Bộ Công an bắt tạm giam ông Đinh La Thăng để phục vụ việc điều tra mở rộng các sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Trước đó, hơn 20 sếp ngành dầu khí đã bị khởi tố.
Quá trình điều tra các sai phạm xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 24 người là lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước này.
Ông Đinh La Thăng bị tạm giam
Ngày 8/12, Cơ quan điều tra của Bộ Công an có quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng, Phó ban Kinh tế Trung ương.
Cụ thể, Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra đang điều tra mở rộng vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), gây thiệt hại 800 tỷ đồng của PVN góp vốn vào Oceanbank và vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Căn cứ tài liệu điều tra thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 165 - Bộ luật Hình sự, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN.
Ông Đinh La Thăng. |
VKSND tối cao đã phê chuẩn các quyết định và lệnh trên. Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã thực hiện tống đạt Quyết định Khởi tố bị can và thi hành Lệnh bắt, khám xét đối với ông Đinh La Thăng theo đúng quy định của pháp luật.
Cùng ngày, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã khởi tố bị can về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, ra lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Nguyễn Quốc Khánh (57 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội), nguyên Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
17 sếp PVN liên quan đến vụ án Trịnh Xuân Thanh
Ngoài ông Thăng và Khánh, trong năm 2016 và 2017, có 22 cán bộ ngành dầu khí dính lao lý.
Cụ thể, ngày 15/9/2016, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46, Bộ Công an) khởi tố vụ án, khởi tố bị can 4 lãnh đạo chủ chốt của Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), gồm Tổng giám đốc Vũ Đức Thuận, 2 Phó tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Tiến, Trương Quốc Dũng và Kế toán trưởng Phạm Tiến Đạt.
Cả 2 người này bị tạm giam để điều tra về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng do liên quan đến khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng. Đây là một trong những đại án kinh tế được Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương chỉ đạo điều tra, xử lý.
Một ngày sau (16/9), Bộ Công an khởi tố bị can ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch HĐQT PVC về cùng tội danh. Xác định ông này bỏ trốn, cảnh sát đã truy nã quốc tế ông Thanh. Sau hơn 300 ngày trốn ra nước ngoài, theo Bộ Công an, ngày 31/7, Trịnh Xuân Thanh đã về nước đầu thú.
Ông Trịnh Xuân Thanh bị truy nã quốc tế. |
Mở rộng vụ án, trung tuần tháng 2, C46 tiếp tục khởi tố 5 người khác, trong số này có ông Lương Văn Hòa (nguyên giám đốc Ban Điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch).
Danh sách các sếp dầu khí dính vòng lao lý tiếp tục nối dài khi cuối tháng 3, cơ quan công an bắt thêm ông Đỗ Văn Hồng (nguyên Chủ tịch HĐQT PVC kiêm Tổng giám đốc Công ty PVC-KB) và Nguyễn Mạnh Tiến (nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty PVC). Hai cựu cán bộ ngành dầu khí được xác định là đồng phạm trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngày 25/9, VKSND Tối cao tiếp tục phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét đối với Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban kế toán và kiểm toán Tập đoàn dầu khí Việt Nam Lê Đình Mậu về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài ra, VKSND Tối cao còn phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét đối với 3 người khác là các ông Vũ Hồng Chương (nguyên Trưởng ban quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2), Trần Văn Nguyên (Kế toán trưởng BQL dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2) và Nguyễn Ngọc Quý (nguyên Phó chủ tịch HĐQT PVC).
Gần đây nhất, ngày 29/9/2017, Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và khám xét đối với Nguyễn Anh Minh (Tổng giám đốc PVC) về tội Tham ô tài sản.
Cùng ngày, cơ quan điều tra cũng tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Chánh văn phòng PVC Bùi Mạnh Hiển và ông Nguyễn Đức Hưng, nguyên Trưởng Phòng Tài chính, Kế toán Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC về cùng tội danh.
5 sếp bị khởi tố trong vụ án Oceanbank
Khoản thiệt hại 800 tỷ đồng của Tập đoàn dầu khí Việt Nam khi góp vốn vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại dương (Oceanbank) cũng là một trong những nội dung được Bộ Công an điều tra.
Người đầu tiên bị bắt trong vụ án Oceanbank là Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, người đại diện góp vốn của Tập đoàn dầu khí Việt Nam tại ngân hàng Đại Dương. Ông Sơn bị đưa ra xét xử về 3 tội Tham ô tài sản, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây hậu quả nghiêm trọng và Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tươi đến tòa sơ thẩm. |
Tại phiên tòa, ông Nguyễn Xuân Sơn khai trong tổng số tiền hơn 200 tỷ đồng nhận từ Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch Oceanbank) để chi đối ngoại, ông ta có đưa cho Phó tổng giám đốc PVN Ninh Văn Quỳnh (lúc đó đang giữ chức Kế toán trưởng PVN) khoảng 30-40 tỷ đồng. Sau cuộc đối chất, ông Quỳnh khai đã nhận từ Nguyễn Xuân Sơn 20 tỷ đồng để chi cho các hoạt động của tập đoàn.
Ngày 31/8, Ninh Văn Quỳnh bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Hai tuần sau, cơ quan điều tra khởi tố bổ sung ông Quỳnh về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Ngày 13/9, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bổ sung đối với bị can Ninh Văn Quỳnh (Phó tổng giám đốc PVN) về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo Điều 280 Bộ luật Hình sự. Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng của PVN, hiện là Phó Tổng Giám đốc của PVN được Nguyễn Xuân Sơn nhắc đến nhiều với tư cách là người nhận tiền chi đối ngoại cho lãnh đạo PVN.
Quá trình điều tra mở rộng giai đoạn II vụ án Hà Văn Thắm, Bộ Công an còn xác định các ông Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, nguyên Thành viên Hội đồng thành viên PVN, có hành vi Cố ý làm trái gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc PVN góp vốn điều lệ vào Oceanbank.
Tội cố ý làm trái bị phạt tù đến 20 năm
Điều 165 Bộ luật Hình sự, quy định tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng:
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Gây thiệt hại từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ 15 đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
(Theo Zing)