Cam kết 7,9 tỷ USD ODA cho năm 2011 được Bộ trưởng Phúc cho là con số cam kết cao, dù năm ngoái mức cam kết là 8 tỷ USD (bao gồm hỗ trợ đối phó, khắc phục khủng hoảng kinh tế).
Cam kết vốn vay năm nay chủ yếu dành các dự án cơ sở hạ tầng, công trình giao thông và biến đổi khí hậu, trong đó tỉ trọng dành cho các dự án công trình giao thông lớn nhất.
Trong số các nhà tài trợ, Nhật Bản tiếp tục dẫn đầu là nhà tài trợ song phương lớn nhất của Việt Nam với mức cam kết 1,76 tỷ USD.
Ảnh: XL
"Không nên ám ảnh về con số" - đó là lời khuyên của Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa khi đề cập đến tổng mức cam kết ODA dù cao hay thấp đi. Bà cho rằng cần nhìn vào bước chuyển trong hướng viện trợ ODA khi Việt Nam đã bước vào ngưỡng là nước có thu nhập trung bình.
Việc vay ODA sẽ được cân nhắc dựa trên các lĩnh vực ưu tiên phục vụ phát triển kinh tế do điều kiện vay sẽ khác: lãi suất cao, thời hạn trả nợ ngắn.
Bà Victoria Kwakwa cho rằng khi một quốc gia giàu có hơn, phát triển hơn thì việc giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài là tất yếu như bài học thành công của Hàn Quốc, từ một nước nhận viện trợ trở thành nước viện trợ cho các nước khác. Việt Nam, với vị thế mới, sẽ đi tới một tương lai tương tự. Tuy nhiên, bà khẳng định các nhà tài trợ tiếp tục theo đuổi mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ, ủng hộ Chính phủ trong nỗ lực phát triển kinh tế xã hội.
Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Konishi cho hay cam kết mới của ADB đạt khoảng 1,5 tỷ USD nhưng trong đó chỉ 25 triệu USD là vốn không hoàn lại. Ngoài nguồn vốn dành cho khu vực công, ADB cũng cắt khoản hỗ trợ cho khu vực tư nhân thông qua phương thức công tư hợp tác (cơ chế PPP).
Theo Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc, với điều kiện vay ODA thời hạn ngắn hơn, lãi suất cao hơn, sắp tới nội dung viện trợ, đối tượng, cơ chế viện trợ, cơ cấu nguồn vốn tài trợ sẽ được thay đổi cho phù hợp với từng bước phát triển. "Thời gian tới, các nhà tài trợ sẽ cho vay ODA với điều kiện khó khăn hơn nên Việt Nam sẽ cân nhắc các dự án vay vốn để đảm bảo đầu tư thúc đẩy nền kinh tế phát triển và có khả năng trả nợ".
Theo dự kiến của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, trong 5 năm tới, vốn ODA cam kết dự kiến phải đạt khoảng từ 32 đến 34 tỷ USD, giá trị ODA ký kết mới khoảng 18 đến 22 tỷ USD.
Trong 18 kỳ hội nghị CG, đến nay, các nhà tài trợ đã cam kết tổng nguồn vốn 64 tỷ USD ODA hỗ trợ Việt Nam. Theo Bộ trưởng Phúc, mặc dù bước vào ngưỡng trở thành nước thu nhập trung bình, song Việt Nam vẫn là nước đang phát triển, rất cần các nguồn vốn đầu tư cho xã hội như y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt chống biến đổi khí hậu. Một số lĩnh vực khác cần thiết đầu tư song có thể huy động vốn tư nhân tham gia như cơ sở hạ tầng, nước, điện, hệ thống giao thông...
Khẳng định Chính phủ cam kết sử dụng hiệu quả ODA, ông cũng bác bỏ vấn đề tham nhũng trong việc sử dụng nguồn vốn. Vụ việc trước đây như PMU 18 để xảy ra "chi tiêu sai" một số khoản như mua ô tô, nhưng theo ông, đã bị "thổi phồng" quá mức, làm ảnh hưởng đến uy tín và Việt Nam đã nhiều lần phải thanh minh để sửa lại uy tín của mình.
Trong nỗ lực sử dụng viện trợ hiệu quả hơn, Việt Nam vừa sửa đổi Nghị định 131 nhằm đơn giản hóa các khuôn khổ ODA, thúc đẩy việc sử dụng các cách tiếp cận ODA dựa trên chương trình, thay cho sử dụng thông qua các mô hình ban quản lý dự án và ban thực hiện chương trình theo cách truyền thống.
Linh Thư