Nghề không đủ sống

“Người làm công tác phê bình không kiếm được tiền, không có nguồn nào để họ có thể sống bằng nghề. Tôi và nhiều đồng nghiệp khác hiện được gọi là “nhà phê bình” nhưng thực tế sống bằng vẽ tranh, bán tranh. 

40 năm gắn bó với nghiệp phê bình mỹ thuật không lương, cứ viết và cống hiến vì cái tâm với nghề, tự thấy chúng tôi là 'tấm gương xấu' cho các sinh viên được đào tạo chuyên ngành phê bình văn học, nghệ thuật vì họ nhìn thấy tương lai theo nghề sẽ khó sống”, ông Phan Cẩm Thượng ngậm ngùi chia sẻ với VietNamNet.

Nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng.

Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm - Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM thảng thốt “hỏi ở Việt Nam có ai sống được bằng nghề phê bình lý luận đều nhận được cái lắc đầu”.

Bà Liêm chia sẻ, để có trình độ lý luận phê bình phải học nhiều năm mới đứng vững và viết được. 

“Mới đây, tôi viết một bài lý luận phê bình âm nhạc gửi tạp chí chuyên ngành, dài 10 trang, được trả nhuận bút 1,5 triệu đồng. Nhuận bút này đã là cao so với mặt bằng chung. Nhưng để có một bài viết như vậy, tôi phải nghiên cứu rất lâu. 

Vài ngày trước, tôi vừa viết về nhạc bolero, tôi biết mình sẽ được trả 750 ngàn đồng cho bài viết 15 trang… Nói như vậy để thấy rằng, vì sao hiện nay tại TP.HCM không có người làm lý luận phê bình. Như tôi là người trẻ nhất làm công tác này thì cũng đã 60 tuổi”, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm bày tỏ.

Trong khi đó, TS. Ngô Phương Lan - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương chỉ ra một khía cạnh khác của sự thiếu hụt đội ngũ phê bình lý luận VHNT là “sợ nói thật”.

"Trước mỗi tác phẩm, sự kiện văn hoá gây hiệu ứng dư luận. Giả dụ có nhà phê bình nào lên tiếng có thể sẽ bị bủa vây, ném đá, làm sao có thể trụ vững được trong cơn lốc của dư luận, của các 'anh hùng bàn phím'?", TS Ngô Phương Lan thẳng thắn.

Sự “khô đạo” với văn chương

Nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam cho rằng, thực trạng đội ngũ phê bình lý luận VHNT ngày càng “teo tóp” chính bởi sự “khô đạo” với văn chương. 

“Một đất nước 90 triệu dân mà mỗi đầu sách văn học - dẫu đó là danh tác của thế giới, khi in ra thường chỉ ở mức 1.000 bản. Nếu leo lên đến con số 10.000 được xem như thắng lợi lớn. Trong bối cảnh báo động như vậy thì mơ ước về một lực lượng hùng hậu của những người trẻ tuổi tham gia viết phê bình văn học sẽ... rất hão huyền. Bởi nhà phê bình văn học trước hết phải là một người đọc, một người đọc chung thủy và đầy say mê với văn chương - như một người tình, không thể khác”, ông Nam nhận định.

Một yếu tố nữa khiến người trẻ không mặn mà với nghề này, theo nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam bởi "việc những người trẻ hôm nay viết phê bình văn học có thể như một sự hy sinh thời gian".  Đã là hy sinh chẳng mấy ai sẵn sàng, ngay cả những người có thể hy sinh thì không phải lúc nào cũng dám.

"Hơn chục năm trước, một cây bút phê bình trẻ xuất hiện trên văn đàn. Sắc sảo, tài hoa, cây bút ấy khiến cho văn giới hy vọng ở anh một sự nghiệp phê bình văn học bề thế trong tương lai. Nhưng chỉ 2-3 năm sau đó anh biến mất đến tận bây giờ. Hỏi ra mới biết, nhà phê bình trẻ vốn là một nhà kinh doanh có thu nhập vài nghìn USD/tháng.

Sẽ không có gì khó hiểu nếu anh từ chối bỏ ra vài ngày, một tuần (hoặc hơn nữa) để viết một bài phê bình với mức nhuận vài trăm nghìn đồng (nếu được đăng). Tôi tin rằng anh vẫn là một người đọc văn học lý tưởng, nhưng để một người đọc văn học trở thành một nhà phê bình văn học, điều kiện tiên quyết là anh phải đầu tư thời gian để viết ra cái đọc của mình. Đó mới thực sự là điều đáng nói", nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam chia sẻ.

Sự thiếu hụt đội ngũ phê bình không chỉ đến từ việc "không sống được bằng nghề" mà còn bởi công tác đào tạo đội ngũ các nhà lý luận, phê bình VHNT chuyên nghiệp bị buông lỏng suốt thời gian dài.

Theo PGS.TS Đào Duy Quát, các khoa, các tổ bộ môn lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật ở một số trường đại học, cao đẳng về VHNT thiếu giảng viên cơ hữu, giáo trình giảng dạy lạc hậu, không thống nhất. Nghiêm trọng nhất là trong nhiều năm qua một số khoa, tổ bộ môn lý luận, phê bình không có sinh viên thi tuyển. Cho nên, ở một số ngành nghệ thuật hiện giờ, số cán bộ làm phê bình chuyên nghiệp chỉ còn vài người cao tuổi.

"Các báo chí văn nghệ đang thiếu những nhà phê bình chuyên nghiệp, nếu có thì rụt rè, lảng tránh" - PGS.TS Đào Duy Quát nhấn mạnh.

Cùng góc nhìn, nhiếp ảnh gia Hồ Sỹ Minh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam bày tỏ: “Hầu hết những người viết lý luận phê bình nhiếp ảnh không được đào tạo chuyên nghiệp. Trong giới, không một người nào chọn lý luận phê bình nhiếp ảnh làm nghề để biến nó thành niềm đam mê, thành sự nghiệp. Tất cả đều coi đó là một nghề tay trái”.

Trong khi đó, đội ngũ lý luận, phê bình đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng nền văn nghệ Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, dân chủ và nhân văn.

Các nhà lý luận, phê bình VHNT sẽ giúp cho những tác phẩm nghệ thuật được đánh giá đúng chất lượng và ý nghĩa, từ đó giúp công chúng hiểu rõ hơn về tinh thần, giá trị của những tác phẩm.

Đồng thời, đội ngũ lý luận, phê bình cũng phản ánh những khía cạnh xã hội, văn hóa, giúp cho các tác phẩm phản ánh đúng những vấn đề đang diễn ra, góp phần vào việc giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân. 

Vì thế, việc xây dựng và phát huy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ lý luận, phê bình là cần thiết, nhưng chấn chỉnh lại sự thiếu hụt trong lĩnh vực này thực sự là bài toán khó.

Bài 3: Cú hích nào để có những tác phẩm lý luận phê bình xuất sắc?