Trong 10 năm “trải thảm đỏ” kêu gọi nhân tài, Hà Nội chỉ thu hút được 103 thủ khoa
trong tổng số 1.203 em.
Lý do từ chối “thảm đỏ”
Theo số liệu từ Sở Nội vụ Hà Nội, qua 10 năm thành phố tổ chức tuyên dương thủ khoa và thực hiện chính sách thu hút, ưu đãi với người tài về Thủ đô làm việc, con số đạt được hết sức khiêm tốn: chỉ có 103 người trên 1.203 nhân tài.
Một trong 3 thủ khoa cả đầu vào và đầu ra của năm nay, em Bùi Thị Yến Hằng (Khoa Sư phạm Hóa học, ĐHSP Hà Nội), chia sẻ: “Mặc dù ai cũng muốn làm việc trong Nhà nước để được ổn định, tuy nhiên hầu hết các bạn thủ khoa đều đã có định hướng trước cho mình từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Như với em, từ trước em đã có 2 lựa chọn, một là làm giáo viên ở các trường cấp ba, hai là ở lại trường làm giảng viên”.
Thủ khoa Cao Thị Liên (Khoa Công trình ngầm đô thị, ĐH Kiến trúc) cho biết: “Em dự định sẽ ở lại trường làm công tác giảng dạy. Chính sách trải thảm đỏ của Hà Nội em cũng có nghe, nhưng qua tìm hiểu thì nhiều bạn tâm sự rằng cơ hội thăng tiến trong Nhà nước rất mong manh; Có rất ít cơ hội để phát huy năng lực. Những người trẻ như chúng em thường thích những gì đột phá, thử thách, trong khi làm trong cơ quan Nhà nước hầu như mọi thứ đều có sẵn và em sợ mình sẽ lại máy móc. Em không chọn cũng một phần vì làm trong Nhà nước bó buộc thời gian, lương lại thấp”.
Thủ khoa Nguyễn Hoàng Duy, quê Nam Định (Khoa Luật học, ĐHQGHN) cũng cho biết: “Chính sách đãi ngộ nhân tài mới của Hà Nội là hỗ trợ 20 tháng lương nghe cũng khá hấp dẫn, tuy nhiên khả năng phát triển nghề nghiệp còn quan trọng hơn. Hiện em đi làm cho một văn phòng luật đã có thu nhập ổn định. Trong ngành luật thì việc tiếp xúc với những vấn đề thực tế là rất quan trọng nên làm ở đó em được nhiều kinh nghiệm thực tế. Có được những điều đó mới hạn chế tối đa rủi ro pháp lý. Theo em, ai cũng mong muốn môi trường làm việc được cải thiện, vì thế nếu làm hành chính trong cơ quan Nhà nước thì cần cơ chế thoáng một chút để có thể phát huy khả năng sáng tạo”.
Lý giải việc các thủ khoa chưa mặn mà làm việc cho các cơ quan ở Thủ đô, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Trần Anh Tuấn cũng thừa nhận, hiện nay các ưu đãi của thành phố vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các thủ khoa.
Cần chính sách thiết thực để tạo đột phá
GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: Hà Nội muốn tạo sự thay đổi trong thu hút nhân tài phải có chính sách thiết thực hơn nữa, như tạo điều kiện cho họ thấy rõ triển vọng trong phát triển sự nghiệp ra sao chứ không phải về cơ quan Nhà nước để hưởng mức lương theo hệ số và mấy năm đầu cũng chỉ đến quét nhà, pha trà chứ không được giao việc gì. Thu hút họ về nhưng sử dụng như thế nào mới là quan trọng. Theo tôi, nên đặc cách tuyển thủ khoa theo vị trí làm việc và được hưởng mức lương ở vị trí đó nếu đáp ứng được tiêu chí.
Ngày 25/8/2013, Thành phố Hà Nội tổ chức gặp mặt 206 thủ khoa và tuyên dương 123 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp Đại học, Học viện trên địa bàn Hà Nội. Đoàn thủ khoa xuất sắc sẽ được lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt, nói chuyện và lắng nghe những chủ trương của thành phố về chính sách trọng dụng, thu hút nhân tài của Hà Nội. Đặc biệt, 123 thủ khoa sẽ được vinh danh, nhận bằng khen và cúp biểu trưng cùng phần thưởng do thành phố trao tặng. |
Thủ khoa Cao Thị Liên (ĐH Kiến trúc) cho rằng: Chính sách ưu đãi một lần bằng 20 lần lương cơ bản của Hà Nội khá hấp dẫn nhưng nếu trong quá trình công tác được ưu tiên cử đi học ở nước ngoài thì tốt hơn. Thành phố cũng cần nói rõ chỉ tiêu với từng ngành cụ thể cần người giỏi. Chúng em muốn tìm công việc mình yêu thích chứ không muốn bị sắp xếp vào những vị trí không đúng ngành học thì sẽ không phát huy được hết khả năng của mình.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung (Phòng Đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng - Sở Nội vụ Hà Nội) cho biết, năm nay công tác thu hút nhân tài có điểm mới so với những chính sách trước đó.
Theo đó, những đối tượng được tiếp nhận sẽ được đãi ngộ thu hút một lần với giá trị bằng 20 lần lương tối thiểu tại thời điểm thu hút. Nếu trong trường hợp các đối tượng đặc biệt là các em thủ khoa có tình nguyện về cống hiến cho thành phố, thành phố sẽ ưu tiên cử đi đào tạo để phát triển sau này với những hỗ trợ kinh phí như những năm trước (hỗ trợ một lần bằng 5 lần mức lương tối thiểu hằng tháng với đào tạo trong nước, khi các em có bảo vệ luận văn được gấp 30 lần lương tối thiểu, bảo vệ luận án tiến sĩ được 80 lần lương tối thiểu).
Với những trường hợp được đi học tại nước ngoài có học bổng, không dùng ngân sách của thành phố thì thành phố sẽ hỗ trợ mỗi một tháng bằng 5 lần lương tối thiểu trong thời gian học thực tế.
Có thể nói, cùng với Hà Nội, nhiều tỉnh thành khác đều có chính sách thu hút người tài, thế nhưng cho đến giờ tính hiệu quả còn thấp bởi hầu hết các thủ khoa đều chọn ở lại trường, du học tiếp, hoặc làm việc trong các công ty nước ngoài. Còn làm việc trong các cơ quan Nhà nước chỉ là lựa chọn cuối cùng của họ.
(Theo Thu Hằng/ VOV)