Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte ký đơn thoái vị ngày 11/4/1814. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Pháp |
Mùa xuân năm 1815, Đế quốc Pháp sụp đổ khi Lực lượng Đồng minh chiếm được thành Paris. Hoàng đế Napoleon Bonaparte thoái vị và dòng họ Bourbon trở lại ngai vàng. Như một cử chỉ tôn trọng người đàn ông đã từng thống trị khắp châu Âu, các nước Đồng minh vẫn cho phép Napoleon giữ lại danh hiệu Hoàng đế, nhưng nơi duy nhất để ông cai trị chỉ là hòn đảo nhỏ Elba nằm giữa Địa Trung Hải.
Vị Hoàng đế thất thế
Theo trang RBTH, vào cuối tháng 4/1814, sau khi nói lời tạm biệt với đội cận vệ trung thành tại Cung điện Fontainebleau, Napoleon bắt đầu cuộc sống lưu đày. Hành trình của ông đi xuyên nước Pháp, tới cảng Fréjus, nơi một con tàu đang chờ sẵn để đưa người hùng thất thế tới đảo Elba.
Vị hoàng đế bị phế truất đã trải qua chuyến đi lặng lẽ, trong một cỗ xe khiêm tốn, với vài tùy tùng vũ trang được phép đi cùng, cộng với sự giám sát của một số sĩ quan quân Đồng minh. Sa hoàng Nga Alexander I khi đó đã phái thêm Tướng Pavel Shuvalov hộ tống Bonapart. Đó chính là người mà sau này Napoleon đã nợ mạng sống của chính mình.
Trước đó, khi Đại Quân của Napoleon tấn công qua biên giới Đế quốc Nga, Bá tước Shuvalov là chỉ huy Quân đoàn Bộ binh số 4. Nhưng do ốm nặng, ông buộc phải giao lại quyền lĩnh cho người khác. Shuvalov trở lại nhiệm vụ vào năm 1813, khi quân đội Nga đã chinh chiến khắp châu Âu, từ từ đẩy quân Pháp lùi về Paris. Bá tước Shuvalov đã tháp tùng Hoàng đế Alexander I trên tất cả các mặt trận, và nhờ công lao đó, ông được trao tặng Huân chương Saint Alexander Nevsky.
Napoleon cùng đội quân thất trận khi tiến đánh Nga trong mùa đông băng giá. Ảnh: RBTH |
Lúc đã thất thế, tháng 4/1814, Napoleon gặp Shuvalov ở Cung điện Fontainebleau, ông hỏi viên tướng Nga đeo huy chương gì trên ngực. Khi biết rằng đó là tấm huy chương từ cuộc chiến năm 1812, Bonaparte bỗng im lặng, suốt nhiều ngày không nói một lời nào với người bạn đồng hành. Tuy nhiên, ông đã sớm phải thay đổi hoàn toàn quan điểm của mình về vị tướng Nga.
Thoát chết
Ban đầu, trong hành trình xuyên nước Pháp, nhiều đám đông đã chào đón đoàn xe ngựa của Napoleon với sự phấn khích. Họ ho tô “Hoàng đế vạn tuế!”. Nhưng khi tiến về phía Nam, sự ngưỡng mộ nhường chỗ cho im lặng, sau đó là sự phẫn nộ.
Ở Provence, đám đông la hét, chửi rủa Napoleon, nhưng ông vẫn bình tĩnh, vờ như không quan tâm đến chuyện gì xảy ra.
Mối đe dọa chỉ thực sự chờ đợi Hoàng đế Pháp ở thị trấn Orgon, phía Nam Avignon.
Trên đường đi của đoàn xe, một đám đông đã dựng sẵn giá treo cổ với hình nộm Napoleon đung đưa. Họ ùa lên xe ngựa, cố gắng kéo Hoàng đế bị phế truất xuống để giết chết ông cho hả cơn giận.
Sau khi áp đảo đội hộ tống vài người, đám đông tiếp cận được mục tiêu của mình, nhưng Bá tước Nga Shuvalov đã kịp can thiệp vào phút chót. Ông là người duy nhất kháng cự được đám người dữ tợn, sau đó đẩy lùi được họ. Thừa cơ hội, Shuvalov ra hiệu cho người lái xe ngựa chở Hoàng đế chạy khỏi Orgon càng nhanh càng tốt.
Bá tước Nga, Tướng Pavel Shuvalov trở thành ân nhân cứu mạng Napoleon. Ảnh: RBTH |
Không tóm được Bonaparte, đám đông dường như sẵn sàng xé nát Shuvalov thành từng mảnh. Nhưng khi nhận ra một vị tướng Nga đang đứng trước mặt, sự tức giận của họ đã nhường chỗ cho lòng kính trọng. Đám đông vui mừng hô to “Người giải phóng muôn năm!”.
Sau đó, khi bắt kịp đoàn xe của Napoleon, Tướng Shuvalov đã đề nghị đổi áo choàng và thế mình sang chiếc xe ngựa chở Hoàng đế Pháp. Vị Bá tước Nga giải thích rằng ông làm như vậy để bất kỳ kẻ tấn công nào cũng sẽ đối mặt với ông chứ không phải Napoleon Bonaparte.
Khi Napoleon ngạc nhiên hỏi tại sao Shuvalov muốn làm như vậy, ông nhận được câu trả lời: "Hoàng đế Alexander của tôi ra lệnh đưa ngài đến nơi lưu vong bình an. Tôi cảm thấy vinh dự khi hoàn thành mệnh lệnh của Hoàng đế".
Bá tước Nga Shuvalov (trước) và Hoàng đế bị phế truất Napoleon. Ảnh: RBTH |
Lòng biết ơn
Kế thế thân của Shuvalov đã rất hiệu quả. Vài ngày sau, Napoleon đã tới bến cảng an toàn, và được đưa lên tàu HMS “Undaunted” của hải quân Anh. Con tàu này đưa ông tới đảo Elba trên Địa Trung Hải. Trước khi khởi hành, Napoleon đã tăng vị tướng Nga thanh gươm của mình để thể hiện lòng biết ơn vì đã ra tay cứu mạng.
Suốt 15 năm năm chinh chiến trước đó, Bonaparte chưa bao giờ rời bỏ thanh gươm báu làm bằng thép Damascus, mà ông được tặng trong cuộc chinh phạt Ai Cập. Việc ông tặng lại thanh gươm báu cho Bá tước Nga là một cử chỉ của lòng biết ơn thực sự với ân nhân.
Thanh gươm quý của Napoleon. |
Chưa đầy một năm sau, Napoleon Bonaparte đã trở lại Pháp, giành lại quyền lực và một lần nữa khuấy động toàn bộ châu Âu trong ba tháng tiếp theo. Có lẽ nếu Napoleon không được vị tướng Nga cứu mạng, thì triều đại “Một trăm ngày” và cả thất bại lịch sử của ông ở Waterloo đã không bao giờ được biết đến trong sử sách.
Theo baotintuc.vn