Video chuyên gia ngân hàng sử dụng thẻ chip trong thanh toán.
Ngày 28/5/2019, Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam phối hợp với NAPAS và 7 ngân hàng đầu tiên gồm: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, Sacombank, TPBank, ABBank chính thức công bố ra mắt sản phẩm thẻ chip nội địa an toàn, bảo mật, đa tiện ích.
Hiện Việt Nam có 48 ngân hàng phát hành thẻ nội địa với số lượng khoảng 76 triệu thẻ, hơn 261.000 máy POS và 18.600 máy ATM; trong đó phần lớn POS đã tuân theo Tiêu chuẩn EMV nên việc triển khai thẻ chip nội địa trên các thiết bị chấp nhận thẻ sẽ không quá phức tạp. Theo kế hoạch đặt ra, đến 31/12/2019, các ngân hàng thương mại thực hiện chuyển đổi ít nhất 30% số lượng thẻ từ nội địa, 35% số lượng ATM và 50% số lượng POS hiện có sang công nghệ chip tiếp xúc và không tiếp xúc. Toàn bộ máy ATM và POS trên thị trường đảm bảo tuân thủ Tiêu chuẩn VCCS vào 31/12/2020. Chậm nhất vào 31/12/2021, toàn bộ thẻ từ nội địa đang lưu hành của tổ chức phát hành thẻ tuân thủ TCCS về thẻ chip nội.
Trước đó, trao đổi với ICTnews, đại diện Napas cho biết, NHNN đặt ra lộ trình trong năm 2019 sẽ chuyển đổi khoảng 30% lượng thẻ từ sang thẻ chip. Kế hoạch đến hết năm 2021 sẽ chuyển đổi thành công cho toàn bộ thị trường. Đến nay có rất nhiều ngân hàng đã đăng ký với Napas để chuyển thẻ từ sang thẻ chip. Hiện tại, 7 ngân hàng đầu tiên đã sẵn sàng triển khai vào cuối tháng 5/2019 gồm: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, Sacombank, TPBank và ABBank. Việc chuyển đổi bao gồm triển khai hệ thống phát hành thẻ, hệ thống chấp nhận thẻ, hệ thống xử lý giao dịch để kết nối với Napas. Số lượng thẻ của 7 ngân hàng này chiếm khoảng 70% thị phần thẻ nội địa.
Về phía người dùng khi chuyển sang dùng thẻ chip nội địa sẽ có lợi hơn dùng thẻ từ, vì tính an toàn, bảo mật cao hơn. Ngoài ra với các thẻ chip không tiếp xúc (contactless) sẽ tiện dụng hơn so với thanh toán tiền mặt ở tốc độ giao dịch nhanh chỉ 0,2 - 0,3 giây là xử lý xong giao dịch, khách hàng khi đưa thẻ thanh toán chạm vào máy POS cũng không cần nhập mã PIN hay ký xác nhận với các giao dịch giá trị nhỏ. Napas đề xuất ngưỡng thanh toán không xác thực chủ thẻ mỗi lần có giá trị tối đa 1 triệu đồng, lũy kế cộng dồn tối đa 3 triệu đồng trên ngày. Sau ngưỡng này, chủ thẻ phải nhập mã PIN để đảm bảo an đảm bảo an toàn, thuận lợi cho chủ thẻ cũng như yêu cầu quản trị rủi ro của các ngân hàng. Tuy nhiên, ngưỡng giá trị thanh toán sẽ do mỗi ngân hàng phát hành thẻ quy định.
Thẻ chip về bản chất là một máy tính thu nhỏ nên sẵn sàng cho việc tích hợp đa ứng dụng. Khi các đơn vị triển khai thành phố thông minh, thẻ chip có thể tích hợp các ứng dụng y tế, trường học hay thanh toán phí giao thông, có thể thanh toán nhiều dịch vụ công ngay trên thẻ. Đặc biệt do tốc độ giao dịch nhanh nên thẻ chip sẵn sàng cho thanh toán phí giao thông, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã ứng dụng thẻ chip cho thanh toán phí giao thông ngày càng phổ biến. Thẻ có thể thay thế cho thẻ giao thông để thanh toán vé đi xe bus chẳng hạn, người dùng không phải mua thẻ xe bus, hoặc mua vé do các đơn vị cung ứng dịch vụ giao thông công cộng phát hành nữa mà dùng ngay thẻ ngân hàng để trả phí.
Chuyển đổi thẻ thanh toán nội địa từ thẻ từ sang thẻ chip là một trong những giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020. Tiếp đó, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư định về lộ trình chuyển đổi thẻ ngân hàng sang thẻ tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa; theo đó, lộ trình chuyển đổi đối với tổ chức thanh toán thẻ là đến ngày 31/12/2020 và đối với tổ chức phát hành thẻ là ngày 31/12/2021