể, chiều 30.6, cơ quan chức năng Việt Nam đã chính thức xác nhận việc xả thải của nhà máy của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa tại Khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh) chính là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, gây ra hiện tượng hải sản chết hàng loạt tại khu vực vùng biển 4 tình miền Trung.

Những vụ bê bối trên của Formosa thời gian qua đã gây nên không ít bức xúc và bất bình trong dư luận.

(Theo Một Thế Giới)