- "Có hai khả năng xảy ra vào tối hôm nay. Đó là 12 năm nô lệ sẽ thắng giải phim hay nhất. Hoặc không tất cả các bạn đều là những người phân biệt chủng tộc".

Đạo diễn cùng các nhà sản xuất của 12 Years a Slave sau khi nhận giải.

Câu nói đùa của người dẫn chương trình Oscar năm nay Ellen DeGeneres không hẳn dựa trên những đồn đoán chắc nịch trước thềm trao giải Oscar lần thứ 86, rằng 12 Years a Slave (12 năm nô lệ) sẽ đoạt giải phim hay nhất. Từ nhiều năm nay, sự có mặt của bất cứ bộ phim nào về chế độ nô lệ hoặc chủ nghĩa phân biệt chủng tộc cũng đủ khiến việc bình chọn của Oscar trở nên nhạy cảm hơn. 

{keywords}
Phim 12 năm nô lệ.

Dù công chúng rộng rãi có vẻ như không thích lắm bộ phim của đạo diễn người da đen Steve McQueen, thể hiện qua thành tích kém nổi bật của nó trên bảng doanh thu phòng vé so với hai đối thủ còn lại là Gravity American Hustle (cùng dẫn đầu với 10 đề cử). Nhưng chắc chắn phim được lòng của giới phê bình, thể hiện qua hàng loạt giải thưởng trước Oscar.

Ra mắt và đoạt giải cao nhất tại LHP Toronto hồi tháng 10 năm ngoái, 12 năm nô lệ gây chú ý còn bởi những chuyến đi quảng bá khắp nơi của Brad Pitt trong vai trò nhà sản xuất kiêm đóng một vai nhỏ trong phim. Kết quả, phim bước vào mùa giải Oscar với 9 đề cử.

Bộ phim dựa trên cuốn tự truyện cùng tên in năm 1853 của Solomon Northup, từng được chuyển thể một lần trên màn ảnh nhỏ vào năm 1984. Những trang sách được người nhạc công vĩ cầm ở New York viết ra từ ký ức đau đớn của 12 năm bị bắt cóc và bị bán đi như một nô lệ. Cùng với những người da đen khác, ông bị đánh đập, bị vắt kiệt sức lao động trên những cánh đồng bông. Dưới bàn tay của đạo diễn da màu Steve McQueen, cả một quá khứ - mà đến nay vẫn còn ám ảnh nước Mỹ về lương tri và liệu pháp chữa lành vết thương ký ức - diễu hành qua những thước phim ấn tượng về màu sắc và ngôn ngữ ẩn dụ của hình ảnh.

{keywords}
American Hustle với 10 đề cử nhưng không đoạt giải nào.

12 năm nô lệ chưa hẳn xuất sắc hơn dòng phim gần đây có cùng chủ đề về thân phận của người da đen ở Bắc Mỹ, mà nổi bật là The Help (Người giúp việc, đề cử Oscar 2011), Django Unchained (Hành trình Django, đề cử Oscar 2012). Việc trao giải phim hay nhất cho nó khiến người ta không khỏi chạnh nghĩ sớm muộn gì cũng tới lúc Oscar phải trao giải cao nhất cho một phim thuộc dòng này như một việc làm "phải đạo", nếu không muốn bị mang tiếng là kỳ thị chủng tộc hoặc ưu ái các phim nói về người da trắng.

Sự lên ngôi của 12 năm nô lệ còn là bệ phóng đưa tên tuổi của hai diễn viên vô danh người da đen: Chiwetel Ejiofor và Lupita Nyong’o tỏa sáng trong thế giới điện ảnh. Năm nay, họ cùng với một nam diễn viên nghiệp dư khác là Barkhad Abdi (phim Thuyền trưởng Phillips, đề cử nam diễn viên phụ) làm giàu thêm bảng thành tích vốn còn nghèo nàn của các diễn viễn da màu ở kinh đô điện ảnh. Nhưng công bằng mà nói, cơ hội mà họ có được chỉ là do nhân vật của họ buộc phải là người da đen, không thể thay thế bằng một diễn viên da trắng.

Mặt khác, nấc thang đi vào lịch sử nhờ đoạt giải Oscar của 12 năm nô lệ chưa bao giờ lại trở thành một diễn trình nhàm chán và dễ đoán như năm nay. Kết quả của hầu hết các hạng mục giải gần như đã được báo trước, khiến lễ công bố gần như chỉ là sự xác nhận lại của hàng loạt giải thưởng được trao trước đó. Và nếu so kết quả với giải đình đám nhất trong số này là Quả cầu vàng thì Oscar gần như không khác.

{keywords}
Gravity với 10 đề cử và 7 giải nhưng không đoạt giải phim hay nhất.

Và với những gì đã lựa chọn để giới thiệu với thế giới, một lần nữa Oscar lại nhuốm màu hoài niệm khi vương vấn mãi những câu chuyện quá khứ, có lúc mang niềm tự hãnh (The Artist, 2011), khi khác lại ôn cố tri tân (Argo, 2012 và The King's Speech, 2010)... Trong khi đó, những câu chuyện viễn kiến về tương lai như Gravity hoặc Avatar có lẽ là những gì mà khán giả muốn thấy hơn ở trên màn ảnh.

Minh Chánh