Du lịch Phú Quốc: Thiếu sự bắt tay giữa chính quyền và doanh nghiệp

Suốt thời gian qua, việc Phú Quốc sụt giảm mạnh lượng khách là câu chuyện “nóng hổi” của ngành du lịch Việt Nam. Trong dịp lễ 2/9, Phú Quốc chỉ đón 62.544 lượt khách, giảm 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm kỷ lục trong lịch sử đảo này. Hàng loạt nhà hàng, bãi biển, khu du lịch, dịch vụ ca nô vốn nổi tiếng ở khu vực nam đảo Phú Quốc, thị trấn Dương Đông, An Thới đều đìu hiu thưa vắng khách; khách sạn, resort cao cấp lẫn bình dân công suất phòng khai thác chỉ đạt 20 - 30%. Thậm chí, có nhà hàng cho biết lượng khách đến dịp lễ 2/9 giảm khoảng 70% so với năm trước.

Trao đổi với phóng viên tại Hội thảo "Hợp tác công tư trong quản lý và phát triển điểm đến du lịch" do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phối hợp Traveloka tổ chức, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam thừa nhận, Phú Quốc đã và đang được đầu tư mạnh mẽ để trở thành điểm đến tầm vóc không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực và thế giới, thu hút rất nhiều nhà đầu tư lớn. Bên cạnh đó, nhà nước cũng có chính sách thị thực “rất thoáng” với Phú Quốc. Tuy nhiên, du lịch sau Covid-19, lượng khách trở lại Phú Quốc đang phục hồi chậm hơn các điểm đến khác tại Việt Nam.

Một trong những nguyên nhân ông Siêu chỉ ra là Phú Quốc chưa có “sự bắt tay hiệu quả” giữa chính quyền tỉnh Kiên Giang, thành phố Phú Quốc và các nhà đầu tư trong quản lý điểm đến và truyền thông điểm đến.

Điểm đến du lịch phải có yếu tố bản địa rõ nét. Điều này cần sự tham gia của chính quyền địa phương. Với Phú Quốc, hầu hết nhà đầu tư là từ nước ngoài và nơi khác đến. Sự tham gia của lãnh đạo địa phương càng phải chủ động, mạnh mẽ hơn. Ở mọi mặt, sức cạnh tranh về giá, kết nối, quảng bá và xúc tiến du lịch đều cần sự bắt tay giữa chính quyền tỉnh Kiên Giang, thành phố Phú Quốc và các nhà đầu tư”, ông Hà Văn Siêu nhận định.

sunset town credit minh tu.jpg
Hoàng hôn Phú Quốc - Ảnh: Minh Tú

Bà Trần Nguyện, Phó Tổng Giám đốc Sunworld (Sun Group) cho biết du lịch Phú Quốc hiện tồn tại rất nhiều “điểm trừ trên truyền thông” như chặt chém về giá, thiếu phương tiện giao thông công cộng, dịch vụ tour, tuyến du lịch không tương xứng chi phí, vé máy bay đắt… 

“Chúng tôi nhận định, du lịch Phú Quốc hiện tại có hai vấn đề lớn nhất nằm ở quản lý điểm đến và truyền thông marketing điểm đến”, bà Nguyện bày tỏ.

Theo bà Nguyện, để tăng hiệu quả quản lý điểm đến, đơn vị này đề xuất, chính quyền địa phương phải là “nhạc trưởng”, trực tiếp và chủ động tham gia giải quyết triệt để, dứt điểm những vấn đề về giá, giao thông công cộng, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều điểm đến khác tại Việt Nam như Quảng Ninh, Sầm Sơn (Thanh Hóa), Đà Nẵng đã thể hiện rất hiệu quả vai trò "nhạc trưởng" của chính quyền địa phương.

