Nếu Nhà nước sẽ chủ động thay đổi vai trò, vị trí và chức năng của mình, qua đó, làm thay đổi vai trò, chức năng của thị trường và quan hệ giữa Nhà nước và thị trường.

Có lần được hỏi về “cơ hội đột phá thể chế” mà Luật Doanh nghiệp sửa đổi có khả năng tạo ra, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư - TS Nguyễn Đình Cung - đã dùng một chữ “nếu”: Nếu Nhà nước sẽ chủ động thay đổi vai trò, vị trí và chức năng của mình, qua đó, làm thay đổi vai trò, chức năng của thị trường và quan hệ giữa Nhà nước và thị trường.

Nghe có vẻ khó hiểu, nhưng đại khái sự đột phá chỉ có thể tạo ra tùy thuộc vào việc Nhà nước có chịu “rút chân khỏi những phần việc của thị trường” và sự bình đẳng thực tế, chứ không phải chỉ trên giấy, giữa doanh nghiệp nhà nước và các thành phần kinh tế khác.

Hôm qua, ĐBQH - Giám đốc CA TP.Hà Nội - Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung khi thảo luận về Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã bày tỏ không đồng tình với việc có 1 chương riêng về DNNN trong luật “để tránh đối xử phân biệt”. Vốn xuất thân từ trinh sát, có lẽ không ngẫu nhiên tướng Chung nhắc rằng, chương về DNNN là chương IV, trong khi các thành phần kinh tế khác xếp sau, cho đến chương VII.

{keywords}
Cơ hội đột phá cho danh nghiệp

Nhưng sự bất bình đẳng ấy không chỉ là những con số thứ tự trong luật.

Bởi dù Luật Doanh nghiệp năm 2005 được gọi là Luật Doanh nghiệp thống nhất (từ 1.7.2010, Luật Doanh nghiệp nhà nước hết hiệu lực thi hành) thì dù các DNNN hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, nhưng trên thực tế loại hình DN này vẫn đang được hưởng những ưu đãi, một thứ ngoại lệ ngoài luật.

Ngoại lệ trong việc sử dụng đất đai, ưu thế tuyệt đối so với các DN ngoài nhà nước.

Ngoại lệ trong việc sử dụng vốn với những bảo lãnh của các cấp có thẩm quyền.

Ngoại lệ trong cuộc chiến sinh tồn mang tên là “áp lực cạnh tranh”.

Ngoại lệ ngay cả trong trách nhiệm với hiệu quả đồng vốn.

Và thật kỳ cục, ngay cả khi thua lỗ, mất vốn, sai phạm thì hầu như không có DNNN nào phá sản cả, mà “được” tái cơ cấu, đến mức “tái cơ cấu” giờ đây giống như một trò đùa khi nó đóng vai trò lối thoát cho các DNNN đáng lẽ và theo luật là phải phá sản.

Ưu điểm, nếu có, chỉ là khả năng tuyệt vời trong việc bán tài nguyên thô và mồ hôi giá rẻ.

Một đột phá không thể có nếu những bất bình đẳng đó vẫn tồn tại, dù DNNN được điều chỉnh trong bất cứ luật nào.

Thật chua chát, điểm chung duy nhất giữa DNNN và các DN phi nhà nước, nếu có, chỉ là việc “bị kiểm tra quá nhiều”.

Thật kinh khủng khi chỉ riêng việc “tiếp khách” đã sản sinh ra một thứ DN ký sinh lập ra chỉ chuyên để bán hóa đơn hợp thức chi phí không chính thức.

Chờ xem, tướng Chung trước QH hôm qua đã hứa 3 hôm nữa sẽ công bố một vụ án “hàng trăm doanh nghiệp ma mua bán hóa đơn trị giá hàng trăm tỉ đồng”.

(Theo Lao Động)