Vụ án thảm sát con gái của lãnh sự Anh tại Bắc Kinh năm 1937 cuối cùng cũng được vén màn bí mật sau nhiều thập kỷ chôn giấu.
Thi thể của Pamerla Werner được tìm thấy với nhiều bộ phận bị mất. Cha của cô là Edward Werner bị coi là nghi phạm hàng đầu. Các cuộc điều tra sau đó đã bị gián đoạn khi Nhật đổ bộ vào Trung Quốc năm 1937. Những dữ liệu tại cơ quan Lưu trữ Quốc gia ở London đã giúp làm sáng tỏ vụ kỳ án thảm khốc này.
Pamela (ảnh trái) và cha nuôi là Edward Werner (ảnh phải) |
Đây là thi thể của một cô gái trẻ, nhưng không giống như những phụ nữ thông thường khác: đó là một cô gái ‘Tây’, một người ngoại quốc, người cô đã bị cắt làm nhiều mảnh. Trên đôi chân trần trụi và xanh tái là những vết cắt, còn khuôn mặt thì bị đâm rất nhiều nhát dao.
Quá kinh hãi, người đàn ông già chạy đi báo cảnh sát. Thông tin về phát hiện kinh hoàng này nhanh chóng lan ra và những người qua đường tập trung tại nơi xảy ra vụ án khi Đại tá Han – một thám tử điều tra người Trung Quốc – cùng với Ủy viên Thomas thuộc Công sứ Anh đã đến kiểm tra thi thể.
Trên người cô gái có một ít quần áo. Đầu của cô gái đã bị chà xát, mái tóc vàng của cô rối tung bê bết máu. Han đã kéo chiếc váy kẻ chéo xuống để che cặp đùi trần trụi và bỏ chiếc áo sơ mi lụa nhét dưới thi thể của cô gái.
Ông mở chiếc áo khoác len và kéo chiếc áo cánh khỏi ngực của thi thể cô gái.
Thám tử Han và Thomas thất kinh khi phát hiện ra người cô gái đã bị mổ phanh ra, mọi xương sườn bị gẫy. Điều rùng rợn hơn nữa là, tim của cô đã không còn. Bàng quang, thận và cả gan của cô cũng biến mất.
Điều ngạc nhiên là, trên hiện trường không hề có vết máu. Ngay cả chiếc đồng hồ đeo tay gắn bằng kim cương đắt tiền của cô cũng vẫn còn nguyên. Cảnh sát đã lấy chiếu bằng rơm phủ lên thi thể cô gái ngoại quốc xấu số.
Khi cảnh sát đang tìm các manh mối, một người đàn ông da trắng len vào trong đám đông. Một ánh mắt kinh hãi toát lên từ khuôn mặt của ông khi ông nhìn thấy mái tóc vàng dưới tấm chiếu phủ. Ông hét lên “Pamela” trước khi quẫn trí và gục xuống mặt đất.
Sau khi nhận dạng, thi thể này là xác của cô gái 17 tuổi Pamela Werner. Còn người đàn ông già ngoại quốc là cha của cô – Edward Werner, cựu lãnh sự Anh tại Bắc Kinh và là một học giả đáng kính.
Giờ đây, cuốn sách lôi cuốn của Paul French - một nhà nghiên cứu về Trung Quốc – đã kể lại câu chuyện thảm khốc về cuộc đời của Pamela, nỗ lực điên cuồng khổ sở của cha cô khi tìm công lý cho con, và sự thật gây sốc về tội ác này được chôn giấu ‘hợp pháp’ trong suốt 75 năm qua.
Chỉ đến khi French vô tình đi qua đống hồ sơ đầy bụi bặm ở cơ quan Lưu trữ Quốc gia tại Kew, phía tây London, vụ án này mới được đưa ra ánh sáng.
Sau khi không thấy Pamela về nhà, Werner đã đi tìm con gái trong suốt màn đêm. Ông đi qua khu vực Tô giới nơi hầu hết người ngoại quốc sống ở đây với các đặc quyền và tách ra khỏi đám đông hỗn độn. Rồi ông đi men quanh khu vực Badlands có nhiều con phố đang là nơi khu trú của thuốc phiện và nhà thổ. Đây là một hình ảnh khác đầy nhớp nhúa và tiều tụy của Bắc Kinh.
Trang báo đăng tin về vụ án mạng của Pamela Werner số ra ngày 8/1/1937. |
Vụ thảm án của Pamela Werner đã làm rung chuyển Bắc Kinh vào tháng Giêng năm 1937. Bầu không khí lúc đó căng thẳng và nóng ran vì người Nhật đã xâm lược Trung Quốc 6 năm trước đó. Giờ thì họ đang vây quanh thành phố này.
