Những phép tính tuyệt vời đã giúp các nhà khoa học giải quyết được một bài toán khó, ám ảnh họ trên 100 năm nay. Hoá ra những chiếc lá có lỗ thủng và rìa ngoằn ngoèo đã làm cho cây cảnh rất thông dụng trồng trong nội thất - gọi là cây ráy xẻ - xanh ngắt bốn mùa nhờ thích nghi tốt với điều kiện ít ánh sáng.
GS Christopher Moore, Trường ĐH Indiana (Mỹ) đã đưa ra một giả thuyết mới để giải thích hình dạng bất thường của là cây ráy xẻ, thường trồng trong nhà làm cây cảnh. Giả thuyết của ông được trình bày trên Tạp chí Mỹ The American Naturalist.
Những lỗ thủng trên lá cây giúp loài cây cảnh trong nhà này giúp chúng tận dung các ánh nắng để quang hợp. |
Từ cuối thế kỷ XIX, các nhà thực vật học đã cho rằng các lỗ và những phần khuyết trên lá cây ráy xẻ (tên khoa học là Monstera deliciosa), mọc hoang trong các khu rừng mưa nhiệt đới Nam Mỹ, làm cho nó dễ dàng chịu đựng những trận mưa xối xả, gió to. Cũng có người cho rằng hình dạng đó giúp chúng điều hoà được nhiệt độ, chống lại sự bất lợi của thời tiết nắng nóng.
Thế nhưng theo GS Moore, tất cả các giả thuyết đó đều không có căn cứ. Ông chỉ ra rằng sự có mặt của những chiếc lỗ và phần khuyết trên rìa lá (làm nó có vẻ đẹp độc đáo khi trồng làm cảnh) chính là do phần lớn thời gian loài cây này bị che khuất dưới những tán lá rậm của những cây to, nên khó tiếp cận được với ánh nắng Mặt trời và phải quang hợp nhờ những mảng nắng ngẫu nhiên rơi trên lá.
Chính nhờ các đặc điểm ấy của lá ráy xẻ mà cây “tranh thủ” bắt giữ được tối đa chút ánh sáng hiếm hoi đến với mình.
Những tia nắng xuyên qua kẽ lá luôn luôn dao động vì gió, đến được vị trí nào của cây ráy xẻ là điều không thể đoán được. Giả thuyết của Moore cũng giải thích lý do tại sao lá của cây ráy xẻ còn non không có lỗ. Chẳng qua là khi lớn lên, bám vào cây chủ để leo cao hơn, được tiếp xúc với ánh nắng thường xuyên hơn. Ở các tầng thấp, khi cây ráy xẻ còn non, ít tiếp xúc với ánh sáng thì lá có lỗ đi nữa cũng vô dụng.
Những tính toán toán học cho thấy, khi những chiếc lá có cùng một diện tích thì chiếc lá nào càng có nhiều khe hở sẽ càng có nhiều cơ hội để đón những tia ngẫu nhiên của ánh sáng mặt trời.
Moore nhấn mạnh rằng giả thuyết của ông có thể được kiểm tra qua thực nghiệm bằng cách đặt các cảm biến bên dưới những chiếc lá có và không có lỗ rỗng để xác định loại lá nào bắt ánh sáng tốt hơn. Theo ông, sự có mặt của các lỗ thủng chẳng phải món quà mà Thiên nhiên “cho không” cây ráy xẻ. Bởi để lá không bị giảm độ bền so với trước đây, cây phải “trả giá” bằng cách bổ sung thêm một lượng đáng kể các mô để gia cường (tăng độ bền) quanh mép lá.
Bảo Châu (Theo Infox.ru)