Tổng cục Thống kê vừa cho hay, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 tăng 1,25% so với tháng 12/2012 với nguyên nhân chủ yếu do dịch vụ y tế tăng đột biến trở lại. 

Theo công bố của Tổng cục Thống kê sáng 24/1, thuốc và dịch vụ y tế đã quay trở lại là thủ phạm đầu tiên gây tăng giá mạnh trong tháng 1.

So với tháng 12/2012, chỉ số giá của nhóm này đã lên tới 7,4% và nếu so với cùng kỳ tháng 1/2012, giá cả nhóm này đã tăng tới 55,59%. Trong đó, riêng dịch vụ y tế đã tăng tới 9,5% so với tháng 12/2012 và tăng tới 78,78% so với tháng cùng kỳ năm 2012.

Đây cũng chính là nhóm gây ra tốc độ tăng đột biến ở tháng 9 năm ngoái. Sau khi được phép tăng kịch trần dịch vụ y tế, hàng loạt các tỉnh, thành phố đã đồng loạt tăng phí khiến chỉ số giá của nhóm khi đó tăng hơn 17%, riêng dịch vụ y tế tăng 23%. Ngay sau đó, Thủ tướng đã có chỉ đạo cần giãn thời gian tăng giá trong năm 2012. Tuy nhiên, bước sang năm 2013, Tổng Cục Thống kê cũng đã “cảnh báo” còn tới 30 địa phương chưa tăng giá thuốc và dịch vụ y tế. Vậy nên, tháng 1, nhóm này “tăng bù” là tất yếu. 

Thủ phạm thứ 2 gây tăng giá mạnh là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, tăng 1,34% và nhóm may mặc, giày dép mũ nón tăng 1,3%.

Đáng chú ý, trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, giá thực phẩm đã tăng tới 1,96%. Đây là hiện tượng mang tính chu kỳ và mùa vụ, vào cuối năm, thời điểm giáp Tết nguyên đán, nhu cầu tăng cao nên giá cả các mặt hàng thực phẩm đã leo thang.

Các nhóm hàng còn lại đều tăng giá ở mức trung bình từ giáo dục, đồ uống và thuốc lá, vật liệu xây dựng…, đều giao động ở mức dưới 0,5%.

Nhìn tổng thể, tốc độ tăng giá trong tháng 1 là cao cách biệt trong 4 tháng trở lại đây, bỏ xa so với tốc độ 0,27% của tháng 12/2012. Tuy nhiên, mức trên cũng là mức trung bình nếu so với tháng 1 trong 3 năm gần đây. Ví dụ như tháng 1/200, CPI là 1,36%, tháng 1/2011 CPI là 1,78% và tháng 1/202, CPI ở mức 1%.

Dù vậy, Chính phủ đã đặt mục tiêu lạm phát năm 2013 phải thấp hơn lạm phát năm 2012, tức dưới mức 6,81%. Cộng với gói “bơm tiền” để giải cứu bất động sản, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuát nên dư địa kiềm chế lạm phát theo mục tiêu trên còn lại trong 11 tháng tới sẽ cần sự điều hành thận trọng.

Chỉ số giá vàng và đôla Mỹ tiếp tục giảm, lần lượt giảm 1,73% và 0,08%.

Phạm Huyền