Mới đây, nhà kinh tế học hàng đầu của Nga là Sergei Guriev đã bỏ sang Pháp sau khi bị các điều tra viên thẩm vấn vì có liên quan tới một báo cáo năm 2011, trong đó ông đặt câu hỏi về nền tảng pháp lý khi bỏ tù nhà tài phiệt dầu lửa Mikhail Khodorkovsky.
Mô tả Guriev đã sang Paris hôm 30/4 và không dám về Nga vì sợ sẽ bị bắt. |
Nhìn vào những sức ép đè nặng lên Guriev - người nổi tiếng trong giới kinh tế học, các nhà đầu tư nước ngoài và các quan chức cấp cao, các nhà nghiên cứu và học giả của Nga bắt đầu lo ngại về mức độ khoan dung ngày càng ngặt nghèo đối với chuyên gia độc lập trong lĩnh vực hoạch định chính sách và có thể là nói chung nữa.
"Vụ việc của Guriev đã để lại một dư vị không dễ chịu" - nhận định của Fyodor Lukyanov, Chủ tịch của Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng của Nga, cơ quan tham vấn hàng đầu cho chính phủ.
Không ai rõ mục đích thật sự của việc thẩm vấn là gì. Tuần trước, Ủy ban Điều tra đầy quyền lực của Nga đã xác nhận rằng Guriev đã bị thẩm vấn vì có liên quan đến vụ việc của nhà tài phiệt Khodorkovsky và công ty Yukos của ông này từ 10 năm trước. Trước khi bị bắt năm 2003, Khodorkovsky từng đưa ra một thách thức vè chính trị, thậm chí cả về kinh tế với Kremlin. Điều này dấy lên các chỉ trích đối với việc truy tố nhà tài phiệt này.
Những người đã bị thẩm vấn, bao gồm cả Guriev, đều không thể chia sẻ các chi tiết của cuộc gặp với các nhà điều tra, vì họ đã phải ký vào các cam kết không tiết lộ thông tin. Tình trạng thiếu minh bạch này đã khiến cho các nhà bình luận đặt giả thuyết rằng các nhà cầm quyền có thể đang chuẩn bị đưa ra các cáo buộc phạm tội mới, hay còn gọi là 'vụ kiện thứ ba' nhằm vào Khodorkovsky.
Guriev nói rằng các nhà điều tra bảo ông là họ sẽ thẩm vấn ông lần thứ hai vào ngày 25/4 với tư cách là một nhân chứng, nhưng thay vào đó, họ lại tới văn phòng của ông tại Trường Kinh tế mới cùng với một lệnh của tòa nhằm tịch thu tất cả email của ông nhận được trong 5 năm qua.
"Nếu họ đã nói dối tôi lần đó, thì họ cũng có thể nói dối lần nữa" - Guriev nói. Guriev vốn là hiệu trưởng trường nghiên cứu này cho tới hết tháng trước.
Khodorkovsky đã được chính Hội đồng Nhân quyền của người sau này làm Tổng thống Nga là Dmitry Medvedev ủy nhiệm để khảo sát phiên tòa năm 2010 đối với ông trùm dầu lửa và đối tác kinh doanh của ông là Platon Lebedev. Chín chuyên gia, trong đó có ba người nước ngoài đều làm bản báo cáo này mà không lấy tiền công. Họ đưa ra các phán quyết then chốt giống hệt nhau, dù cho làm việc độc lập và không liên hệ với nhau.
Tamara Morshchakova, giáo sư tại Higher School of Economics (HSE) và cũng là người tham gia hoàn tất báo cáo cho biết năm trong số 6 chuyên gia Nga đã bị thẩm vấn hoặc tịch thu tài liệu, thiết bị.
"Việc này đã đi quá giới hạn" - bà Morshchakova nói.
Giáo sư Mikhail Subbotin cũng thuộc trường HSE là người đầu tiên bị thẩm vấn. Ông cho biết toàn bộ văn phòng và nhà nghỉ của ông đều bị lục soát vào hôm 7/9 năm ngoái và đến nay, ông vẫn không thể làm việc được vì toàn bộ máy móc, hồ sơ của ông đã bị tịch thu.
"Đây là một cách tiếp cận cổ lỗ, thiển cận của cơ quan công quyền" - Mikhail Subbotin nói. "Họ nên nhìn thẳng vào các vụ án, nhưng họ lại nhằm vào những người chỉ trích".
