- Nhiều sinh viên đang có mức thu nhập kha khá từ việc trông trẻ cho người nước ngoài.

Thu Hoài (ĐH Công đoàn) hiện đang trông trẻ cho gia đình người Hàn Quốc tại khu vực Keangnam chia sẻ: “Mình làm từ 5h đến 7h tối, lương tháng 2,5 triệu đồng. Mức lương đó quá ổn. Thời gian đi làm không ảnh hưởng gì tới việc học. Chủ nhà cũng không yêu cầu gì về bằng cấp cũng như nghiệp vụ sư phạm".

{keywords}
Thông tin tìm người trông trẻ em nước ngoài được rao trên các trang mạng

Với mức lương dao động từ khoảng 2 triệu đến 7 triệu đồng, thời gian thì tùy từng gia chủ (sáng, chiều, tối hoặc cả ngày), công việc này thu hút rất nhiều bạn trẻ. Nhiều người nước ngoài họ thuê đến 2 người giúp việc trong nhà rồi phân theo ca. Người làm sẽ không bị quá sức, còn trẻ em thì được chăm sóc tốt hơn.

Một hình thức thuê bảo mẫu khác là chỉ cần người chăm sóc con cái ở một khoảng thời gian nhất định trong ngày. Thông thường là từ 5 đến 7h tối.

Đây là khoảng thời gian mà trẻ vừa ở trường về, cần người đưa đón, chăm sóc khi bố mẹ chúng chưa kịp về nhà.

Nhiều sinh viên mới ra trường cũng đang đi làm như Hoài. Ban đầu, họ chỉ coi đây là công việc tạm bợ. Thấy thu nhập khá, mọi người móc nối thêm nhiều mối quan hệ khác để tìm thêm “mối” làm ăn. Nếu tìm được, họ không ngần ngại “chạy sô” hai nơi cùng lúc để tăng thêm thu nhập.

Một lợi thế của nghề làm thêm với người nước ngoài này là gia chủ thường có thể giao tiếp bằng tiếng Việt. Số còn lại thì thuê một phiên dịch viên cho mình. Công việc chính chủ yếu mà bảo mẫu cần làm là đưa đón các bé từ trường học, cho chúng ăn và chơi với các bé.

Tuy nhiên, công việc “ngon ăn” này cũng mang đến nhiều câu chuyện bi, hài.

Bất đồng ngôn ngữ tuy không gây trở ngại trong quá trình tìm việc nhưng trong một số trường hợp, nó lại “rào cản”.

Thùy Dương (trông bé 4 tuổi cho một gia đình người nước ngoài ở khu vực Mễ Trì kể lại trong ấm ức:

“Trẻ con thường hành động theo cảm xúc. Bình thường thì không sao, những lúc mình tỏ ý không hài lòng khi nó làm sai điều gì là nó lại bắt đầu tỏ thái độ bất hợp tác. Bảo gì cũng không nghe. Mặc dù hiểu những gì mình ra hiệu, nhưng lại cố tình như không hiểu”.

Trường hợp của Dương vẫn còn thuộc diện “may mắn” so với nhiều bạn trẻ gặp phải tình huống “dở khóc dở cười”.

Thu Hoài đang trông giữ cậu bé 5 tuổi người Hàn Quốc tại tòa nhà Keangnam. Trong một lần dẫn cậu bé xuống quầy Lotteria (thuộc tầng hầm của tòa nhà) mua kem, do không đáp ứng nhu cầu “Hamburger! hamburger!” của cậu bé, Hoài liên tục nhận được câu nói “Michin jido! gagi!”.

Trong khi cô bạn lơ ngơ không hiểu gì thì một vài vị khách Hàn Quốc nhìn Hoài với ánh mắt không mấy thiện cảm.

Đến khi gọi điện hỏi phiên dịch viên của chủ nhà thì cô bạn mới vỡ lẽ. Thì ra “cậu chủ nhỏ” đã luôn miệng mắng cô là “Đồ điên! đi đi!” trước mặt mọi người.

Cô Kim Hye Mi (chủ nhà) cho biết “Tôi thích những bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên. Họ làm cho con của tôi vui hơn là khi ở cạnh những người có tuổi. Họ cũng hiểu tâm lý của con tôi hơn. Tôi luôn trả lương sòng phẳng và có những khoản thưởng riêng để khuyến khích”.

  • Minh Hiền (Sinh viên Trường ĐH Nghệ thuật Quân đội)