Một Paris thứ hai có cả đại lộ Elysees đã được Pháp xây dựng
vào cuối Thế chiến I, thông tin về việc xây dựng lạ thường này đã được tiết lộ
khi thủ đô Pháp chuẩn bị kỷ niệm 93 năm đình chiến.
Khải Hoàn Môn thật và nhà ga giả (phải)
Theo các tài liệu lịch sử được tờ Le Figaro "khai quật", các nhà hoạch định quân sự tin rằng các phi công lái máy bay ném bom của Đức có thể bị lừa và phá hủy thành phố giả thay vì thành phố thật.
Thành phố bản sao này nằm ở ngoại ô phía bắc Paris và cũng có các đường phố giả với ánh đèn điện tử, tòa nhà bản sao và thậm chí cả một nhà ga Gare du Nord giống như thật, nhà ga mà từ đó tàu cao tốc đi đến London và ngược lại.
"Gần một thế kỷ sau khi Thế Chiến thứ 1 bắt đầu, có rất ít người biết tới dự án lạ thường của quân đội Pháp", nhà báo Benjamin Ferran của tờ Figaro cho biết đồng thời đề cao những việc làm của nhóm phòng không DCA.
"Năm 1918 khi cuộc xung đột gần tới lúc chấm dứt, DCA chịu trách nhiệm bảo vệ lãnh thổ chống lại các cuộc tấn công trên không, đã bắt tay vào việc xây dựng một Paris giả để đánh lừa các phi công Đức. Bằng cách dựng một thành phố giả gồm cả các khu phố rực sáng ánh đèn, người Pháp cho rằng có thể đưa những máy bay tiến hành cuộc đột kích ban đêm tới mục tiêu giả".
Vào năm 1918, radar vẫn còn trong thời kỳ trứng nước và các máy bay ném bom hạng nặng, tầm xa Gotha mà không lực Đức dùng cũng thô sơ không kém. Khi tiến hành đột kích, phi công sẽ thả bom xuống bất kỳ mục tiêu nào mà họ thấy trong những lần xuất kích tại các thành phố lớn như Paris và London.
Các nhà chiến lược Pháp đã chọn một khu vực gần thành phố Maisons-Laffitte, cách trung tâm Paris khoảng 24km và trải dài theo sông Seine, giống như khu ở Paris. Những điểm nổi tiếng ở Paris, gồm Khải Hoàn Môn, nhà hát lớn cũng như những khu ngoại ô công nghiệp giống Saint-Denis và Aubervilliers đã được dựng lên.
Các hãng tư nhân đã được dùng để tạo nên thành phố bản sao và kỹ sư điện tử Fernand Jacopozzi đã được thuê để chiếu sáng thành phố ánh sáng thứ hai. Các tòa nhà giả bằng gỗ cũng được dựng lên với những chi tiết đầy khéo léo, gồm cả sơn trong suốt tạo ấn tượng về những mái nhà bằng kính bẩn của các nhà máy. Đèn đỏ, trắng và vàng cũng được dùng để tạo hiệu ứng máy móc đang hoạt động vào buổi tối, tàu giả, đường ray cũng được chiếu sáng một phần vào ban đêm.
Tuy nhiên, dù đi vào chi tiết song Paris giả cũng chưa hoàn tất trước khi Đức tiến hành cuộc không kích cuối cùng vào Paris vào tháng 9/1918, có nghĩa là nó chưa bao giờ được thử nghiệm.
Trong khi Paris hầu như vô sự khỏi cả hai cuộc chiến tranh thế giới, London lại bị hư hại nặng nề. Một phần lý do là vì Paris được chuẩn bị tốt hơn.
- Hoài Linh (Theo DailyMail)