Theo VICE, nhiều chàng trai ngày nay đang tự tin hơn khi thể hiện các khía cạnh bản thân qua những lựa chọn thời trang độc đáo như trang điểm, mặc váy, và giờ là đi giày cao gót.
"Tôi đi giày cao gót vì chân mình đẹp hơn khi mang chúng, chỉ đơn giản như vậy", nghệ sĩ nhạc kịch Jake O' Brien (26 tuổi), sống tại Melbourne (Australia), nói với VICE.
Jake O' Brien sở hữu nhiều mẫu giày cao gót trong tủ đồ, thay đổi thường xuyên theo trang phục anh măc. Ảnh: Jake O' Brien. |
Năm 2015, O' Brien mua đôi giày cao gót đầu tiên cho một buổi thử giọng. Nhưng, chỉ đến năm 2020, món phụ kiện này mới trở thành "vật bất ly thân" trong tủ đồ của anh.
"Tôi luôn muốn mặc những món đồ mà xã hội cho là 'nữ tính'. Khi dịch Covid-19 bùng phát, tôi nghĩ rằng: 'Kệ thôi, sao mình không thử nhỉ?'", O' Brien nói.
Nam diễn viên đăng video đi catwalk trên giày cao gót lên TikTok với hashtag #meninheels, thu về hàng triệu lượt xem và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ dân mạng. Hiện tại, đoạn clip có nội dung liên quan có tổng cộng 77,4 triệu lượt xem.
Một số nghiên cứu chứng minh giày cao gót xuất hiện từ thế kỷ 10, được sử dụng bởi các chiến sĩ kỵ binh Ba Tư.
Nhà sử học Maude Bass-Krueger, đàn ông ở thế kỷ 17 đi giày cao gót và tất bó sát để tôn vinh vẻ đẹp đôi chân họ. Vua Louis XIV (Pháp) còn thông qua sắc lệnh quy định chỉ thành viên hoàng gia mới được đi giày cao gót màu đỏ.
Ngày nay, món phụ kiện này trở nên phổ biến hơn với thời trang nữ, hoặc được số ít ca sĩ nam sử dụng để tạo dấu ấn riêng.
Khi xu hướng phi nhị nguyên giới (những người nhìn nhận bản thân không phải là nam hay nữ giới mà là một giới khác) được đón nhận, nhiều nam giới đang lựa chọn mang giày cao gót để trông đẹp hơn, phá vỡ các chuẩn mực giới tính.
Alex Ringler, một diễn viên từ New York (Mỹ), nói rằng những đôi giày gót nhọn giúp anh tự tin hơn,
"Có những chuyển động tôi chỉ có thể thực hiện khi đi giày cao. Điều đó khiến tôi cảm thấy khá tuyệt", anh nói.
Ngày càng nhiều chàng trai lựa chọn trang điểm, mặc váy, đi giày cao gót nhằm thể hiện bản thân, thách thức định kiến giới trong lĩnh vực thời trang. Ảnh: Vogue. |
Từng học khiêu vũ, Ringler không gặp khó khăn khi tập đi giày cao gót. Ringler chia sẻ anh đang sở hữu một bộ sưu tập giày với nhiều kiểu dáng khác nhau: từ xăng đan, giày cao gót cho đến bốt cao.
"Cảm thấy vui vẻ, tự tin mặc những gì mình thích chính là thời trang. Giống như các loại hình nghệ thuật khác, bạn có thể phá vỡ các định kiến thời trang và thay đổi theo cách riêng", anh nói.
O' Brien cảm thấy may mắn khi có thể thử nghiệm thời trang mà không bị dò xét, đánh giá do nhiều người đàn ông khác "không được chào đón như thế".
"Những người tôi gặp đều muốn thử đi giày cao gót sau khi uống vài ly", anh nói.
Tuy nhiên, một số nam giới Ringler từng gặp lại không hào hứng như vậy. "Họ cố lờ đi, hoặc đảo mắt khinh khỉnh".
Dù vậy, cả 2 đều khẳng định phụ nữ xung quanh họ lại nhiệt tình ủng hộ. Nhiều người còn hỏi Ringler các bí quyết đi giày cao, chia sẻ với O' Brien họ mong bạn trai mình cũng cởi mở như vậy.
Marcus Territory (26 tuổi), một nhà sáng tạo nội dung sống tại Ontario (Mỹ), cho rằng trào lưu nam giới đi giày cao gót như một thông điệp phá vỡ định kiến giới.
"Tôi muốn rũ bỏ quan niệm 'nam tính', 'nữ tính' mà xã hội đặt ra. Tôi nghĩ giày cao gót chỉ là một món phụ kiện thông thường mà cả 2 giới có thể sử dụng để làm đẹp", anh nói.
Theo Zing
Giới trẻ Hàn từ bỏ suy nghĩ nam giới phải trả tiền hẹn hò
Công ty mai mối Duo cho biết xu hướng này khác biệt lớn so với vài năm trước, thể hiện tính công bằng, bình đẳng giữa nam và nữ xứ kim chi trong mối quan hệ yêu đương.