Comic Sans là một trong những kiểu chữ được tạo ra đầu tiên trên máy tính. Nó cũng thuộc hàng lão làng như Times New Roman hay Arial vậy. Ai là người đã tạo ra Comic Sans? Có phải nó bị hắt hủi từ trước hay chỉ trong thời gian gần đây? Hãy cùng tìm hiểu lịch sử ra đời của kiểu chữ bị nhiều người ghét nhất thế giới này.
Ai đã tạo ra Comic Sans?
Nguồn gốc của Comic Sans gắn liền với một sản phẩm khác của Microsoft: Microsoft Bob. Mặc dù Microsoft Bob biến mất nhanh đến mức chẳng ai thèm nhớ thì Comic Sans vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Microsoft Bob là một chương trình thiết lập lại giao diện người dùng cho hệ điều hành Window 95. Người dùng có thể tạo ra những "căn phòng" ảo có chức năng như màn hình máy tính và chỉ dẫn mọi thứ cho người dùng thông qua hình ảnh như những cuốn truyện tranh vậy.
Máy tính sử dụng các bong bóng hội thoại để giao tiếp với người dùng. Nhà thiết kế Vicent Connare của Microsoft nhìn phiên bản ban đầu của Microsoft Bob sử dụng kiểu chữ Times New Roman trong những bong bóng hội thoại và cảm thấy nó quá trang trọng so với sự vui tươi mà giao diện mang lại. Vì vậy, ông đã bắt đầu thiết kế một kiểu chữ mới.
Ảnh: Watchmen/DC Comics
Ý tưởng cho thiết kế của Comic Sans đã nằm trong ngăn bàn của ông từ rất lâu. Sau khi nhận ra Times New Roman không phù hợp với Bob, Connare đã lấy hai quyển truyện tranh của mình ở ngăn bàn làm việc ra, The Dark Knight Returns và Watchmen.
Connare đã phác thảo Comic Sans dựa trên những chữ cái trong hai cuốn truyện tranh này và chỉ trong một tuần, ông đã hoàn thiện kiểu chữ và vẽ lại trên máy Mac. Đúng vậy, Comic Sans được tạo ra trên một chiếc Mac. Không may là chúng chưa thật sự sẵn sàng để được sử dụng trên Microsoft Bob vào tháng 8/1945.
Bước ngoặt lớn của Comic Sans
Dù Comic Sans đã lỡ chuyến đò Microsoft Bob, nhưng các lập trình viên trong một sản phẩm khác của Microsoft đã chú ý đến nó. Microsoft 3D Movie Maker cũng sử dụng hoạt họa để hướng dẫn người dùng qua bong bóng hội thoại. Nó được thiết kế dành cho trẻ em và Comic Sans là một ứng viên sáng giá.
Microsoft 3D Movie Maker được ra mắt vào năm 1995 với các bong bóng hội thoại sử dụng kiểu chữ Comic Sans. Sau đó, nó chỉ còn được sử dụng trong những cửa sổ pop-up và phần trợ giúp, nhưng kể từ đó, hệ điều hành Windows đã bị Comic Sans xâm chiếm.
Bạn có thể nhìn thấy những bong bóng hội thoại ở 2:48
Microsoft Plus! là một gói dịch vụ tùy chọn bao gồm trò chơi, giao diện và một số phần mềm cho Window 95. Comic Sans là một trong hàng tá kiểu chữ đi kèm gói dịch vụ này. Sau đó, nó trở thành một trong những kiểu chữ mặc định cho phiên bản thường của Windows 95.
Connare cho biết ông chưa bao giờ nghĩ Comic Sans sẽ được dùng trong các ứng dụng không dành cho trẻ em. Ông không thể biết trước nó sẽ phổ biến đến vậy. Ngày nay, Comic Sans được cài đặt mặc định trên đại đa số máy tính trên toàn thế giới.
Vì sao kiểu chữ Comic Sans có ngoại hình như vậy?
Comic Sans là một trong số các kiểu chữ dễ nhận diện nhất trên thế giới. Nhiều người dù không có kinh nghiệm về thiết kế đồ họa vẫn có thể nhận ra nó. Vậy thì vì sao nó lại có phần ngoại hình khác biệt như vậy?
Như đã nói ở trên, Vincent Connare, cha đẻ của Comic Sans, lấy cảm hứng từ truyện tranh, đó cũng là lý do tên kiểu chữ này có chữ "Comic" (truyện tranh). Hình thù của các chữ cái bắt chước những chữ viết tay thường thấy trong truyện tranh.
Về mặt kỹ thuật, Comic Sans được phân loại là kiểu chữ "sans-serif" (không chân). Mặc dù nó cũng được xem là kiểu chữ "script" (mô phỏng chữ viết tay thực tế), nhưng các chữ cái không nối với nhau, nghĩa là chúng không liền nét với nhau như chữ viết tay thực tế.