Những người da trắng hiểu rằng cuộc sống sung túc của họ, những bữa trưa và rượu trong các câu lạc bộ đang bị đặt trên bàn cân. Cái chết của Pamela chỉ làm gia tăng nỗi sợ hãi và đe dọa.
Những phỏng đoán xoay quanh động cơ của vụ án. Tại sao thi thể của cô gái trẻ lại bị cắt làm nhiều mảnh và vứt bỏ? Tại sao nhiều tuần sau đó, thủ phạm không bị bắt? Sáu tháng sau đó, khi vụ án chưa phá được, các nhà chức trách người Anh lại đóng hồ sơ. Nhưng Werner quyết không để vụ việc bị ỉm đi như vậy.
Vụ án mạng được đưa tin trên khắp thế giới, đăng kèm bức ảnh của cô gái trẻ Pamela chụp ba ngày trước khi mất tích. Cô gái 17 tuổi có dáng vẻ thanh mảnh, tao nhã trong bộ váy hợp mốt khác hẳn với hình chụp cô khi mặc đồng phục – trông chắc nịch và lẳn người.
Đại tá Han và người đồng nhiệm Anh DCI Dick Dennis bắt đầu ráp lại các hoạt động cuối cùng của Pamela. Dennis được yêu cầu khoanh vùng điều tra ở khu Tô giới, còn Han xử lý khu vực ngoài thành Bắc Kinh, bao gồm cả khu Badlands.
Các chứng cứ sau đó cho thấy rằng cũng giống như có hai phiên bản khác nhau của một Bắc Kinh đương thời, thì cũng có 2 Pamela hoàn toàn trái ngược: một cô học trò Pamela thích trượt tuyết; và một Pamela khác lại vô cùng nổi loạn, thạo đời và có cả vốc bạn trai.
Edward Werner đã nhận nuôi Pamela từ một trại trẻ mồ côi Bồ Đào Nha ở Bắc Kinh vì người vợ trẻ trung xinh đẹp của Werner là Gladys Nina không thể sinh con. Nhưng khi Pamela lên năm tuổi, Gladys Nina qua đời và Werner đã một mình nuôi con gái. Khi đó, ông 49 tuổi.
Pamela có mái tóc vàng, đôi mắt ánh nâu và hàng mi dài. Cô lớn lên và trở thành một cô gái tự lập. Cô nói tiếng Trung trôi chảy, có thể đạp xe dạo khắp Bắc Kinh, và đi đến những nơi mà các cô gái da trắng khác hiếm khi lui tới.
Vào ngày định mệnh của đời cô, cô đi chơi trượt tuyết với hai người bạn gái khác. Nhưng đến 7 giờ, cô nói mình muốn về nhà ăn tối. Trời tối mịt, hai người bạn gái hỏi liệu Pamela có sợ khi phải đạp xe một mình khắp thành phố không.
Pamela đáp lại một cách can đảm rằng: “Suốt đời tớ đã cô độc rồi. Tớ chẳng có gì để sợ cả. Với cả, Bắc Kinh là thành phố an toàn nhất thế giới này”.
Chỉ vài giờ sau đó, Pamela chết. Đầu của cô bị một vật cứng đập mạnh, trong sọ đầy máu. Cô đã đối mặt với kẻ tấn công, điều đó cho thấy có thể cô biết về người này từ trước. Những vết xước trên tay cô cho thấy cô đã cố gắng tự vệ.
Khám nghiệm tử thi cho thấy sau khi cô chết, họng của cô đã bị đâm bằng dao sắc nhọn. Máu trên người cô đã được lau sạch và mình bị mổ phanh, các bộ phận nội tạng biến mất. Rất khó có thể nói rằng cô có bị cưỡng bức hay không, chỉ có một điều chắc chắn là cô không còn ‘nguyên vẹn’. Khuôn mặt, chân và khu vực giữa hai chân của cô đã bị đâm bằng rất nhiều nhát dao.
Vụ án mạng không thể xảy ra ở chân chòi canh nơi mà người ta tìm thấy thi thể của cô – vì tại hiện trường này không có nhiều máu như đáng ra phải có (từ các vết thương nghiêm trọng gây ra). Vậy thì vụ án mạng xảy ra tại đâu? Và ai có thể làm nên những việc này?
Ban đầu, cha nuôi của Pamela là Edward Werner lại trở thành kẻ tình nghi hàng đầu. Wener là một người có tính cách hơi dị biệt, học rộng và uyên bác nhưng lại cứng rắn. Ông bị buộc thôi việc tại Văn phòng Ngoại quốc sau khi vài lần tấn công người khác bằng roi ngựa.
Ông từng đấm vỡ mũi một trong số những người theo đuổi Pamela. Liệu có thể nào ông đã giết chết con gái mình trong một cơn thịnh nộ?
- Lê Thu (theo DM)
(Còn tiếp)