Chất lượng món ăn ngon, giá rẻ, quán “ruột”… nên nhiều người dân TP HCM dễ dàng chấp nhận và bỏ qua nếu chứng kiến các chủ quán này nặng lời với khách hàng.

Vốn là nơi các dịch vụ kinh doanh, nhất là kinh doanh hàng ăn uống được đánh giá khá tốt, xong tại TP HCM cũng tồn tại một số hàng quán với hình ảnh chủ quán cau có, nặng lời nếu không hài lòng về thượng đế của mình.

Nhưng phần lớn các quán ăn có "phong cách" mắng, chửi khách chỉ rơi vào quán gia đình lâu năm, với món ăn có hương vị riêng khó tìm ở điểm bán khác.

{keywords}

Theo chia sẻ của chủ quán bánh đúc ở Phú Nhuận, phải to tiếng với khách hàng để "vãn hồi" trật tự, vì khách quá đông.

Cách các chủ quán ở Sài Gòn mắng, chửi khách thường không chỉ đích danh ai mà là chửi "vu vơ", để khách ngầm hiểu. Tại một quán bánh đúc nổi tiếng ở quận Phú Nhuận, khách hàng thường chứng kiến cảnh chủ quán không nhìn vào bất cứ khách nào, mà vừa làm bánh vừa nói một mình: “Ăn thì xếp hàng vào mà chờ, hoặc tự tìm chỗ ngồi, không ăn thì đi chỗ khác …”.

Dù thái độ bất cần, nhưng lượng khách vào quán này vẫn rất đông. “Đã là khách hàng lâu năm nên ai cũng biết tính khí nóng nảy của bà chủ quán này. Nếu biết ý, khi quán đông mình tự tìm chỗ, chịu khó ngồi chờ, tránh hối thúc, chen lấn... sẽ không bị chửi. Bánh đúc ở đây ngon giá lại bình dân, có mất thời gian chút cũng đáng, khách đông thì phải chịu”, anh Hùng, một khách đang ngồi chờ mua bánh, chia sẻ.

{keywords}

Không được coi như thượng đế, phải tự bưng bê, tìm chỗ ngồi... nhưng khách vẫn tới các hàng quán này.

Quán chè ở góc đường Nguyễn Phi Khanh – Trần Quang Khải (quận 1), lâu nay vẫn được khách hàng đặt cho cái tên chè “siêu chảnh”. Sở dĩ quán vỉa hè nhưng gắn cái tên này vì người bán luôn im lặng khi có người hỏi mua, để “trêu ngươi” khách. Khách đợi lâu nếu thúc giục thì chủ quán càng chậm chạp, thư thả, phớt lờ mọi lời nói. Thái độ phục vụ kỳ quặc nhưng chè ngon, giá chỉ 10.000 đồng/ly nên hàng ngày khách vẫn xếp hàng chờ mua.

Không đông khách như quán bánh đúc Phú Nhuận, chủ một quán bún măng vịt trên đường Tôn Đản, quận 4, thường đón khách bằng những câu mắng “yêu”, như : “Đi ăn chỗ nào hôm nay mới ghé quán tao…, ăn nhanh đi còn về với mẹ…”. Không khí trở nên vui vẻ với những màn đối đáp hài hước theo ngôn ngữ riêng giữa khách hàng và chủ quán tạo nên những tiếng cười giòn tan.

Anh Đông ở quận 4, cho biết: “Khách đến những quán ăn có truyền thống lâu năm ở Sài Gòn thường chứng kiến chủ quán đối xử với khách theo kiểu gia đình. Khách và chủ không bằng lòng với nhau là nói thẳng, không kiên dè. Điều này khiến không ít người đã quen với cách phục vụ của những nơi xem khách là thượng đế có cảm giác ngợp".

Một chủ quán ở quận 1 thừa nhận, hàng ăn với kiểu mắng, chửi khách ở Sài Gòn rất hiếm, nhưng điểm chung là món ăn ngon và quán lâu năm, được khách hàng biết tiếng. Đến các quán này, ngoài bị la mắng nếu làm chủ quán phật lòng, khách còn bị "ngược đãi", khi phải tự tìm chỗ ngồi, tự bưng bê phục vụ, xếp ly chén gọn gàng sau khi ăn xong...

Một trong các lý do khiến những quán này vẫn đông khách thường là tâm lý đám đông. Theo kiểu càng đông khách nghĩa là quán càng ngon, càng “chảnh” đồ ăn sẽ càng ngon... Ngoài ra, nhiều người cũng vì tò mò, muốn trải nghiệm cảm giác phục vụ lạ.

Còn theo chia sẻ của ông Lý Minh Tự, bếp trưởng một nhà hàng chuyên món Việt ở quận 1: “Chủ các quán ăn này cũng chính là người làm bếp, người phục vụ. Họ phải chuyên tâm để làm ra món ăn ngon, vừa phục vụ một lượng lớn khách hàng, nên việc nổi nóng, to tiếng với khách rất dễ xảy ra. Dù vậy, các món ăn có bí quyết gia truyền, giá bình dân là điểm cộng để hút khách”.

(Theo Zing)