Cho dù cuộc sống lứa đôi không phải bao giờ cũng hạnh phúc, nhưng chúng ta vẫn gặp những đám rước dâu náo nức tưng bừng, những chú rể trang trọng dìu cô dâu bịn rịn lên xe hoa.

Bởi các công trình nghiên cứu gần đây vẫn chỉ ra rằng, xét trên nhiều phương diện, với loài người, không có phương thức sống nào tốt đẹp hơn cuộc sống lứa đôi. Song bên cạnh đó, vẫn có lắm bậc cha mẹ đứng ngồi không yên vì con trai đến đầu bốn vẫn không chịu lấy vợ, khiến làn sóng độc thân không ngừng gia tăng trên thế giới.

{keywords}

Nghìn lẻ một kiểu “yêu” chồng!

Có phải một số đàn ông không kết hôn vì không thích phụ nữ? Trái lại, những nghiên cứu về phái mạnh gần đây ở nhiều nước phát triển cho thấy, đa số những người này quan hệ với nhiều phụ nữ hơn người có vợ. Có những đôi sống với nhau như vợ chồng nhiều năm mà vẫn theo kiểu “góp gạo thổi cơm chung”, không chịu đi đăng ký. Đó là chưa kể một số người “thay quân” liên tục. Chắc chắn có những nguyên nhân khiến một số đàn ông thời nay dị ứng với hôn nhân. Thậm chí có người quá bi quan khi nói lấy vợ chẳng khác gì đi tù. Bởi vì có những chị em coi chồng như “vật sở hữu”.

Núp dưới những mỹ từ như “yêu, quan tâm, chăm sóc, lo lắng” cho chồng, có những người vợ đánh đồng tình yêu với sự chiếm hữu. Những chàng trai chưa vợ nghe những đàn anh đi trước kể chuyện được vợ “yêu quá” mà phát hoảng. Về đến nhà tắt điện thoại, vợ hỏi: “Sợ em nào gọi hay nhắn tin thì lộ à?”. Mà đúng sợ thật. Cứ mỗi lần máy rung (vì đã tắt chuông) là giật mình thon thót. Phải trả lời thật to, giọng càng thô bạo càng tốt. Vừa nói vừa đi đi lại lại, vung vẩy chân tay trông thật “hoành tráng” vào. Tắt máy rồi còn quát thêm một câu nữa: “Cứ liệu đấy, để nhỡ việc thì chết với tôi”. Có anh bị vợ tra khảo cả đêm chỉ vì tại sao lại nói câu to, câu nhỏ? Một anh ngày nào vợ cũng gọi vào máy di động đến chục lần. Nghe ồn ào thì hỏi: “Sao ồn thế, đang hát karaoke hả?”. Nghe im phăng phắc lại rít lên: “Có đúng đang trong nhà nghỉ không?”.

Thử hỏi đàn ông chưa vợ nghe những chuyện như thế còn ai dám liều mình chui vào rọ.

Nhìn thấy hôn nhân không hấp dẫn

Có những anh lại sợ lấy vợ vì đã phải chứng kiến ngay trong gia đình mình một bà mẹ khắc nghiệt, luôn uy hiếp chồng con. Hình ảnh đó để lại trong họ ấn tượng hãi hùng về người vợ. Họ không muốn chính mình phải gánh chịu cái cảnh mà bố họ đã trải qua. Một số khác từng phải chứng kiến bố mẹ lục đục nhiều năm. Những xung đột, cãi vã, những đay nghiến, chì chiết, những đập phá, gào thét và cả những lời xỉ vả mắng nhiếc thậm tệ, đôi khi cả “nói chuyện” bằng chân tay nữa và cuối cùng là phiên tòa xử ly hôn với những tranh chấp quyết liệt về con cái, tài sản.

