Là cách làm sáng tạo của tỉnh Long An, chương trình “Về nguồn” trở thành “đòn bẩy” giúp các địa phương phát triển, hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Những đổi thay rõ nét


“Về nguồn” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Long An khởi xướng, là chương trình xã hội hóa, vận động các nguồn lực chăm lo đời sống cho người có công, người nghèo; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Các hoạt động “Về nguồn” đã đem đến những chuyển biến tích cực cho nhiều địa phương trên địa bàn Long An.

Xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa là xã điểm “Về nguồn” ở Long An từ năm 2014. Nhờ chương trình này, làng quê nhiều đường đất đã trở nên khang trang, sạch đẹp hơn. Trong đó, đường ra biên giới Bình Phong Thạnh - Bình Thạnh dài trên 7 km được hỗ trợ 33 tỉ đồng nâng cấp, sửa chữa; tuyến đường liên huyện Mộc Hóa - Thạnh Hóa (4km) cũng được đầu tư trên 22 tỉ đồng.

Nhờ “Về nguồn”, Bình Phong Thạnh được đầu tư 2 giếng nước tại ấp 2 phục vụ cho trên 300 hộ dân và một số hộ của xã Tân Thành (huyện Mộc Hóa) với kinh phí 5 tỉ đồng/giếng. Ngoài ra, công trình Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng cũng được hỗ trợ 8 tỉ đồng xây dựng…

{keywords}
Ảnh:Báo Long An


Với gần 100 tỉ đồng được đầu tư, Bình Phong Thạnh có nguồn kinh phí chăm lo cho các hộ nghèo, học sinh nghèo hiếu học, gia đình chính sách, xây dựng hạ tầng phục vụ đời sống nhân dân. Đến nay, Bình Phong Thạnh đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới, từng bước hướng đến mục tiêu trở thành thị trấn Bình Phong Thạnh.

Diện mạo nông thôn An Vĩnh Ngãi (TP. Tân An) thay đổi đáng kể từ khi được chọn làm điểm tổ chức ‘Về nguồn”. Với nguồn vốn do tỉnh hỗ trợ cùng nhân dân đóng góp, xã An Vĩnh Ngãi đẩy mạnh đầu tư các tuyến đường giao thông nông thôn, đầu tư đèn điện chiếu sáng công cộng, xây dựng 6 căn nhà tình nghĩa, 14 căn nhà đại đoàn kết, cải tạo nhà bia, xây dựng và mở rộng trường học... Việc xây dựng, nâng cấp các công trình hạ tầng đã giúp xã hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới.

Tại xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, chương trình “Về nguồn” đã xây dựng các công trình giao thông nông thôn, hệ thống đê bao, xây dựng trạm cấp nước, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng, xây dựng trường học... Các hoạt động thiết thực này là tiền đề giúp Thuận Mỹ được công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa - Nông thôn mới".

Tạo đà xây dựng nông thôn mới

Chương trình “Về nguồn” được Long An triển khai thí điểm từ năm 2007-2008. Đến năm 2010, tỉnh chọn 2 xã, huyện chọn 1 xã, mỗi xã chọn 1 ấp để tổ chức “Về nguồn”. Riêng năm 2015, tỉnh chọn 3 xã điểm.

Từ năm 2010 đến 2015, toàn tỉnh Long An có hơn 3.182,6 tỷ đồng đầu tư cho hoạt động “Về nguồn”, trong đó cấp tỉnh đầu tư trên 708,6 tỷ đồng, cấp huyện và cơ sở đầu tư trên 2.474 tỷ đồng.

Trong đó, về giao thông nông thôn, đã có hơn 2.140 công trình được xây dựng với kinh phí hơn 1.430 tỷ đồng; xây dựng và sửa chữa trên 280 công trình, đầu tư hơn 369 tỷ đồng nâng cấp trường lớp, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giáo dục.

Về nhà ở, toàn tỉnh xây dựng trên 3.900 căn nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, nhà đồng đội, mái ấm công đoàn, nhà tình bạn… trị giá hơn 120 tỷ đồng.

Hiện nay, chương trình không triển khai ở cấp tỉnh mà tiếp tục được thực hiện tại các huyện ở Long An. Trong tháng 10/2017, Huyện Tân Thạnh, Cần Đước… cũng đã hoàn thành tổ chức “Về nguồn”, trong đó tổng kinh phí cho hoạt động này tại xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh gần 41 tỉ đồng, tại Cần Đước là trên 30 tỉ đồng.

Với các hoạt động thiết thực ý nghĩa , chương trình đã góp phần đem đến diện mạo khang trang, tươi đẹp hơn cho các làng, xã. Nhờ “Về nguồn”, nhiều địa phương không chỉ được tạo “đà” thoát nghèo mà còn hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

M.M - Thùy Vân (tổng hợp)