- Thủ khoa các trường đại học lâu nay thường được xem là người tài và Hà Nội đã tôn vinh họ hàng năm ở Văn Miếu, nơi có câu: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. “Nguyên khí” ấy đã và đang được sử dụng như thế nào?
Hạnh phúc, tự hào là những cảm xúc của người đứng trên bục tuyên dương thủ khoa, đón nhận chính sách sử dụng người tài của Hà Nội từ năm 2003 đến nay. Nhưng thực tế chính sách sử dụng thủ khoa có tác dụng như thế nào với những người trẻ xuất sắc đến từ các trường ĐH?
Niềm vui của các thủ khoa trong Lễ tuyên dương (Ảnh: Quỳnh Anh) |
Chính sách đến sau
Vừa bảo vệ tốt nghiệp ĐH xong, Nguyễn Thế Ninh – SV Trường ĐH Thương mại bất ngờ được nhà trường báo tin anh có tên trong danh sách “Tuyên dương thủ khoa” do Thành đoàn Hà Nội tổ chức. Vui mừng, tự hào, song Ninh hoàn toàn thờ ơ với những ưu đãi về tuyển dụng mà mình được nhận. Đơn giản, bởi tất cả đến với Ninh quá muộn.
“Lúc đó, tôi chưa biết và chưa kịp tìm hiểu gì về chính sách sử dụng thủ khoa của thành phố. Trước đấy, tôi thậm chí còn không biết đến “Tuyên dương thủ khoa” - Ninh chia sẻ.
“Thời điểm tuyên dương tuy không lâu sau khi ra trường – khoảng 2 tháng, nhưng vì đã có định hướng về nghề nghiệp từ trước, nên bản thân tôi hoàn toàn không quan tâm đến chính sách này” – Nguyễn Thế Ninh, thủ khoa Trường ĐH Thương mại năm 2007 nhớ lại.
Cũng như nhiều SV vừa tốt nghiệp, Thế Ninh đã phải đứng trước các cân nhắc, lo lắng về công việc, sự nghiệp. Học chuyên ngành Marketing, Ninh từng nghĩ tới việc sau khi ra trường, sẽ xin vào một công ty xuất nhập khẩu nào đó tại Hà Nội, làm việc đúng chuyên ngành đã học.
Tuy nhiên, từ năm thứ 4 ĐH, với kết quả học tập khá cao và góp ý từ gia đình, Ninh thay đổi định hướng. Anh mong muốn ở lại trường, trở thành giảng viên để có điều kiện học tập và nâng cao trình độ.
Tốt nghiệp với bằng thủ khoa xuất sắc, Ninh càng tin tưởng vào lựa chọn của bản thân. Đây là lý do chính khiến anh từ chối những cơ hội việc làm khác, tuy biết là sẽ được “ưu đãi”, song vẫn đầy mạo hiểm từ chính sách sử dụng người tài của TP Hà Nội.
Nguyễn Thế Ninh (thủ khoa Trường ĐH Thương mại Hà Nội năm 2007) |
“Tháng 6/ 2007 tôi ra trường, tháng 8 tham dự lễ tuyên dương thủ khoa, thì tháng 10 thi tuyển vào trường và tháng 11 thì ký hợp đồng giảng viên chính thức” – Ninh chia sẻ. Con đường sự nghiệp của Ninh có vẻ chắc chắn và an toàn hơn với lựa chọn này.
Đến giờ này, khi đã hoàn thành bằng thạc sĩ Thương mại chuyên ngành Marketing tại Úc và chuẩn bị học lên tiến sĩ, Ninh vẫn không hề hối hận với quyết định đã chọn. Chút nuối tiếc, nếu có của thủ khoa năm 2007 này chính là: Giá như biết đến chính sách sớm hơn....
“Chính sách” có thời hạn… 1 năm
Dáng người nhỏ bé nhưng đầy nghị lực và quyết tâm, từ những năm SV, Đỗ Thùy Trang – thủ khoa Viện ĐH mở Hà Nội đã phấn đấu xây dựng một profile khá đẹp về cả học vấn và kinh nghiệm làm việc.
Học ngành Kế toán đã khá vất vả, Thùy Trang còn phấn đấu để học thêm ngành Tiếng Anh tại trường từ năm thứ 2 ĐH. Tiếp đó là những tháng ngày chật vật đi làm thêm tại một công ty Kiểm toán. Công việc đầy áp lực không khiến cô nao núng. Kết quả khá mãn nguyện: Trang tốt nghiệp thủ khoa, với hai tấm bằng chính quy và được tuyển thẳng vào công ty Kiểm toán nơi cô thực tập.
Hiện, Thùy Trang đang theo học thạc sĩ Quản trị Kinh doanh và chuyển sang công việc mới với mức đãi ngộ tốt hơn: Làm Kế toán tại một công ty nước ngoài ở Cầu Giấy – Hà Nội. Môi trường làm việc thân thiện, thoải mái, mức lương hấp dẫn tại đây khiến Trang phần nào hài lòng với bản thân.
“Vì đã có sự chuẩn bị rất kỹ khi còn trong nhà trường nên tôi không có điều gì để hối tiếc. Còn về những ưu đãi của thành phố Hà Nội đối với các thủ khoa, thực sự mình cũng cảm thấy không phù hợp, ít cơ hội vì trong các ngành được ưu tiên xét tuyển thì Kế toán – chuyên ngành của mình hầu như không có “cửa” – Trang chia sẻ.
Nói về lễ Tuyên dương thủ khoa, ánh mắt Trang ánh lên xúc động, khi nhớ lại những giây phút tự hào được vinh danh ở Văn Miếu. “Đó là một kỷ niệm đẹp mà mình không bao giờ quên” – Trang vui vẻ nói.
Nhưng còn việc “chính sách” đến với mình như thế nào thì thủ khoa năm 2010 có phần ngập ngừng: “Sau lễ tuyên dương, người ta phát cho chúng tôi một “Quyết định khen thưởng, cầm quyết định ấy thi vào các cơ quan nhà nước có lẽ sẽ được ưu tiên hơn. Nhưng thời hạn của Quyết định đó cũng chỉ có một năm thôi, và thực tế thì tôi không dùng đến”…
Bài 2: 'Thảm đỏ' không rộng mở
- Quỳnh Anh