- Nếu như miền Trung là tâm điểm của nắng nóng cả nước thì huyện Quỳ Hợp, Nghệ An lại là “chảo lửa” nắng nóng nhất khu vực toàn miền Bắc.


Ngày 3/5, PV. VietNamNet đã có hành trình tìm đến mảnh đất đầy gió, nắng hầm hập ở huyện Quỳ Hợp, để ghi lại cảnh người dân nơi đây đang căng mình chống lại đợt nắng nóng lịch sử trong hàng chục năm qua.

Mặt đường vắng bóng người

Ngày này, toàn tỉnh Nghệ An ở đâu cũng có nhiệt độ từ 38-42 độ. Nắng nóng, đã đẩy người dân ngộp thở, mất ăn mất ngủ, cuộc sống nhiều gia đình bị đảo lộn. Đã có rất nhiều cách để chống chọi lại với nắng nóng, nhưng dường như không thể đỡ lại sức công phá của “chảo lửa” đang hoành hành người dân nơi đây.



Khoảng 11-12h trưa, QL48 tại thị xã Thái Hòa vắng bóng người qua lại. Con đường vào huyện Quỳ Hợp đặc biệt không có xe lưu thông.
Hành trình từ TP. Vinh, đi suốt dọc đường QL1A, đến QL48 lên đến huyện Quỳ Hợp, nắng nóng đã khiến cho mặt đường chảy nhựa, bánh xe bám lấy mặt đường đi rin rít. Người đi đường ngợp rợn trước cái nắng gay gắt.

Gần 11h trưa cùng ngày, tại điểm ngã 3 đi huyện Tân Kỳ và Quỳ Hợp là trung tâm của Thị xã Thái Hòa, (Nghệ An), nhưng đường xá ở đây vắng tanh. Không ai dám thò đầu ra khỏi nhà, bởi mặt đường quá nóng.

"Chống cháy" cho chó.
Cũng trên trục đường QL48, nhiều chuyến xe chở hàng trăm con chó, lợn đều phải tấp vào vệ đường để hạ nhiệt. Anh Thắng lái xe cho biết: “Trời nóng trên 40 độ như thế này mà không dừng lại nghỉ đến đầu giờ chiều mới đi thì đàn chó này chắc chết hết”.

Đội mũ bảo hiểm đi thăm đồng

Chị Mai Thị Hoa, ở Quỳ Hợp, đội mũ bảo hiểm bịt kín khẩu trang đi thăm đồng lúc giữa trưa. Chị bảo: “Gia đình làm hơn 1 sào ruộng, lúa đang vào lúc làm đòng trổ bông. Mấy ngày ni (nay) đợi nước hồ đập xả xuống, nắng nhưng cũng phải tranh thủ để lấy nước vào cứu lúa. Không có nước thì coi như mất mùa, ở đây nắng nóng cả hơn 1 tháng không có mưa”.

Trưa nắng gay gắt nhưng chị Mai Thị Hoa vẫn phải ra đồng để lấy nước cứu lúa.
Không chỉ riêng gì ruộng lúa nhà chị Hoa thiếu nước trầm trọng, nắng nóng đã làm khô hạn nhiều ruộng mía bị chết đứng mà không có nước tưới tiêu ở Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp.

Anh Cúc và chị Dung cho biết: “Gia đình trồng hơn 2ha mía coi như hỏng hết, chết cong queo. Chết một lần, mới trồng lại hơn 1 tháng mà cũng không mọc lại được. Các hồ đập khô hạn, không có nước mà tưới, mà có tưới được nước cũng không đủ để chống lại nắng nóng”.

Ghé vào quán nước ven đường, gia đình bà Hà Thị Hạnh (80 tuổi), đang ngồi ăn cơm, cả gia đình than thở trong bức bối: “Tui (tôi) sống chừng này tuổi rồi mà chưa thấy năm nào nóng như năm ni (này).

Nhiệt độ cao, gió nóng thổi bỏng cả mặt mũi. Ngồi trong nhà mà cũng không dám bật quạt, quạt vào càng nóng, mà đi ra đường thì nhiệt độ còn cao hơn
”.

Tại khu vực quanh chợ xã Nghĩa Xuân, (huyện Quỳ Hợp), nhiều người dân lao động thủ công bám trụ nghỉ trưa xung quanh lùm cây ven đường.

Chị Tuyết và chị Phương đang nằm nghỉ chớp nhoáng ven đường kể: “2 chị em từ Diễn Châu lên Quỳ Hợp đi nhặt ve chai 6 ngày vẫn chưa về. Hôm qua cũng nóng, mà bữa nay nóng hơn”.

Không dám dùng quạt

Nhiều tiểu thương tại chợ Nghĩa Xuân cho biết, hàng hóa là hoa quả mùa này bán không kịp là hỏng hết. Trưa là phải tấp bạt lên, có quạt mà không dám dùng vì trời quá nóng.



Các tiểu thương cũng "nhoai" lên vì nóng mà không dám bật quạt vì càng bật càng nóng.
Hỏi người dân có cách nào chống nắng nóng, ai cũng bảo chấp nhận vậy, không có cánh nào hữu hiệu. Bởi, bao đời nay người dân phải sống chờ nắng nóng qua đi và mưa đổ xuống.

Chị Trang và chị Ngân bán tại chợ Nghĩa Xuân cho biết: “Mấy ngày ni (nay) quạt tấp ở một góc, chỉ dùng quạt mo quạt nhẹ. Quạt điện thì càng nóng nực”. 

Những học sinh giữa trưa lao mình xuống kênh nước ở Quỳ Hợp chống nóng.
Gần 14h cùng ngày, thị trấn Quỳ Hợp, tiếng ve kêu inh ỏi quanh hồ Thung Mây, từng nhóm người ngồi xung quanh hồ để tránh nóng. Chị Nhung bán nước mía ven hồ nói: "Tầm buổi trưa và buổi tối cái hồ này (Thung Mây - PV) là nơi giải nhiệt của người dân thị trấn Quỳ Hợp".

Chiều cùng ngày, trao đổi với VietNamNet, ông Tăng Văn An, Trưởng phòng dự báo khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ, đóng tại Nghệ An, cho biết: “Trên địa bàn tỉnh Nghệ An thì 2 huyện nóng nhất là Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp. Nắng nóng như mấy ngày quá là do đặc thù địa hình núi đá ở Quỳ Hợp, không có cây cối nhiều, cộng với hiện tượng gió phơn hoạt động mạnh.

Do có nhiều dãy núi đá, nên nền nhiệt hập thụ là rất lớn. Nhiệt độ đo được thực tế là ở trong nhà, còn ở ngoài trời thì chênh lệch từ 2 đến 3 độ”.

Quốc Huy

Nắng nóng kéo dài dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến, nhiều nơi đã quá tải, bị mất điện. Để nhanh chóng khắc phục những hiện tượng này, chúng tôi rất mong bạn đọc cung cấp thông tin những khu vực bị mất điện, cũng như phản ánh những câu chuyện trong cuộc sống do ảnh hướng của những đợt nắng nóng.

Thông tin xin gửi về địa chỉ banxahoi@vietnamnet.vn