Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Ấn Độ, ngày 4/7, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Bắc Son đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Truyền thông và Công nghệ thông tin Ấn Độ (Minister of Communication and Information Technology – MCIT) Kapil Sibal.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Bộ trưởng Kapil Sibal. |
Phát biểu khai mạc cuộc hội đàm, Bộ trưởng Kapil Sibal đã hoan nghênh đoàn cấp cao của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, do Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son dẫn đầu sang thăm và làm việc với đoàn cấp cao của Bộ Truyền thông và Công nghệ thông tin Ấn Độ. Bộ trưởng Kapil Sibal đánh giá Việt Nam là đối tác quan trọng của Ấn Độ tại khu vực Đông Nam Á. Mối quan hệ hữu nghị nồng thắm giữa hai nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nerhu tạo dựng đã được các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp; mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Ấn Độ bắt nguồn từ những nỗ lực trong các cuộc đấu tranh vì tự do và ngày nay càng được tăng cường thông qua các hoạt động trong các diễn đàn như hội nghị cấp cao ASEAN, Tổ chức hợp tác sông Mêcông-sông Hằng (Mekong-Ganga Cooperation), Hội nghị cấp cao Á - Âu (ASEM) và Tổ chức thương mại thế giới (WTO)…
Bộ trưởng Kapil Sibal nhấn mạnh việc ký kết hai văn bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác công nghệ thông tin lần này là một bước tiến nhảy vọt trong quan hệ hợp tác song phương. Sau khi ký những thỏa thuận này, hai Bộ sẽ có cơ sở để tăng cường hợp tác; các cộng đồng doanh nghiệp hai nước sẽ sớm triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác.
Bộ trưởng Kapil Sibal cho biết thông tin viễn thông là một trong những đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội của Ấn Độ. Cục công nghệ thông tin là xương sống của Bộ Truyền thông và Công nghệ thông tin Ấn Độ. Kim ngạch xuất khẩu công nghệ thông tin của Ấn Độ đã đạt 80 tỷ USD; đang phấn đấu đạt 300 tỷ USD vào năm 2020. Hiện Ấn Độ đứng thứ hai thế giới về cung cấp dịch vụ điện thoại di động, với 850 triệu người sử dụng; thứ ba thế giới về sử dụng Internet, với 150 triệu người sử dụng… Ấn Độ đang cố gắng tạo một cuộc cách mạng trong công nghệ thông tin để cung cấp các dịch vụ tiện lợi cho người dân. Ấn Độ đánh giá cao sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Bộ trưởng Kapil Sibal cho rằng với thế mạnh về phần cứng, Việt Nam nên lập các liên doạnh hợp tác với Ấn Độ. Bên cạnh đó, an ninh mạng, công nghệ không gian cũng là những lĩnh vực có cơ hội để hai bên hợp tác.
Về phần mình, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đánh giá cao mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và Bộ Truyền thông và Công nghệ thông tin Ấn Độ. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng trao đổi với đoàn cấp cao Bộ Truyền thông và Công nghệ thông tin Ấn Độ những nét cơ bản của ngành công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam. Chính phủ Việt Nam coi khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu để phát triển và đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Việt Nam mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Ấn Độ trong lĩnh vực công nghệ thông tin; mong mỏi học hỏi kinh nghiệm từ Ấn Độ trong lĩnh vực này.
Phần cuối cuộc hội đàm, hai Bộ trưởng đề nghị thành lập một Ủy ban hỗn hợp (Joint Committee) gồm 6 thành viên, mỗi bên 3 thành viên, thuộc ba lĩnh vực công nghệ, thông tin và bưu chính để thiết lập khung làm việc nhằm thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác.
Cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Việt Nam và Bộ trưởng Truyền thông và Công nghệ thông tin Ấn Độ. |
Hai Bộ trưởng đã chứng kiến lễ ký Bản ghi nhớ (MoU) hợp tác về tần số giữa Cục tần số vô tuyến điện Việt Nam (RFD) và Cơ quan tần số vô tuyến điện Ấn Độ (Wireless Planning and Co-ordination Wing - WPC) và MoU về hợp tác viễn thông giữa Cục viễn thông Việt Nam (VNTA) với Cục điều tiết viễn thông Ấn Độ (Telecom Regulatory Authority of India -TRAI).
Trước đó, ngày 3/7, Đoàn cấp cao của Bộ Thông tin và Truyền thông, do Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son dẫn đầu, đã tới thăm Trung tâm nghiên cứu và phát triển điện toán (Centre for development of advanced computing – C-DAC) và Trung tâm dịch vụ tư vấn Tata (TCS) của Ấn Độ tại Noida và có cuộc gặp với lãnh đạo của các Trung tâm này.
Phát biểu tại cuộc gặp, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đánh giá cao các chương trình và dự án nghiên cứu, phát triển về công nghệ thông tin của C-DAC, đóng góp lớn cho sự nghiệp phát triển đất nước của Ấn Độ. Bộ trưởng hoan nghênh các hoạt động hợp tác quốc tế của C-DAC, đặc biệt là các hoạt động hợp tác, hỗ trợ các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, với hai dự án cụ thể:
+ Trung tâm nguồn lực công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam - Ấn Độ tại Hà Nội (ARC-ICT). Từ tháng 9/2011 đến nay Trung tâm đã tổ chức được 11 khóa học với 315 lượt học viên là cán bộ công chức tại thành phố Hà Nội và hợp tác với Học viện đào tạo quốc tế (NIIT) đào tạo 300 lượt học viên phục vụ cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội.
+ Tài trợ cho Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực tính toán hiệu năng cao tại Việt Nam” theo phương thức viện trợ không hoàn lại. Dự án sẽ hướng tới hỗ trợ xây dựng Hệ thống siêu máy tính có giá trị 50.684.000 rupee tương đương 1.200.000 USD
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đề nghị C-DAC hỗ trợ các trường Đại học và Viện nghiên cứu của Việt Nam trong nghiên cứu khoa học và công nghệ, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học ứng dụng, máy tính hiệu năng cao, an toàn thông tin v.v…; chuyển giao công nghệ, hỗ trợ nhân lực giúp Việt Nam vận hành khai thác sử dụng hiệu quả siêu máy tính Param cho mục đích đào tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tế; tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo chuyên gia về công nghệ thông tin, hỗ trợ công nghệ, giáo trình và cử chuyên gia sang đào tạo tại các Trung tâm công nghệ thông tin do Ấn Độ tài trợ cũng như các chương trình đào tạo công nghệ thông tin khác do Việt Nam tổ chức; hỗ trợ các chuyên gia Việt Nam sang học tập, nghiên cứu và làm việc tại C-DAC; tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn tại Việt Nam.
Minh Lý (Theo dangcongsan.vn)