Một sự thật khó có thể chối cãi, đó là chưa bao giờ cộng đồng game thủ chúng ta lại đứng trước cơ hội cùng lúc trải nghiệm nhiều game online mới, có chất lượng, thậm chí là đình đám, có tiếng tăm trên thị trường thế giới đến như vậy.
 
 
Từ Warface, Tiếu Ngạo Giang Hồ ở hiện tại, hay trong tương lai gần là Đao Kiếm 2, cũng như rất có thể là cả Kingdom Under Fire IIBless, hàng loạt những cái tên đang không chỉ được game thủ Việt quan tâm chú ý đều lần lượt xuất hiện tại thị trường Việt Nam, một thị trường game trong vài năm trở lại đây bỗng dưng “nổi tiếng” vì số lượng quá tải những webgame 2D tầm trung ra mắt hàng tháng, thậm chí hàng tuần.
 
Quay trở lại quá khứ, những game online client 3D nổi bật được các nhà phát hành game trong nước hé lộ từ khoảng cuối năm 2013, và cho tới nay, số lượng cũng như chất lượng của chúng đang ngày một nhiều lên, hứa hẹn trở thành những cơn mưa rào đem tới cho mảnh đất cằn mang tên làng game Việt vốn đang hứng chịu những webgame vốn đã quá nhàm chán.
 
 
Vậy những lý do nào khiến cho làng game chúng ta có những bước chuyển quá nhanh chóng và ấn tượng như vậy?
 
Webgame đã thoái trào
 
Làng game Việt từng liên tiếp được đón nhận các webgame nhập vai cũng như chiến thuật có lối chơi giống hệt nhau. Quả thực, ngoài đồ họa, cốt truyện hay một vài tính năng phụ khác thì chúng ta sẽ rất khó để tìm ra điểm khác biệt giữa các webgame "cùng thể loại" này.
 
 
Trong khi đó căn bệnh thường xuyên gặp phải của làng webgame Việt chính là không thể hạn chế được số lượng "clone - nick phụ" đang tồn tại chìm nổi trong game. Trên thực tế, số tài khoản đang hoạt động thường phải gấp 9, 10 lần lượng người chơi thực bởi ở các webgame này, game thủ có thể dễ dàng tạo và chơi một lúc nhiều account để bot.
 
Một đặc điểm đáng buồn của các Webgame Việt khiến chúng thường được ví như một món "mỳ ăn liền" được các NPH tung ra để câu tiền của game thủ. Có thể, vào lúc đầu khi game mới phát hành, số lượng người chơi tham gia là rất đông nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, phần lớn người chơi đều nhảy sang các Webgame khác hay tạo lại nick ở các server mới mở thêm.
 
 
Chính vì vậy, các nhà phát hành buộc phải tìm ra những hướng đi mới thay vì tiếp tục gắn bó với những webgame vốn chỉ sở hữu vòng đời không hơn nửa năm.
 
Game thủ đã khó tính hơn
 
Ở làng game Việt hiện tại, số lượng những game thủ sống trong thế giới game theo kiểu “chấp nhận số phận” đã chẳng còn. Họ cần một thứ gì đó mới, xứng đáng bỏ thời gian và công sức để thưởng thức, thay vì những sản phẩm đã quá đỗi tầm thường.
 
 
Một phần lý do là, tính trung bình cứ 1 tháng lại có khoảng 4, 5 webgame mới mở cửa, trong số đó hầu hết có chất lượng sêm sêm nhau mà không có gì đột phá nên lại càng khiến người chơi thêm chán ngán. Chính vì vậy việc game thủ quay lưng với làng game trong nước không có gì là quá khó hiểu.
 
Chưa dừng lại ở đó, khi điều kiện máy móc cũng như đường truyền internet tại Việt Nam ngày càng có chất lượng cao lên, nhu cầu của những game thủ cũng thay đổi, vì chẳng ai muốn đầu tư một cỗ máy chơi game đắt tiền về chỉ để thưởng thức webgame cả. Vậy là không ít game thủ Việt quyết định xuất ngoại, đến với những game online ấn tượng mới ra mắt tại các thị trường lân cận hoặc thế giới.
 
 
Nhận ra vấn đề này, không ít các NPH cũng quyết định tìm hiểu thị trường và đưa ra những quyết định đầu tư mạnh tay và mang đầy kỳ vọng.
 
Các nhà phát hành buộc phải thay đổi
 
Trao đổi với đại diện nhiều NPH nội địa, tất cả đều có cùng quan điểm rằng giai đoạn webgame 2D thu lời đã kết thúc và năm 2014 họ phải tìm phương hướng mới để hoạt động. Một số cho hay phương hướng ấy sẽ là kết hợp cả webgame 3D, game client lẫn thị trường mới là game mobile chất lượng khá, nếu cộng đồng đón nhận tích cực thì sẽ dịch chuyển cách mua game.
 
 
"Nút thắt ở đây vẫn là cách đón nhận của game thủ", đại diện một doanh nghiệp chia sẻ, nói một cách dễ hiểu thì game thủ vẫn là người quyết định bộ mặt thị trường game online Việt Nam năm 2014. Trong khi đó không ít nhà phát hành vẫn tin tưởng vào thành công của những game online client, đơn giản vì họ đã có nhiều kinh nghiệm phát hành thể loại game online này trong quá khứ.
 
Điều này có nghĩa là, các NPH game trong nước đã buộc phải từ bỏ cách làm việc chộp giật từ thời kỳ phát hành các webgame 2D để nhắm tới một mục tiêu lâu dài và vững chắc hơn. Mục tiêu này hẳn sẽ không dễ dàng để đạt được, nhất là khi nó yêu cầu chính bản thân những game thủ Việt thay đổi hoàn toàn thói quen chơi game đã tồn tại từ lâu, với sự phụ thuộc vào auto cày kéo.
 
 
Thế nhưng không điều gì là không thể xảy ra. Đứng trước sự ra mắt của hàng loạt những game online với hình ảnh đẹp mắt, lối chơi có chiều sâu, việc những game thủ tự thay đổi thói quen chơi game sẽ là điều sớm muộn, vì sẽ đến một lúc nào đó, những tựa game online “chiều chuộng” thói quen ỷ lại của họ sẽ mất hết đất sống ở làng game Việt.
 
Theo Trí Thức Trẻ