Cũng có đàn ông sợ lấy vợ vì từ nhỏ đã thấy cảnh bố nói dối như cuội để tìm mọi cách ra khỏi nhà và cảnh mẹ lục vấn, xét nét, theo dõi, thấp thỏm lo âu đến mất ăn mất ngủ. Hoặc cảnh mẹ lừa bố, đi gặp người tình mà ông bố đáng thương chẳng hay biết gì, hoặc có biết cũng không làm gì được. Tệ hơn nữa là cảnh “ông ăn chả, bà ăn nem”, cả hai cùng lừa dối nhau nhưng vẫn không chia tay chỉ vì con cái chưa trưởng thành.

Đôi khi lại xảy ra hiện tượng ngược lại, có người đàn ông đã in sâu tâm trí hình ảnh của mẹ hay cô giáo như một thần tượng hoàn hảo, đến mức họ không thể tìm thấy ở đâu một người phụ nữ như thế trong đời thực để yêu. Cũng có khi họ tìm thấy một hình bóng ở ngoài đời nhưng lại quá cao xa không thể với tới. Thế là ngày tháng qua đi họ vẫn cô đơn. Có nhà xã hội học cho rằng, nguyên nhân khiến một số đàn ông ngại kết hôn còn bởi vì ngày nay ở đâu cũng có khẩu hiệu “nam nữ bình đẳng”. Họ nghĩ mình chẳng có quyền gì với vợ, không những thế họ còn lo bị vợ áp đảo, mất hết tự do.

Không lấy vợ vì lý do kinh tế

Giáo sư Meiko Funabashi, một nhà xã hội học Nhật cho rằng, tình trạng gia tăng số người không lấy vợ bắt đầu từ lý do kinh tế. Anh Trần Quang ở Hà Nội, 34 tuổi, làm đồ họa vi tính cho công ty nước ngoài, lương tháng khoảng 20 triệu. Anh ta yêu một cô từ sáu năm nay nhưng không chịu cưới. Anh giải thích: “Chẳng dại gì lấy vợ vì như thế tôi sẽ mất toàn quyền với số tiền mà tôi làm ra. Lấy vợ rồi thì phải nộp hết cho vợ, rồi muốn tiêu gì lại ngửa tay ra nì nèo”.

Thống kê cho thấy, không ít đàn ông sống ở thành phố dị ứng với hôn nhân và nhiều người trong số họ có tay nghề giỏi, có thu nhập cao. Cuộc sống hôn nhân chẳng mấy hấp dẫn đối với họ. Trái lại, theo họ, hôn nhân chính là nguyên nhân gây nên bao nhiêu phiền toái, là chấm dứt những cuộc hẹn hò lãng mạn, cũng chẳng còn được uống thả phanh với mấy ông bạn nhậu.

Đi tìm một giải pháp khả thi

Các nhà khoa học cho rằng, nói chung cuộc sống lứa đôi cần thiết với đàn ông hơn là với phụ nữ. Người đàn ông có vợ duy trì được cuộc sống ổn định hơn. Theo nhà nghiên cứu Jean-Claude Haufmann, đàn ông độc thân thường có xu hướng tự hủy hoại mình. Kỹ năng phục vụ bản thân và sống điều độ của đàn ông thua xa phụ nữ nên họ chết do xuất huyết não nhiều hơn những người có vợ sáu lần, tự tử và đi tù nhiều gấp ba lần.

Tuy nhiên, không thể dùng biện pháp hành chính bắt buộc đàn ông lấy vợ. Có lẽ giải pháp khả thi là cả hai phái phải điều chỉnh lại quan niệm của mình về hôn nhân, từ bỏ cách hành xử lỗi thời khi xã hội đã có nhiều thay đổi. Đàn ông phải giảm bớt tính tự do, không thể cư xử với vợ như hai người độc thân sống chung một nhà. Còn phụ nữ cũng phải nới lỏng “sợi dây trói buộc nhau” một chút. Chỉ khi nào hai phái cùng tự điều chỉnh mới tiếp cận được chân lý của cuộc sống lứa đôi, để cùng chung hưởng niềm vui thú ngàn đời mà tổ tiên đã gọi là : hạnh phúc gia đình.

Trịnh Trung Hòa

(Theo Phunuonline)