Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, từng từ chối cho con đi du học thạc sĩ nước ngoài bằng tiền ngân sách nhà nước. Với đồng lương nhà giáo, gia đình ông nuôi hai con học xong thạc sĩ ở trong nước. Các con đều trưởng thành, gia đình nền nếp.

Khác xa với tưởng tượng của tôi, ngôi nhà của vị nguyên phó giám đốc sở GD-ĐT TP.HCM nằm trong một con hẻm nhỏ trên con đường Bùi Thị Xuân, quận Tân Bình. Không nhà cao, cửa rộng, ông giáo được mệnh danh "hiền nhất quả đất" có cuộc sống giản dị sau khi về hưu cùng con cháu trong căn nhà là tài sản chắt chiu của vợ chồng.

"Các con chưa đòi hỏi chuyện gì trừ lấy vợ"

"Ngày trước, ba tôi mong các con chọn một trong hai ngành sư phạm hay y khoa để theo học. Trong 5 người anh em, có 3 người đã chọn ngành sư phạm. Hai con trai của tôi, một cháu cũng theo sư phạm. May mắn các cháu đều rất ngoan. Từ nhỏ tới lớn, hai cháu chưa đòi hỏi cái gì, trừ chuyện lấy vợ" - ông giáo "hiền nhất quả đất mở đầu câu chuyện vui.

{keywords}
Gia đình ông Nguyễn Văn Ngai trước căn nhà là là tài sản chắt chiu của vợ chồng ông

Ông Ngai quê gốc ở Tây Ninh. Năm 1969, ông tốt nghiệp sư phạm và được bổ nhiệm về giảng dạy ở Hóc Môn. Đến tháng 4/1975, ông làm trưởng ban điều hành Trường Trung học Nguyễn Hữu Cầu rồi phó hiệu trưởng, hiệu trưởng. Năm 1991, ông được bổ nhiệm làm Phó bí thư Đảng ủy ngành GD-ĐT. Đến năm 1998, làm phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM.

Gia đình ông Ngai có 4 người thì 3 người làm trong ngành giáo dục. Vợ ông, cô Nguyễn Thị Cúc từng giảng dạy ở trường THPT Nguyễn Thượng Hiền và người con trai - Nguyễn Chí Nhân đang là Phó chủ nhiệm Khoa Cơ khí Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng; còn anh Nguyễn Chí Thiện công tác ở cơ quan nhà nước.

Sau ngày 30/4/1975, đời sống giáo viên cực khổ, thiếu thốn mọi bề, mọi thứ chi tiêu phải dè xẻn. Ba mẹ làm nghề giáo, thỉnh thoảng hai anh em Thiện- Nhân cũng theo đi làm.

Ông Ngai bảo hai con Nhân và Thiện dường như hiểu được hoàn cảnh gia đình nên chưa đòi hỏi ba mẹ một điều gì dù nhỏ nhất.

"Lúc đó, tôi đạp xe từ Hóc Môn về Sở để họp. Con nghỉ học không ai trông nên phải mang theo. Họp xong, 2 cha con đạp xe về. Lúc đi qua phố Nguyễn Huệ, Thiện thấy thấy nhiều đồ chơi ô tô chạy bằng dây cót nên mê mẩn chơi. Tôi nói mua cho một cái nhưng con từ chối. Khi đi trên đường Hai Bà Trưng trời đã rất trưa nên 2 ba con vào quán ăn trưa. Con cũng bảo nhất quyết không ăn".

Theo ông Ngai, có thể do hoàn cảnh, lên 6 tuổi hai con đã biết phụ giúp gia đình.

Dù là con trai, nhưng cả Nhân và Thiện phụ mẹ rửa ấm chén, giặt đồ, lau nhà cho tới lúc học đại học vẫn giữ nếp đó.

Hàng tháng, ông vẫn cho con tiền tiêu vặt để ăn quà bánh, uống nước với bạn bè. Nhưng nếu tháng trước còn dư thì tháng sau nhất quyết không lấy nữa. Cả 2 anh em đi xe đạp xe tới trường cho tới lúc tốt nghiệp đại học.

Từ chối cho con du học

Khi làm phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, ông Ngai nằm trong nhóm xét duyệt chương trình 300 thạc sĩ, tiến sĩ của Thành ủy.

Ông được gợi ý nên cho một trong hai con trai du học ở nước ngoài.

Lúc này, hai anh Nguyễn Chí Thiện và Nguyễn Chí Nhân đã học xong Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhưng tự xác định cha mẹ nhà giáo, kinh tế không quá dư giả nên học ở trong nước. Suất đi học thạc sĩ nước ngoài bằng ngân sách nhà nước nằm trong tầm tay, nhưng ông thẳng thắn từ chối.

{keywords}
Vị phó giám đốc Sở từ chối cho con đi du học nước ngoài bằng ngân sách được mệnh danh người thầy "hiền nhất quả đất"

"Anh có hai con trai nên cho một cháu tham gia chương trình"- tôi nhận được lời đề nghị. "Về nhà, tôi trao đổi với các con để hai đứa suy nghĩ. Mấy ngày sau cả hai nói với tôi không có nhu cầu".