Theo một số nhà nghiên cứu và học giả, các vụ việc này là một phần trong nỗ lực sâu rộng hơn do Kremlin tiến hành nhằm vào các nhà khoa học xã hội và kinh tế hay chỉ trích.
"Có vô số các nhà khoa học ... đang ở trong tâm trạng bi quan" - Vladimir Nazarov, một nhà kinh tế học giống như Guriev làm trong dự án do (Thủ tướng đương nhiệm) Medevdev lập nên để giúp cho công việc điều hành thêm minh bạch.
Nhà sử học Nikolai Svanidze, thành viên của Phòng Công chúng -cơ quan cố vấn quốc gia - cho rằng việc coi nhẹ ý kiến chuyên gia càng trở nên gay gắt hơn trong chính quyền tổng thống.
"Các chuyên gia [được cho là thân thiện] nếu như họ có quan điểm trùng với chính quyền... nhưng nếu họ có quan điểm khác, thì đó là sự thù địch và họ phải trả giá" - Svanidze nói.
Tuy nhiên, một quan chức từ hội đồng chuyên gia của tổng thống trong đó có liên lạc với hàng chục cố vấn cho Kremlin nói rằng: không có thay đổi nào đáng kể trong nhóm làm việc dưới thời Putin nhiệm kỳ thứ ba này.
"Khuôn mẫu và mức độ công việc của chúng tôi trong năm ngoái không có gì thay đổi cả. Chúng tôi vẫn làm việc với các chuyên gia như trước kia".
Trong khi đó, người phát ngôn của Kremlin là Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng việc Guriev ra đi là vì lý do cá nhân, chứ không phải vì mục đích chính trị.
Có nguồn tin cho rằng Guriev từng nhận tiền của Khodorkovsky để làm sai lệch báo cáo, theo hướng có lợi cho nhà tài phiệt này. Guriev nói rằng ông chưa từng nhận đồng nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp từ Khodorkovsky. Còn việc trường của ông nhận một khoản tiền 50.000 USD từ quỹ do Khodorkovsky sáng lập năm 2003, khi đó Guriev chưa làm hiệu trưởng trường, và lúc đó còn đang ở Đại học Princeton.
Việc Guriev quyết định đi khỏi nước Nga đặc biệt gây sốc vì ông được cho là có nhiều quan hệ thân thiết với rất nhiều quan chức cấp cao. Ông luôn xuất hiện trong các ban cố vấn cùng với ông Medvedev, và có trong ban điều hành của ngân hàng lớn nhất nước Nga là Sberbank.
Bộ trưởng Mikhail Abyzov phục trách dự án Chính phủ Mở cho biết Thủ tướng Medvedev 'đánh giá cao công dữ liệu của Sergei Guriev', nhưng ông Medvedev cũng không có bình luận trực tiếp nào về vụ việc.
Guriev nói rằng ông cuối cùng cũng quyết định không về Nga vì mọi chuyện trở nên rõ ràng là vốn hiểu biết cũng như bạn bè cũng không thể bảo vệ nổi ông.
"Các đồng nghiệp nói rằng tôi không nên 'rút ván', vậy là họ nói với các lãnh đạo chính trị cấp cao... nhưng theo tôi được biết thì tôi không nghĩ là có thể chấp nhận được các rủi ro như vậy".
Còn Tổng thống Putin, lần đầu tiên đề cập về vụ việc Guriev, nói rằng nếu như nhà kinh tế học nổi tiếng không làm điều gì phi pháp thì chẳng có gì đe dọa ông ở Nga.
"Tôi mới chỉ nghe họ của ông ấy gần đây và tôi không rõ là ông ấy có phạm pháp hay không. Hãy để ông ấy [làm công việc kinh tế học của mình] ở bất kỳ nơi đâu ông ấy muốn".
Sergei Aleksashenko, cựu phó giám đốc ngân hàng trung ương và hiện đang giữ chức vụ cấp cao tại nhóm cố vấn Trung tâm Phát triển, dự đoán rằng các chuyên gia Nga có thể sẽ nối bước Guriev ra nước ngoài: "Ông ấy [Guriev] chắc chắn không phải là người đầu tiên, và hiển nhiên cũng không phải là người cuối cùng".
Lê Thu (theo RIA)