- "Nửa thế kỷ trước, chúng tôi đã cả gan lên tiếng phê phán không riêng gì SGK Địa lý mà hầu hết SGK các môn Khoa học xã hội (KHXH) đều được biên soạn rất cẩu thả, nhưng không ai chịu nghe..." - Nhà Sử học và Văn hóa học Nguyễn Khắc Thuần nêu quan điểm trước ý kiến cho rằng "Biển đảo trong SGK Địa lý còn mờ nhạt".
>> SGK 'một màu' sẽ thui chột học sinh>> Biển đảo trong SGK Địa lý còn mờ nhạt?
Nhà Sử học và Văn hóa học Nguyễn Khắc Thuần |
- Thưa ông có ý kiến cho rằng, hiện nay bài học về biển đảo trong SGK Địa lí còn rất hạn chế và mờ nhạt. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Đây là một trong những vấn đề do lịch sử biên soạn SGK để lại. Từ năm 1954 đến nay, tất cả SGK Địa lý Việt Nam đều đồng nhất giữa diện tích quốc gia Việt Nam với diện tích lãnh thổ Việt Nam. Nửa thế kỷ trước, chúng tôi đã cả gan lên tiếng phê phán điều này nhưng hầu như chẳng ai chịu nghe cả.
Thực ra, không riêng gì SGK Địa lý mà hầu hết SGK các môn KHXH đều được biên soạn rất cẩu thả mà cách sửa chữa tốt nhất chính là phải bỏ đi và nghiêm túc viết lại cho đúng đắn. Điều đáng bàn là ở Việt Nam ta, hễ nhà có một học sinh thì cả nhà cùng thi nhau học cùng với con em mình.
Tác động xã hội của SGK lớn lao lắm. Đồng nhất giữa khái niệm diện tích lãnh thổ với diện tích quốc gia không đơn giản chỉ là một sai sót về kiến thức mà còn gây tổn thương đến nhận thức và tình cảm lịch sử của cả một dân tộc.
Viết như SGK thì Việt Nam ta chẳng rộng mà cũng chẳng có biển, tức là cũng tương tự như cách nói của Lào hay của Mông Cổ. Họ có biển đâu.
Tất cả SGK phải tạo ra được một hệ thống tri thức đầy đủ, chặt chẽ và vững vàng
chứ không phải lâu lâu lại cập nhật thêm vài thông tin, bắt chước đặc trưng nghề
nghiệp của người viết báo.
Cũng trong SGK, vấn đề biên giới chỉ mới dừng lại ở mức rất đơn sơ là biên giới phẳng
trong khi khái niệm biên giới không thô sơ như thế. Tại sao cứ bắt học sinh phải
thuộc lòng số đo diện tích lãnh thổ khi mà số đo đó biến đổi từng ngày bởi quy luật
bồi đắp và sụt lở, số đúng hôm nay lại là số sai của ngày mai?
Thay vì bắt học thuộc
lòng theo kiểu lạ lùng như vậy, tại sao SGK lại không giới thiệu những nội dung mang
tính định hướng tư duy cho học sinh?
Xin được thẳng thắn nhấn mạnh thêm một lần nữa rằng, không riêng gì SGK địa lý mà ít
nhất là tất cả SGK các môn KHXH cần phải bỏ đi và viết lại cho đúng nghĩa là SGK. Hãy
làm điều này vì danh dự của nền giáo dục, xin đừng coi thường.
- Thưa ông nếu viết lại SGK mới, kiến thức về biển đảo cần được trình bày như
thế nào?
Thực ra, biển đảo chỉ là một phần trong toàn bộ kiến thức địa lý của học sinh, cho
nên vấn đề đáng quan tâm không phải làm cho biển đảo trở nên sôi động trong SGK mà
cốt lõi nhất vẫn là xây dựng và khẳng định một nhận thức thật đúng đắn về diện tích
quốc gia.
Trong SGK, bên cạnh việc trình bày nhận thức đúng đắn, hãy thẳng thắn nói cho học sinh biết thực trạng của diện tích quốc gia hiện nay. Đâu là diện tích quốc gia đang hoàn toàn được giữ vững, đâu là phần đang nằm trọng vùng bị tranh chấp và thái độ của Việt Nam trước sự việc này như thế nào. Học sinh không cần chi tiết nhưng cần có cơ sở để tin cậy ở trách nhiệm của nhà nước và sẵn sàng ủng hộ quyết sách của nhà nước.
Trong thời buổi có quá nhiều phương tiện thông tin hiện đại như ngày nay, thái độ
úp úp mở mở chỉ có tác hại gây nhiễu loạn nhận thức, không ích lợi gì đâu.
Là người từng dịch, hiệu đính và chú giải rất nhiều thư tịch cổ. Sách riêng về lĩnh
vực này do tôi thực hiện, tính ra cũng đã có cả vạn trang khổ lớn được xuất bản và
nhiều lần tái bản. Thực tế đã cho thấy rằng tổ tiên ta viết về diện tích quốc gia đâu
có sơ sài và lệch lạc như các tác giả SGK hiện nay. Nay, có lẽ chỉ cần chép lại tư
liệu của tổ tiên cũng đã đáng khen lắm rồi.
- Hiện nay ngoài việc dạy những kiến thức Địa lý, Lịch sử về biển đảo trong SGK
cho học sinh thì việc chuyển tải những kiến thức cốt lõi này trong đời sống xã hội để
nhân dân ý thức được điều này cũng rất cần thiết. Ông có đề xuất gì để thực hiện?
Tôi cho rằng, đây phải là trách nhiệm của cả cộng đồng với nhiều nội dung và hình
thức hoạt động phong phú khác nhau. Muốn có hiệu quả, xin các bậc nắm quyền điều hành
đừng để cộng đồng lúng túng và thiếu sự phối hợp chặt chẽ với nhau, càng không nên để
xảy ra tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.
Chuyện ngỡ như chỉ rất đơn giản là kiến thức địa lý nhưng bao trùm lên tất cả lại là
tình cảm và nhận thức lịch sử nên mọi cá nhân, mọi ngành nghề, mọi tổ chức chính trị
và xã hội phải cùng tham gia hóa giải theo khả năng và sở trường riêng của mình. Làm
sao để tất cả người Việt Nam đều hiểu đúng về diện tích quốc gia của mình, thế là
thành công.
- Xin cảm ơn ông!
- Lê Huyền (thực hiện)