Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của cây bút Pete Pachal từ chuyên trang Mashable về tâm lý háo hức của người dùng mỗi khi Apple ra mắt iPhone mới.
Cuộc gặp gỡ định mệnh
Khi Apple ra mắt công chúng chiếc điện thoại iPhone đầu tiên vào ngày 29/6/2007, tôi vẫn đang sử dụng Samsung A900 Blade - mẫu điện thoại nắp gập lấy cảm hứng từ dòng RAZR của Motorola. Tường thuật trực tiếp lễ ra mắt này là đồng nghiệp Stewart Wolpin từ NBCUniversal, người không hết lời ca ngợi iPhone là “chiếc điện thoại của Chúa”.
Ngay sau khi vào trong cửa hàng, Stewart gọi điện cho tôi và hỏi liệu tôi có muốn mua một chiếc để dùng thử. Tại thời điểm đó, việc chi ra khoản tiền 600 USD cho một chiếc điện thoại đối với một blogger công nghệ như tôi quả là không tưởng. Hơn thế, nếu mua qua các nhà mạng, bạn còn được hỗ trợ lên tới 200 USD. Tuy nhiên, sau một hồi do dự, tôi nói với Stewart: “Okay, hãy lấy thêm cho tôi một chiếc”.
Vừa cầm trên tay “bom tấn” iPhone 2G, tôi đã có một chút hối tiếc nhẹ bởi hệ thống phần mềm của Apple và AT&T đang bị quá tải do số lượng người dùng, đồng nghĩa với việc phải chờ đến 3 ngày sau chiếc điện thoại mới có thể kích hoạt.
Cuộc sống của tôi sau đó đã hoàn toàn thay đổi. Trong các bữa tiệc của tòa soạn, tôi được săn đón như người nổi tiếng mỗi lần rút iPhone ra khỏi túi. Mọi người không ngớt hỏi han về chiếc điện thoại mới với mong muốn dùng thử trong chốc lát. Tính năng ưa thích trên iPhone là gì, số tiền mà tôi phải bỏ ra để mua nó hay liệu có nên mua iPhone hay không là những câu hỏi phổ biến mà tôi thường gặp.
Ngay cả những người lạ mặt trong quầy bar cũng mon men đến gần để hỏi về món đồ bóng bẩy tôi đang cầm trên tay, thậm chí một cặp vợ chồng còn mời tôi đồ uống để được nghe kể chuyện về chiếc iPhone này. Mọi thứ chỉ dần lắng xuống khi Apple hạ giá iPhone xuống còn 400 USD sau đó ba tháng.
Dù chiếc iPhone đời đầu đã mang lại cho tôi những trải nghiệm tuyệt vời khi sử dụng, công bằng mà nói, cảm giác này một phần đến từ tâm lý thỏa mãn khi trở thành trung tâm, được hết thảy những người xung quanh ngưỡng mộ. Ở một mức độ nhất định, sự ham muốn nổi tiếng đã trở thành lý do khiến tôi cùng Stewart đưa ra quyết định sau cùng khi mua siêu phẩm của Apple. Càng về sau khi đã quen sử dụng Táo khuyết, tôi càng thấy quyết định ban đầu của mình là đúng đắn.
Điều gì đã đưa tôi đến với iPhone X?
Kể từ năm 2007 đến nay, yếu tố “sang chảnh” của việc sở hữu iPhone dù vẫn còn nhưng đang dần biến mất. Doanh số bán hàng của Apple càng tăng thì tính độc quyền khi sở hữu Táo khuyết càng giảm. Bởi dòng sản phẩm này đã trở thành mẫu smartphone bán chạy nhất thế giới nên người dùng không còn thấy mình đặc biệt nữa.
Ngay vào thời khắc “đen tối” nhất thì iPhone X xuất hiện, hứa hẹn một tương lai tươi mới hơn rất nhiều. Sở hữu siêu màn hình tràn viền với độ phân giải cao, bộ xử lý di động tiên tiến nhất, cùng Face ID, camera khủng và rất nhiều tính năng khác, iPhone X xứng đáng trở thành mẫu smartphone đại diện cho công nghệ đến từ tương lai.
Sau 10 năm, iPhone X đã mang được yếu tố “đặc biệt” và “mới mẻ” trở lại với làng công nghệ. Điều người dùng cần nhất lúc này chính là thiết kế dễ nhận biết, không lẫn với bất kỳ mẫu điện thoại nào trước kia của Apple. Đó chính là sự khác biệt làm nên giá trị của người dùng khi mua chiếc điện thoại đắt đỏ này.
Không có nhiều thương hiệu có thể làm được như Apple. Nó đòi hỏi một sự kết hợp của sáng tạo trong thiết kế, thăng hoa trong quảng cáo cùng một cái tên vốn đã sẵn nổi tiếng. Ngay cả Google, Samsung, Amazon, và thậm chí là Microsoft cũng chỉ thỏa mãn được 2/3 yếu tố trên.
Bên cạnh đó, các yếu tố gây hiệu ứng mạnh với truyền thông như giá cả, khan hiếm số lượng… càng làm cho siêu phẩm này trở nên hấp dẫn trong mắt người dùng.
Sau tất cả, đừng quan tâm đến những gì người khác nói, bởi phần đông trong số họ là những kẻ không đủ khả năng để tham gia câu lạc bộ “sang chảnh” của Apple. Một lần nữa, bữa tiệc đã được mở, Táo khuyết đã trả lại cho iPhone sự gợi cảm ban đầu. Chi phí tham gia ư: chỉ là một chiếc iPhone X mà thôi.
Theo Zing