"Sau đó các bên liên quan, nhất là doanh nghiệp sẽ đồng hành vào cuộc. Thay vì cứ chờ địa phương kiểm soát chặt chém hay không thì chính mình hãy làm tốt trước, hoàn thành trách nhiệm và lan toả đến doanh nghiệp khác. Các doanh nghiệp lớn cần đồng hành, dẫn dắt và chia sẻ trách nhiệm”, bà Nguyện cho hay.

Vị lãnh đạo doanh nghiệp này cũng đề xuất, ngoài việc địa phương xây dựng tổ công tác đặc biệt để quản lý điểm đến, có đường dây nóng để tiếp nhận phản hồi du khách và xử lý dứt điểm thì các doanh nghiệp ở Phú Quốc mong chờ sự xuất hiện của một tổ công tác giám sát từ phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Cục Du lịch Việt Nam.

"Nếu giải quyết được vấn đề hiện nay của Phú Quốc thì sẽ là bài học áp dụng giải quyết cho nhiều điểm đến khác", bà Nguyện cho hay.

Hợp tác công tư "là chìa khóa" trong quản lý và phát triển điểm đến du lịch

Năm 2023, ngành Du lịch Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh mẽ sau những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, ông Hà Văn Siêu đánh giá công tác xây dựng và quản lý điểm đến du lịch trong nước hiện nay còn chưa đồng bộ, năng lực quản lý điểm đến bộc lộ nhiều yếu kém, tự phát… 

Vì thế, quản lý và phát triển điểm đến nhằm tạo môi trường hoạt động du lịch lành mạnh, xây dựng hình ảnh thương hiệu, nâng cao sức hấp dẫn và năng lực cạnh tranh của các bên là những vấn đề được Chính phủ quan tâm trong những năm gần đây, trong đó, chú trọng đẩy mạnh hợp tác công – tư, phát huy và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển du lịch.

"Trong ngành du lịch, mười người làm tốt nhưng chỉ cần một việc không tốt là điểm đến ảnh hưởng nghiêm trọng. Cơ quan nhà nước và doanh nghiệp cần đồng hành xây dựng các chương trình, hành động cụ thể: Triển khai ứng dụng công nghệ, chương trình phát triển nguồn nhân lực, chương trình xúc tiến quảng bá, huy động nguồn lực của doanh nghiệp cùng nhà nước giải bài toán có mục tiêu chung. Ví dụ chương trình xúc tiến quảng bá do cơ quan quản lý điểm đến phát động, các doanh nghiệp trên địa bàn phải tham gia, vừa góp sức, vừa góp nguồn lực, vừa trình bày giới thiệu sản phẩm của mình trên điểm đến đó. Điểm đến có toả sáng không là nhờ các doanh nghiệp, sản phẩm doanh nghiệp có tốt và chất lượng không.

Ngược lại, cơ quan chính quyền cần đảm bảo việc xúc tiến quảng bá mang lại lợi ích thiết thực cho các bên. Chính quyền và doanh nghiệp cùng tham gia, cùng hưởng lợi, cùng phát triển là nguyên tắc hợp tác công tư trong xúc tiến quảng bá du lịch", ông Hà Văn Siêu cho hay.

Ông Albert Zhang, Đồng sáng lập Traveloka cho biết, hiện nay, ngành du lịch thế giới đang nỗ lực mạnh mẽ để phục hồi sau đại dịch và hướng tới việc phát triển bền vững, có trách nhiệm, cân bằng giữa việc phát triển kinh tế và bảo tồn văn hoá, di sản. Để đạt được điều này đòi hỏi toàn ngành phải có kế hoạch phát triển rõ ràng, cụ thể; cùng với sự tham gia của hoạt động hợp tác công tư. 

Ông Albert Zhang cũng khẳng định, đơn vị này sẵn sàng đồng hành, hợp tác với du lịch Việt Nam trong các hoạt động như xúc tiến quảng bá điểm đến, truyền thông thúc đẩy chuyển đổi số… qua đó, góp phần đưa du lịch Việt Nam từng bước phục hồi và phát triển.