(TuanVietNam) - Có thông tin cho rằng nhiều khả năng bộ tiêu chuẩn Việt Nam về chất lượng phân bón DAP sẽ “được” chỉnh sửa để sản phẩm của nhà máy DAP Đình Vũ đạt yêu cầu về chất lượng. Trong khi hiện nay và ở bất kỳ quốc gia nào cũng đang hướng đến những sản phẩm có chất lượng cao hơn thì nếu điều này xảy ra, có lẽ đây sẽ là hiện tượng hy hữu trong khoa học công nghệ.
Vì sao chấp nhận “chịu đấm ăn xôi”?
Trong thời gian qua, đã có quá nhiều phản ánh về chất lượng cũng như tiến độ của các công trình tại Việt Nam do các nhà thầu đến từ Trung Quốc thực hiện. Như một lẽ thường tình, dự án Nhà máy sản xuất phân bón hoá chất DAP Đình Vũ (Hải Phòng) cũng đang gây xôn xao dư luận.
Được biết, dự án này được chủ đầu tư là Tập đoàn Hóa chất VN giao cho nhà thầu Trung Quốc thực hiện theo phương thức EPC. Dự án được khởi công từ năm 2003 nhưng mãi đến năm 2009 mới cơ bản hoàn thành và được xác định là chậm tiến độ so với yêu cầu.
Tuy nhiên, cho đến nay dự án vẫn chưa thể bàn giao được vì còn nhiều vướng mắc về tài chính giữa nhà thầu chính và thầu phụ. Đặc biệt, sản phẩm từ nhà máy này cũng không đạt chất lượng như thiết kế ban đầu.
Thường thì ở bất kỳ một dự án xây dựng nào, nhất là những dự án về công nghệ, yếu tố đảm bảo chất lượng công trình và đạt tiêu chuẩn chất lượng phải luôn luôn đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, với dự án DAP Đình Vũ nhà thầu đã không khắc phục, chỉnh sửa được những nhược điểm về kỹ thuật công nghệ mà đành chấp nhận chịu phạt để rút lui
một cách khó hiểu.
Nhà máy phân bón DAP Đình Vũ
|
Đây không phải là tác phong thường thấy của những người có trách nhiệm và có tâm với nghề mà đích thị là sự lì lợm, chấp nhận “chịu đấm ăn xôi”. Với những nhà thầu yếu kém và lì lợm kiểu như thế này thì sự phiền toái đến với những người liên quan là điều khó tránh khỏi.
Đáng nói là sự phiền toái đến với không riêng gì với Ban Quản lý dự án DAP Đình Vũ mà còn với hàng loạt các dự án khác do các nhà thầu Trung Quốc đang hiện hữu trên đất nước Việt Nam. Ngoài ra, phiền toái không chỉ riêng ở thời điểm hiện tại mà chắc chắn sẽ còn âm ỉ trong một thời gian dài sau khi bàn giao, vận hành.
Về hàm lượng dinh dưỡng của phân bón chỉ đạt 61% thay vì 64% như thiết kế. Khi trả lời báo chí, cả hai ông Phùng Hà (Cục trưởng Cục Hoá chất - Bộ Công Thương) và ông Hoàng Văn Liễu (Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất VN kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án Nhà máy phân bón DAP Đình Vũ) đều cho rằng do nguyên liệu đầu vào tại Việt
Nam.
Cách lý giải này xem ra không thuyết phục bởi vì với những dự án quan trọng như thế này thì việc khảo sát, đánh giá trữ lượng, chất lượng quặng cần phải được tiến hành nghiêm túc và khách quan. Nếu giải thích này chính xác thì khâu lấy mẫu, khảo sát và đánh giá chất lượng quặng ban đầu có vấn đề?
Tiêu chuẩn mà không “chuẩn”
Xem ra cũng đều là "chất lượng" nhưng quan niệm và đánh giá về nó có phần khác nhau. Trong khi các nhà thầu Trung Quốc mang theo những lao động mà họ cho là có chất lượng cao hơn để "xây dựng" những dự án cho Việt Nam "đạt" chất lượng cao tới mức phía Việt Nam phải hạ tiêu chuẩn chất lượng xuống mới có thể nghiệm thu, bàn giao được thì quả là chuyện cười ra nước mắt. |
Sau những gì xảy ra, có thông tin cho rằng nhiều khả năng bộ tiêu chuẩn Việt Nam về chất lượng phân bón DAP sẽ “được” chỉnh sửa để sản phẩm của nhà máy DAP Đình Vũ đạt yêu cầu về chất lượng.
Trong khi hiện nay và ở bất kỳ quốc gia nào cũng đang hướng đến những sản phẩm có chất lượng cao hơn thì nếu điều này xảy ra, có lẽ đây sẽ là hiện tượng hy hữu trong khoa học công nghệ.
Đã gọi là tiêu chuẩn thì phải được xây dựng trên những cơ sở khoa học và quan trọng hơn là đã được khẳng định tính đúng đắn qua thời gian. Ở bất kỳ lúc nào thì tiêu chuẩn, nhất là những tiêu chuẩn mang tính định lượng rất rõ ràng như thế này cần phải được tuyệt đối tôn trọng. Khi thay đổi tiêu chuẩn thì nhất định phải là theo hướng tăng thêm chứ
không thể nào giảm xuống.
Trả lời phỏng vấn báo SGTT, ông Phùng Hà cho biết ở một số nước thì DAP cũng dùng hàm lượng dinh dưỡng từ 50% trở lên. Tuy nhiên ông không nói chính xác là bao nhiêu và ở nước nào. Thật tình, sẽ rất khó tin khi cho rằng bộ tiêu chuẩn Việt Nam lại cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn của các nước khác!
Song song với sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận này là việc các nhà thầu Trung Quốc đang sử dụng “chui” rất nhiều lao động phổ thông mang quốc tịch Trung Quốc trong các công trình tại Việt Nam, trong khi đáng lý ra những công ăn việc làm này phải được trao cho người lao động trong nước.
Khi được hỏi tại sao không sử dụng lao động Việt Nam? Nhiều nhà thầu Trung Quốc cho rằng lao động Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu công việc, dù cho đó là những việc rất bình thường, kể cả tạp vụ (?). Có nghĩa là họ đánh giá chất lượng lao động Việt Nam có vấn đề, không thể làm những công việc mà họ yêu cầu, dù số lao động này đã từng làm cho các nhà thầu đến từ Nhật Bản hay Hàn Quốc .
Xem ra cũng đều là “chất lượng” nhưng quan niệm và đánh giá về nó có phần khác nhau. Trong khi các nhà thầu Trung Quốc mang theo những lao động mà họ cho là có chất lượng cao hơn để “xây dựng” những dự án cho Việt Nam “đạt” chất lượng cao tới mức phía Việt Nam phải hạ tiêu chuẩn chất lượng xuống mới có thể nghiệm thu, bàn giao được thì quả là chuyện cười ra nước mắt.
Vụ DAP Đình Vũ không phải là vụ lình xình đầu tiên cũng chưa hẳn là vụ cuối cùng về chất lượng của các nhà thầu đến từ Trung Quốc. Liệu những “trái đắng” tương tự như thế này mà các chủ đầu tư Việt Nam phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” trong thời gian qua sẽ kéo dài đến bao giờ?
Vệ Đình