Câu chuyện về sự sống còn của người Do Thái có thể ví như một vở kịch đầy bi tráng, thắng lợi nối tiếp thất bại, ra đời như một phép lạ sau những thời kỳ tưởng như sắp bị diệt vong - một vòng lặp tiêu biểu cho lịch sử Do Thái cho đến tận ngày nay. 

Câu chuyện về dân tộc Do Thái luôn có một sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với nhiều người. Cuốn sách "Câu chuyện Do Thái 2 – Văn hóa, truyền thống và con người” của tác giả Đặng Hoàng Xa là một khúc ca bi tráng, nhiều cung bậc mà một tác giả Việt Nam viết về dân tộc xuất chúng nhất hành tinh.

Bước ra từ một tôn giáo chung, những người Do Thái đã phát triển phong tục, văn hóa, và một hệ thống đạo đức cùng bản sắc khác biệt dựa trên đó giúp xác định họ là ai cho dù thái độ tôn giáo cá nhân của mỗi người là gì. Họ là một số rất ít các dân tộc cổ đại đã tồn tại cho đến ngày nay, mặc dù qua nhiều thế kỷ bị đàn áp, bị tàn sát, và ly tán tới hầu hết tất cả các vùng đất trên thế giới. Điểm đặc biệt là ở những nơi mà các dân tộc khác bị đồng hóa, thì người Do Thái ngược lại đã hấp thu được những tinh túy của phong tục và cách sống của dân địa phương, mà vẫn không đánh mất nền tảng những giáo lý cơ bản của tôn giáo và văn hóa Do Thái của riêng mình.

{keywords}

Thông qua năm chương sách “Câu chuyện Do Thái 2: Văn hóa, truyền thống và con người”, tác giả Đặng Hoàng Xa đã giúp người đọc hiểu được nguồn gốc xuất xứ, phân loại nhân chủng người Do Thái cũng như quá trình 4.000 năm hình thành, đấu tranh và gìn giữ văn hóa, truyền thống bản sắc của dân tộc này.

Vào một ngày khoảng năm 2000 TCN một bộ lạc du mục vượt Jordan, tiến vào dải đất hẹp dọc Địa Trung Hải có tên Canaan (sau được gọi là Palestine) dưới sự dẫn dắt của Abram, một nông dân chuyên chăn nuôi và bán lông cừu. Trong mơ, Abram mơ thấy mình được Thiên Chúa dẫn dắt tới vùng đất Canaan, nơi ông sẽ gánh sứ mạng “cha của nhiều dân tộc”, nghĩa là Abraham trong tiếng Do Thái, và được Thiên Chúa đổi tên thành Abraham. Vâng mệnh Thiên Chúa, ông cùng đoàn người đã rời quê hương ở thành Ur, phía bắc Mesoppotomia (Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ) đến Canaan, vị trí chiến lược, nơi giao nhau của 3 nền văn minh, kết nối 3 châu lục Phi, Âu, Á, và từ đây cuộc xâm nhập này mở ra lịch sử của dân tộc Do Thái, một định mệnh thiêng liêng nhất của nhân loại.

Dân tộc này từng bị truy quét từ trong trứng nước dưới bàn tay các Pharaoh Ai Cập khi ra lệnh giết không sót một bé trai Do Thái nào, cho tới cuộc đại diệt chủng thời cận đại do Đức Quốc xã cùng bè phái tiến hành giết sống hơn 6 triệu người, chia thành nhiều giai đoạn truy quét. Vậy mà, một câu hỏi đặt cho toàn thế giới, mà đại diện là văn hào Mark Twain: “Mọi sự đã biến mất, nhưng người Do Thái thì không. Tất cả các thế lực khác đã trôi vào quá vãng, nhưng Họ vẫn còn. Bí mật trong sự bất tử của Họ là gì?”

Họ tuyệt vọng không? Rất nhiều lần. Họ đã mất đức tin khi ngôi đền Jerusalem, thánh địa quan trọng nhất đối với người Do Thái, thành trì niềm tin quan trọng nhất đã hai lần sụp đổ, bảy lần qua tay đổi chủ. Song, đầu hàng đức tin đồng nghĩa với chấp nhận thượng đế của kẻ mạnh thắng thượng đế của kẻ bại, tức là đặt dấu chấm cho Thiên chúa, tức là đặt dấu chấm cho dân tộc Do Thái. Và các nhà tiên tri của dân tộc Do Thái từ chối logic đó, cuối cùng sự ngoan cường này đã cứu vớt tương lai Do Thái.

Các cuộc hợp tan, tan hợp xuyên suốt lịch sử đã vẽ lại bản đồ Do Thái. Hiện tại, người Do Thái có tới 70 quốc tịch trên khắp thế giới với danh xưng Diaspora, trôi nổi lưu lạc tới mọi miền đất còn lại của thế giới, từ Địa Trung Hải cho tới tận Bắc Mỹ, tạo ra những luồng gió mới, những dịch chuyển văn hóa, những vùng đất mới, những cơ hội mới, tạo ra “những cuộc kết hôn văn hóa, tôn giáo, triết học”.

Những tinh tú Do Thái có mặt ở khắp mọi nơi trên Trái đất. Nếu nhìn trên bầu trời đầy sao, thì những vì tinh tú sáng nhất có lẽ là những vì tinh tú được đại diện và làm nên bởi người Do Thái, sáng lấp lánh trong văn hóa, tôn giáo, âm nhạc, điện ảnh, với nhiều giải thưởng Nobel.

Tại mỗi bước ngoặt của lịch sử sẽ thường có một dân tộc nổi lên như một thiên hùng ca. Dân tộc Do Thái cũng vậy. Từ khi còn ở buổi khởi nguồn văn minh xã hội đã luôn bị rình rập, chà đạp, thanh lọc, song qua mỗi đận, họ vẫn đứng dậy sáng lòa.

Nếu có một hành khúc bi tráng, với những đoạn khúc rõ rệt, da diết, day dứt, bùi ngùi, trầm lắng rồi vút lên, đủ bậc thăng trầm của cảm xúc thì đó chính là hành khúc Do Thái mà tác giả Đặng Hoàng Xa muốn ca lên, trong "Câu chuyện Do Thái 2: Văn hóa, truyền thống và con người”. Đây xứng đáng là cuốn sách có mặt trong hành trình khám phá, tìm hiểu về đất nước, dân tộc nhỏ bé nhưng vô cùng vĩ đại này.

Ngọc Hương