Cầm vé số còn rớt, làm sao cầm quà?
Len lỏi trong dòng xe đông nghẹt, nhóm từ thiện ghé lại bên vệ đường. Một bà cụ lưng đã còng đang cố bới đống rác nhặt nhạnh những thứ cần tìm.
Một vỏ chai nước ngọt, một lon bia, một thùng giấy… tất cả được bà cẩn thận cho vào chiếc bao đang cầm trên tay. “Bà ơi, con lượm được cái này…” Thằng bé chạy đến bên bà đưa cho bà một mảnh nhôm lớn. Bà vui hẳn lên nói với nó: “Bà cháu mình có bữa ăn sáng rồi”.
Một người trong nhóm bước xuống xe, cầm gói quà đến bên cạnh bà. "Chúng cháu biếu bà chút quà Tết và lì xì bà năm mới nhé". Bà đưa tay đón lấy nở nụ cười thật tươi: "Bà cám ơn các con. Vậy là năm nay bà cháu bà có Tết rồi".
Hỏi thăm về cuộc sống, bà cho biết, bà đã gần 80 tuổi. Bà chỉ có một con trai chẳng may mất sớm. Con dâu bỏ đi giao đứa cháu nội cho bà để rồi từ đó hai bà cháu miệt mài mưu sinh.
Cầm vé số còn rớt, làm sao cầm quà? |
Nhóm tiếp tục đi về phía trước. Gặp người nghèo, ghé vào tặng quà rồi ra đi. Những mảnh đời thật bất hạnh vào những đêm cận Tết ai nấy cũng tất bật. Đa số họ là những người xa quê về thành phố kiếm cái ăn với mong mỏi qua được những ngày gian khổ.
Đường Quang Trung càng về đêm càng đông. Người, xe tấp nập. Trên lề, người bán vé số, người lượm ve chai khá nhiều. Trong những lúc nghỉ ngơi, họ ngồi thành hàng dài… Những gói quà được trao tận tay.
Chút lì xì nhỏ nhoi cũng được gởi đến từng người một cách ân cần. Trong số những người ngồi ở đó, chúng tôi ghi nhận một trường hợp thật đáng thương. Chị bị khuyết tật câm điếc.
Qua những dòng chữ chị ghi - chị cho biết - chị có một đứa con gái cũng tật nguyền. Đây là kết quả của một cuộc tình không như ý muốn. Nhiều năm nay, một mình chị vất vả nuôi con bằng nghề vé số.
Tại Ngã năm Chuồng Chó - dưới chân cầu vượt Quang Trung - một bé gái đang ngồi, trên tay một rổ viết. Bé năm nay 12 tuổi. Bé kể, mẹ bé đi lượm ve chai. Cha bé làm phụ hồ nuôi 3 anh em ăn học. Thấy ba mẹ khổ đêm đêm bé ra đây bán viết kiếm chút lời về phụ mẹ.
Bé gái 12 tuổi bán viết dưới cầu vượt. |
Kế bên, một chiếc xe lăn được trang bị kín. Đây là nơi ăn, nghỉ của một người khuyết tật mất cả 2 chân. Ông ngồi ở đây đã nhiều năm và bà con vẫn thường xuyên giúp đỡ để ông sống qua ngày.
Quà và tiền lì xì được trao một cách chân tình. Ai nấy đều vui và hớn hở hẳn lên. Chỉ duy có một người xin được không nhận quà. “Tôi cám ơn tấm lòng của các bạn nhưng tôi không thể nhận được.
Tôi phải lết đi, tay tôi cầm xấp vé số không chặt có khi còn rớt thì làm sao cầm được gói quà”… Nhìn ông ai cũng xót xa. Thôi thì ông nhận chút quà lì xì ông nhé …
Tấm lòng nhà giáo trẻ
Nhóm tiếp tục đi thêm một đoạn rồi dừng lại. Một người đàn ông đứng tuổi đẩy chiếc xe lăn. Chúng tôi đến gần, trên xe một thanh niên mặt mày lơ láo. Dường như anh không biết gì chỉ thỉnh thoảng nở nụ cười bâng quơ. "Nó là con tôi đó".
Tặng quà một người cơ nhỡ bên vệ đường. |
Vợ chồng tôi sinh được 3 đứa con trai. Nó là út. Vừa sinh ra nó đã bị chứng bệnh về não. Nuôi con được vài tháng, mẹ nó bỏ đi để lai cho tôi. Thế là một mình tôi nuôi 3 đứa con với những cố gắng tột cùng.
Nay thì 2 đứa lớn đã yên bề gia thất. Chỉ còn nó, cứ ngớ ngẩn như kẻ mất hồn. Mà nó mất hồn thật. Nó có biết gì đâu. Hàng ngày tôi phải đẩy xe chở nó đi bán vé số kiếm cơm.
Anh Phùng Ân Hưng, một nhà giáo trẻ dẫn đầu nhóm thiện nguyện lấy gói quà trao cho ông. “Gởi chú chút quà Tết”. Chị Mộng Thùy vợ anh Hưng cũng là một giáo viên trao cho ông ít tiền lì xì. Ông bộc lộ vẻ vui mừng trên nét mặt. "Cám ơn các cháu nhiều".
Đẩy con bại não đi bán vé số. |
Đoàn tiếp tục, hết đường Lê Quang Định ngang qua bệnh viên Ung Bướu đến đường Bạch Đằng hướng về ngã tư Hàng Xanh. Những gói quà trên xe của nhóm đã vơi dần. Đêm nay, theo lời của anh Hưng, 151 phần quà trong đó có sữa hộp, miến dong, măng khô, hạt hướng dương dành cho bà con khuyết tật để họ có chút quà Tết đón Xuân.
Với bà con cơ nhỡ đường phố thì tặng thực phẩm không cần nấu nướng mà sử dụng ngay được như sữa, cá hộp, bánh mì, hướng dương và khẩu trang. Bên cạnh gói quà, còn có phần lì xì 200.000đ tiền mặt.
Trao đổi với chúng tôi, anh Hưng cho biết ngoài công việc dạy học, ở quê anh còn có một khu vườn khá rộng trồng chuối kinh doanh. Khi dịch bùng lên, anh thu hoạch chuối chở về thành phố giúp bà con cơ nhỡ.
Vợ chồng nhà giáo Phùng Ân Hưng tặng quà cho bà con cơ nhỡ. |
Từ hành động đó, nhiều bạn bè anh cảm phục chung tay góp sức tạo nên siêu thị 0 đồng trên chiếc xe ba gác, chuyên mang nhu yếu phẩm đến cho người khó khăn ở các quận, huyện trong thành phố.
Những việc làm của vợ chồng nhà giáo Phùng Ân Hưng thật thầm lặng nhưng cũng rất thiết thực. Các mạnh thường quân, nhà hảo tâm tiếp sức với vợ chồng anh san sẻ yêu thương đến những người cơ nhỡ.
Đêm nay, niềm vui sẽ đến với những mảnh đời bất hạnh khi trong tay họ đang có những phần quà đầy ắp yêu thương. Mong rằng niềm vui ấy sẽ luôn lan tỏa trong cộng đồng.
Trần Chánh Nghĩa
Nợ chồng chất, công nhân ngậm ngùi đón Tết xa nhà
Số tiền gần 30 triệu cần để mua vé máy bay về quê, lo Tết trở thành gánh nặng quá lớn với gia đình chị Huyền sau nhiều tháng thất nghiệp. Chị cùng chồng và hai con nhỏ đành ở lại TPHCM cho qua Tết.