Súng máy Maxim M1910 được đánh giá là loại vũ khí có tính thẩm mỹ cao. Súng nặng 68kg và có một tấm khiên bọc thép trên một giá 2 bánh đặc biệt, cho phép nó được kéo phía sau xe hoặc điều khiển bởi kíp vận hành.
Truyền thông Nga chế giễu đây là món đồ cổ, đồng thời quả quyết người Ukraine sử dụng chúng vì họ thiếu vũ khí hiện đại. Tuy nhiên, theo tạp chí The Economist, sự thật phức tạp hơn thế.
Maxim M1910 được giới thiệu vào năm 1910. Đây là phiên bản súng máy tự động thực sự đầu tiên, được cấp bằng sáng chế cho nhà phát minh người Mỹ gốc Anh Hiram Maxim vào năm 1883 và do Nga sản xuất. Súng Gatling ra đời trước đó, sở hữu 6 nòng cần được quay khởi động một cách thủ công.
Trong thiết kế của súng Maxim, các khí giãn nở từ việc bắn một viên đạn sẽ giúp nạp viên đạn tiếp theo. Chỉ cần một ngón tay bóp cò súng sẽ phóng đi loạt đạn liên tiếp. Nòng được làm mát bằng nước cho phép súng liên tục bắn trong thời gian dài.
Các biến thể của súng Maxim đã chứng minh nó là một công cụ sát thương và gieo rắc nỗi kinh hoàng hiệu quả trong thời kỳ hoàng kim của chủ nghĩa đế quốc cuối thế kỷ 19, cho phép các lực lượng nhỏ ở châu Âu tiêu diệt hàng trăm, thậm chí hàng nghìn mục tiêu. Mẫu súng này cũng cách mạng hóa chiến tranh giữa chính các quốc gia châu Âu.
Các loại súng máy hạng trung hiện đại bắn cùng loại đạn 7,62mm như M1910, luôn nhẹ hơn và cơ động hơn nhiều. Ví dụ, khẩu PKM hiện tại của Nga chỉ nặng chưa đến 1/5 trọng lượng của M1910. Tuy nhiên, chúng thiếu nước làm mát. Bắn liên tục dù chỉ trong một phút có thể khiến nòng súng bị biến dạng, hoặc vũ khí "bị cháy” khi đạn bắn mà không bóp cò.
Năm 2016, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine xác nhận ông đã cho phép sử dụng một số khẩu M1910 từ kho dự trữ của chính phủ (súng Maxim không phải là loại vũ khí tiêu chuẩn nhưng có sẵn khi được yêu cầu, như một số đơn vị phòng thủ lãnh thổ Ukraine đã làm). Một cuộc kiểm tra vào năm 2012 cho thấy, quốc gia Đông Âu này đang cất trữ trong kho 35.000 khẩu súng Maxim, đều được sản xuất từ năm 1920 - 1950.
Video về cách vận hành của súng máy Maxim M1910.
Chỉ một số ít súng M1910 được sử dụng kể từ khi Nga mở chiến dịch tấn công quân sự vào Ukraine ngày 24/2, nhưng chúng đã được chứng minh hiệu quả ở các vị trí phòng thủ cố định và công sự. Ngoài hệ thống làm mát bằng nước cho phép duy trì hỏa lực bền vững, các giá đỡ cố định của súng giúp chúng dễ ngắm bắn hơn.
Một binh sĩ Ukraine được phỏng vấn vào năm 2016 cho biết, M1910 có độ chính xác cao ở cự ly 1km, hiệu quả đến 3km và anh sẽ không đổi nó lấy vũ khí hiện đại hơn.
Một số khẩu M1910 thậm chí đã được hiện đại hóa, với hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy những khẩu súng máy cổ điển với điểm ngắm điện tử "chấm đỏ" hiện đại. Loại súng này không được biên chế sử dụng chính thức trong bất kỳ quân đội nào khác, mặc dù các lực lượng vũ trang ly khai ở vùng Donbass cũng dùng chúng và mẫu súng này cũng từng xuất hiện trong các khu vực xung đột ở Syria, ...
Một yếu tố trong tuyên truyền của Nga có thể chính xác. Đó là nỗ lực của Ukraine trong việc phát triển bản sao PKM hiện đại của Nga vào năm 2011 đã không thành công. Binh lính đã báo cáo những vấn đề nghiêm trọng với Mayak KM, bao gồm cả việc súng không thể nhắm bắn các mục tiêu cách dưới 400m vì có một bộ phận cố định che khuất tầm nhìn. Người đứng đầu các lực lượng vũ trang Ukraine thừa nhận năm 2016 rằng vẫn còn các vấn đề với súng, nhưng nhà chức trách đang cho sửa đổi thiết kế.
Hiện không có mấy dấu hiệu ám chỉ mẫu Mayak KM đang được sử dụng. Thay vào đó, Ukraine đã nhập khẩu một số súng máy nước ngoài và các thợ cơ khí nước này đang thu gom súng từ những phương tiện bị phá hủy của quân Nga để chuyển đổi thành vũ khí bộ binh. Trong khi, một số binh sĩ vẫn đang dùng súng M1910.
Súng máy vẫn là một tính năng thiết yếu của chiến đấu bộ binh. Cũng giống như cách đây một thế kỷ, M1910 vẫn còn khả năng gây sát thương cao.
Tuấn Anh