Microsoft mô tả Comic Sans là kiểu chữ "bình dân nhưng dễ đọc". Dễ đọc là một trong những đặc điểm quan trọng của Comic Sans. Nhiều kiểu chữ loại "script" có ngoại hình trau chuốt hơn những những nét liền và thêm vào đó là sự tinh tế. Comic Sans không cứng nhắc và trang trọng như Arial nhưng nó vẫn rất dễ đọc.
Tất cả những đặc điểm đo khiến Comic Sans trở nên phổ biến. Nó là kiểu chữ được nhiều người sử dụng trong các tin nhắn trò chuyện với bạn bè và tin nhắn thông thường. Dù có rất nhiều kiểu chữ mặc định để lựa chọn, nhưng Comic Sans vẫn là lựa chọn nổi bật nhất giữa những kiểu chữ trang trọng khác.
Và tất nhiên, bất cứ thứ gì trở nên phổ biến cũng sẽ đều gặp phải sự dèm pha, Comic Sans cũng không ngoại lệ.
Làn sóng tẩy chay Comic Sans
Sự ghét bỏ Comic Sans vượt qua bất cứ kiểu chữ nào khác. Như bạn thấy, những người ghét kiểu chữ Comic Sans không chỉ dừng lại ở việc không sử dụng nó nữa, họ đã tạo ra hẳn một phong trào chống lại nó.
Năm 1999, lúc này vẫn còn trong giai đoạn đầu đời của Comic Sans, hai nhà thiết kế đồ họa người Ấn Độ đã tạo ra một trang web với tiêu đề "Ban Comic Sans" (Dẹp bỏ Comic Sans). Phong trào này bắt đầu khi một công ty sử dụng kiểu chữ Comic Sans cho biển chỉ dẫn trong một bảo tàng.
Ảnh: Comic Sans Criminal
Những người sáng lập trang web cho rằng kiểu chữ này không thể truyền tải đúng thông điệp. Ví dụ, biển báo "Do not enter" (Cấm vào) sử dụng kiểu chữ Comic Sans sẽ đưa ra một thông điệp hỗn tạp. Nó nghiêm túc, nhưng lại vui tươi.
Các tác giả truyện tranh chịu trách nhiệm cho những cuốn truyện là nguồn cảm hứng của Comic Sans thậm chí cũng đã vào cuộc. Dave Gibbons, một nghệ sĩ tham gia vẽ cuốn Watchmen, cho biết "Tôi nghĩ hình dạng của nó đặc biệt xấu".
Dù trang "Ban Comic Sans" đã không còn tồn tại nhưng phong trào của nó vẫn còn ảnh hưởng cho đến ngày nay. Một ví dụ là "Comic Sans Criminal" (Tội ác Comic Sans), trang này giải thích nguồn gốc khiêm tốn của Comic Sans cũng như những sai trái trong việc sử dụng nó. Trang này thậm chí còn liệt kê những kiểu chữ khác dành cho truyện tranh có thể thay thế cho Comic Sans.
Loại kiểu chữ bị hiểu lầm nhiều nhất
Từ câu chuyện của Comic Sans, chúng ta rút ra được điều gì? Thật ra, toàn bộ câu chuyện về kiểu chữ này chỉ đơn giản là một sự hiểu lầm.
Comic Sans không được tạo ra để trở thành một kiểu chữ mặc định cho toàn bộ máy tính trên Trái Đất. Nó được thiết kế dành riêng cho một ứng dụng thích hợp và cuối cùng vô tình được trở thành "người nổi tiếng".
Một vấn đề khác là không có bất kỳ sự thay thế nào cho Comic Sans. Nếu bạn nhìn vào danh sách những kiểu chữ mặc định trên hệ điều hành Windows, Comic Sans hoàn toàn nổi bật. Những kiểu chữ mặc định khác nếu không nhạt nhẽo hay trang trọng thì cũng cực kỳ hoa mỹ.
Ví dụ như kiểu chữ Lucida Handwriting chẳng hạn, đây là một kiểu chữ thuộc loại "script" đơn giản nhưng nó lại là chữ viết tay với những nét liền. Những kiểu chữ viết tay khiến người dùng khó đọc hơn. Comic Sans rõ ràng là một lựa chọn tốt nếu bạn cần một kiểu chữ bình dân, nhưng lại không quá bình dân.
Cuối cùng, mục đích thiết kế hay cách sử dụng kiểu chữ Comic Sans không thật sự quan trọng. Miễn Comic Sans còn là kiểu chữ mặc định trên máy tính thì vẫn sẽ có người sử dụng và nó vẫn sẽ còn phổ biến.
(Theo VnReview, How To Geek)
Những ngôi sao hạng A ghét cay ghét đắng công nghệ
Brad Pitt không biết dùng máy tính trong khi đó Elton John từng muốn đánh sập cả Internet.