Ngày 15/5, lực lượng CSGT toàn quốc sẽ ra quân tổng kiểm soát xử lý vi phạm bảo đảm trật tự an toàn giao thông - trật tự xã hội. Trong đợt ra quân này, lực lượng CSGT được quyền dừng các phương tiện, khám người, khám xe và kiểm tra nồng độ cồn mà không cần lý do.
Trong đợt ra quân này, CSGT sẽ kiểm tra đủ 4 loại giấy tờ đối với người đi xe máy, gồm: Đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc và giấy tờ tuỳ thân. Đối với tài xế ô tô, CSGT sẽ kiểm tra 5 loại giấy tờ, gồm: Đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, giấy tờ tùy thân, chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường.
Đợt tổng kiểm tra phương tiện của lực lượng CSGT trên toàn quốc khiến nhu cầu mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho xe máy tăng cao, do đây là 1 trong 4 loại giấy tờ người dân bắt buộc phải mang theo khi tham gia giao thông.
Dù nhiều người đã mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe máy, nhưng có không ít ý kiến thắc mắc và chưa phân biệt được giữa bảo hiểm trách nhiệm dân sự phương tiện cơ giới và các loại bảo hiểm tự nguyện khác.
Tại sao bảo hiểm trách nhiệm dân sự lại bắt buộc?
Khác với các loại bảo hiểm khác thường có tính chất tự nguyện, bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với các phương tiện cơ giới là một loại bảo hiểm bắt buộc khi muốn lưu thông. Điều này được quy định tại Thông tư số 22/2016/TT-BTC (ngày 16/02/2016) của Bộ Tài chính.
Tên đầy đủ của bảo hiểm này là Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Toàn bộ chủ xe cơ giới (kể cả cá nhân, tổ chức nước ngoài) tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam.
Đây cũng là loại giấy tờ cần thiết mà người điều khiển xe cơ giới phải mang theo khi tham gia giao thông tại Việt Nam và đã được đưa vào thành các chế tài xử phạt.
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự sẽ đền bù cho ai?
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc xe cơ giới đối với bên thứ ba là loại hình bảo hiểm mà tất cả các cá nhân tổ chức (bao gồm người nước ngoài) sở hữu xe cơ giới tại Việt Nam đều phải tham gia theo quy định của nhà nước. Bảo hiểm này có tác dụng nhằm đảm bảo quyền lợi cho bên thứ ba trong trường hợp nếu chẳng may chủ xe, lái xe gây thiệt hại cho họ.
Điều này có nghĩa là bảo hiểm này sẽ không bồi thường trực tiếp cho chủ xe cơ giới, nhưng khi người sử dụng xe gây tai nạn cho người khác thì công ty bảo hiểm sẽ bồi thường cho người bị tai nạn.
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự sẽ bồi thường chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng phục hồi sức khoẻ, thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút, bồi dưỡng, chăm sóc người bị hại trước khi chết, mai táng phí hợp lý... theo mức độ lỗi của chủ xe cơ giới.
Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy gây ra là 50 triệu đồng/vụ tai nạn. Còn đối với các loại xe ô tô, đầu kéo,… là 100 triệu đồng/vụ tai nạn.
Ngoài ra, bảo hiểm sẽ bồi thường thiệt hại thực tế theo mức độ lỗi của chủ xe cơ giới, với mức chi phí cần thiết và hợp lý nhằm ngăn ngừa, hạn chế tổn thất liên quan tới vụ tai nạn mà chủ xe cơ giới đã chi ra.
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc có giá bao nhiêu?
Hiện nay có rất nhiều loại bảo hiểm xe máy nhưng người mua cần phải tìm hiểu rõ và mua đúng loại bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với phương tiện cơ giới. Theo quy định của Bộ Tài chính, bảo hiểm dân sự bắt buộc với xe máy có giá 55 – 66.000 đồng. Thời hạn bảo hiểm thông thường là 1 năm.
Cụ thể, phí bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy có phân khối nhỏ hơn 50 cc là 55.000 đồng/năm, lớn hơn 50 cc là 66.000 đồng/năm (đã bao gồm VAT).
Ngoài phần bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới theo quy định của Bộ Tài chính, các công ty báo hiểm thường cung cấp thêm các loại bảo hiểm khác như: Bảo hiểm tai nạn người lái và người ngồi trên xe; bảo hiểm thiệt hại vật chất cho xe, bảo hiểm tổn thất,…
Các loại bảo hiểm này thường được bán kèm với bảo hiểm dân sự bắt buộc. Do tính chất của loại bảo hiểm này là tự nguyện nên người dân có thể mua và sử dụng khi có nhu cầu, hoàn toàn không cần phải xuất trình khi CSGT kiểm tra giấy tờ. Do đó, người mua cần hỏi kỹ để biết được thông tin để mua đúng loại bảo hiểm cần thiết.
Không có bảo hiểm bị phạt thế nào?
Trên thực tế, không phải chỉ đến thời điểm này các cơ quan quản lý mới bắt buộc người dân phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho các loại phương tiện.
Còn ở thời điểm hiện nay, mức phạt với ô tô, xe máy không có bảo hiểm bắt buộc được thực hiện theo các quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Theo đó, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng (trước đây phạt 80.000 - 120.000 đồng theo Nghị định 46).
Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng (bằng mức phạt tại Nghị định 46).