Vấn đề đi lại của người dân ở khu vực này gặp nhiều khó khăn.
Mố cầu La Hai bị sạt lở, giao thông chia cắt |
Đến trưa ngày 21/10, xã Xuân Sơn Bắc (Đồng Xuân) nước lũ vẫn còn cô lập. Con đường từ thị trấn La Hai đi Xuân Sơn Bắc phải qua tràn Sông Cô mênh mông nước, nhân dân không thể đi lại.
Từ thôn Tân Phước lên Tân Bình (xã Xuân Sơn Bắc) phải qua cầu Cây Sung. Hai ngày liên tiếp, nước lũ luôn ngập trên cầu này từ 0,5-2m, nên vấn đề đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
“Những ngày qua, người dân qua lại cầu Cây
Sung phải phụ thuộc mực nước tràn qua cầu. Nếu nước ngập dưới 0,5m thì có đò
đưa, còn ngập sâu hơn nữa, nước chảy xiết, đò không thể bơi sang được” - ông
Đặng Ngọc Tân, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn Bắc nói.
Người dân xóm Giữa, khóm 4, thị trấn La Hai năm nào cũng mệt mỏi vì chạy lũ.
Cụ Võ Thị Hồng, 73 tuổi, ở xóm Giữa, than thở: “Tối 20/10, cả nhà phải chạy
vô Trung tâm Văn hóa và Thể thao huyện Đồng Xuân tránh lũ”.
Hầu hết người dân xóm Giữa đã chủ động với phương án chạy lũ nên tất cả các vật dụng trong nhà đều “treo” lên trần nhà. Tại nhà cụ Võ Thị Mười, quạt điện, điện thoại bàn đã “treo” lơ lửng, buộc vào trên ruôi mè.
Cụ Mười nói: “Năm nào cũng vậy, khoảng tháng
10 âm lịch, tất cả đồ dùng cần thiết trong nhà xếp gọn trong tư thế chạy lũ.
Các vật dụng lớn như phản gỗ, bàn ghế cơi nới dùng dây buộc chặt”.
Sáng ngày 21/10, thôn Tân Hoà, xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân) nước lũ vẫn còn bao vây |
Cầu sông Trà Bương ở thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3 nước lũ ngâm nhiều ngày liên tiếp, người dân trong thôn đi lại phải vòng lên xã Xuân Phước xa gần 10 cây số.
Tuy nhiên, đợt lũ này cầu sông Trà Bương (Xuân Phước) ngập sâu trong nước. Bà Trương Thị Thanh, ở thôn Thạnh Đức, than vãn: “Chiều ngày 20/10, tôi đang ở bệnh viện nuôi mẹ già bệnh, thấy nước lũ dâng cao, nhà tôi thuộc “diện” ngập lụt nên tôi cùng con gái tôi đi về.
Đến cầu Suối Tía, thôn Phú Xuân B (Xuân
Phước), nước lênh láng phải đứng ngoài mưa gần tiếng đồng hồ chờ nước rút.
Vượt qua được khi đến cầu sông Trà Bương (xã Xuân Phước) nước ngập cầu, bị
“kẹt” lụt phải quay trở lại ngủ nhờ nhà người quen”.
Thôn Long Hoà, xã An Định (huyện Tuy An), nước lũ chia cắt |
Còn ông Nguyễn Đình Trí, ở thôn Thạnh Đức, giải bày: “Tôi đi làm xa về, khi đến thị trấn Chí Thạnh gọi con gái chạy xe máy xuống đón. Về đến cầu La Hai xẩm tối nước lũ lêng láng phải ngủ ké nhà người quen, chờ nước rút mới về”.
Ông Lưu Minh Tâm, Đội trưởng Đội đường bộ
641, 644 (Công ty TNHH một thành viên Quản lý và xây dựng đường bộ Phú Yên)
cho biết: “Cầu La Hai nằm trên tuyến đường ĐT 641 mùa mưa thường xuyên bị
ngập nước, nhân dân đi lại khó khăn, phải vượt qua đường sắt. Tình trạng
người dân đi lại kẹt lũ thường xuyên xảy ra”.
Nước lũ chia cắt chợ dời ra đường họp tạm, người dân xã An Định (huyện Tuy An), vất vả đi xa hơn 2 cây số mới đến chợ |
Ngay ngã ba tuyến đường từ ĐT 641- thôn Định
Trung 2 (xã An Định) nước lũ vẫn còn ngập. Chợ Sen không thể họp nên bà con
họp chợ tạm cạnh ngã ba.
Vùng 10 nằm chơ vơ giữa cánh đồng trũng, có một con đường đất nối một số nhà
với nhau. Tuy nhiên, theo một số người dân, chỉ cần có mưa to là con đường
sẽ bị ngập, chia cắt.
Anh Nguyễn Phước ở vùng 10, thôn Long Hòa cho biết: “Sáng nay nước rút nhẹ, vợ ra chợ tạm thị trấn mua ít thịt, rau quả. Giếng nước cũng bị nước lũ tràn vào gây ô nhiễm phải đi gánh nhờ mấy nhà ở trên cao về uống đỡ”.
Không chỉ gia đình anh Phước, hơn 50 gia đình ở vùng 10 đều chịu chung hoàn cảnh. Theo phương án phòng chống lụt bão của UBND xã An Định, mỗi khi có lũ đến đài truyền thanh xã thông báo yêu cầu các gia đình đề cao cảnh giác, sơ tán người và di dời tài sản khi lũ đến.
Do không có phương tiện di chuyển nên phương
châm chủ yếu là các hộ dân tự bảo vệ, giúp đỡ lẫn nhau.
Chợ vùng lũ họp tạm ven đường |
Ông Nguyễn Phụng Ngoạn, Phó chủ tịch UBND- Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn huyện Tuy An cho biết “Huyện đã cử lực lượng ứng trực tại các khu vực như cầu Lò Gốm, cầu Cây Cam bị ngập lụt nghiêm cấm người dân qua lại, đồng thời triển khai lực lượng về các địa phương kiểm tra, hỗ trợ phòng chống lũ lụt”.
M.H.Nam