"Công dân trong đất nước, không đóng góp ở lĩnh vực này thì đóng góp lĩnh vực khác"

 

Ông Ngai cho rằng, nếu con ông du học, ngoài đạt chuẩn theo yêu cầu, trong phạm vi nào chắc chắn sẽ được ưu tiên vì ông là thành viên trong ban xét duyệt.

"Nhiều người bảy tỏ tiếc nuối khi tôi từ chối nhưng chúng tôi thấy rất nhẹ nhàng. Hai con tôi cũng không nhắc lại chuyện này. Có một người đi để tiếp thu kiến thức nước ngoài cũng tốt, ở trong nước thì cố gắng hơn.

Gia đình vẫn giữ nền nếp "đi thưa về gửi"

Dù kinh tế không dư giả nhưng gia đình ông Ngai vẫn có cái khác so với các gia đình bình thường.

Một gia đình, ba đời làm nghề giáo, vợ chồng ông luôn răn dạy các con phải sống giản dị, chân thật, biết chia sẻ, hòa đồng.

"Các con tôi đều phấn đấu học hành. Đi học ở đâu, học gì, thi vào trường nào, chúng tôi để cháu tự quyết chứ không can thiệp. Tôi chỉ xem các con muốn làm gì, nếu phù hợp thì đồng tình. Thực tình vợ chồng chúng tôi nhà giáo cũng muốn các con tiếp nghề của mình. Lúc nhỏ hai con tỏ ra thích thú nhưng lớn lên chúng tôi để các con tự chọn".

Ông không ép buộc con. Hai con trai Nguyễn Chí Thiện và Nguyễn Chí Nhân sau thời gian học đại học ra trường đi làm theo nguyện vọng cá nhân.

Chỉ tới lúc Sở GD-ĐT tuyển giảng viên những trường trung cấp cao đẳng thuộc Sở, ông mới gợi ý cho con có thể tham gia.

Anh Nhân, con thứ hai của ông học nghề cơ khí nên rất phù hợp với yêu cầu tuyển dụng. Sau khi cân nhắc anh "chiều" theo ý ba và đăng ký dự thi vào làm giảng viên cao đẳng.

"Chúng tôi thống nhất rằng dạy con phải cương quyết nhưng không áp đặt. Nhiều người nói con cái thì phải nghe lời ba mẹ. Đặc biệt còn nhỏ, con cái phải nghe ba mẹ răm rắp, nhưng tôi phải làm ngược lại. Ba mẹ cũng phải nghe để hiểu con. Cái nì cần uốn nắn sẽ lựa lời để uốn con chứ không áp đặt".

Có một câu chuyện mà ông Ngai nhớ mãi được coi là bài học lớn vừa dạy con vừa rút kinh nghiệm làm cha.

Một lần, anh Nhân giành đồ chơi và xô xát với con đồng nghiệp nên bị bố đánh một roi. Trước khi đánh con, ông ngồi răn dạy cả tiếng đồng hồ. Đánh con xong lòng ông cũng đau như cắt.

Tôi nghĩ rằng, dạy con cái bên cạnh những giáo huấn, điều hay điều tốt, những yêu cầu thì bản thân người làm cha mẹ phải làm những điều tốt để thông qua đó con thấy rằng giữa lời giáo huấn và việc làm thống nhất với nhau"

 

Một nề nếp gia đình mà ông Ngai vẫn gìn giữ đó là đi "thưa về gửi".

Trước đây, mỗi lúc đi làm hay về nhà vợ chồng ông đều khoanh tay trước ngực chào ba mẹ.

Tới lúc ba mẹ trăm tuổi, ông vẫn giữa điều này 'thưa ba con đi, thưa má con đi, thưa ba con về, thưa bá con về". Các con ông bây giờ đi đâu cũng thưa gửi đàng hoàng.

"Đương nhiên, xã hội bây giờ đã khác xưa rất nhiều nên con cái chúng tôi không còn khoanh tay trước ngực. Nhưng các con vẫn gìn giữ được nề nếp này. Đi đâu các con đều nói "thưa ba con đi, thưa má con đi".

 

"Tôi nghĩ rằng dạy con cái bên cạnh những giáo huấn điều hay điều tốt, những yêu cầu thì bản thân người làm cha mẹ phải làm những điều tốt để thông qua đó con thấy rằng giữa lời giáo huấn và việc làm thống nhất với nhau. Mình yêu cầu con tôn trọng nhưng mình không tôn trọng bố mẹ mình thì sao dạy được con. Việc chào hỏi chỉ là hình thức, điều quan trọng là những hành đồng chăm sóc, phụng dưỡng để con nhìn vào học theo. Bên cạnh tình thương phải hiểu và tôn trọng con. Có những điều con nói "chói" nhưng phải lắng nghe, càng không thể áp đặt con mà phải kiên trì".

Điều ông Ngai mong mỏi nhất là con sống không nợ nần, không bệnh tật nặng và con cái nên người. Bởi con cái nên người là niềm hạnh phúc lớn của ba mẹ.

Lê Huyền