Theo đó, Việt Nam đứng thứ 62, tăng 2 bậc so với vị trí thứ 64 trên tổng số 119 nền kinh tế trong bảng xếp hạng toàn cầu, tốt hơn một số nước láng giềng Đông Nam Á như Myanmar, Indonesia, Philippines, Campuchia và Lào.
Điểm GHI được tính toán dựa trên 4 chỉ số, bao gồm suy dinh dưỡng, gầy so với chiều cao, thấp còi ở trẻ em và trẻ em tử vong.
Chỉ số GHI của Việt Nam đã giảm từ 28,3 năm 2000 xuống còn 15,3 năm 2019. Chỉ số GHI bằng 0 tức là quốc gia không có tình trạng đói nghèo trong nước, ngược lại GHI càng cao thì tình hình đói nghèo càng nghiêm trọng.
Điểm GHI được tính toán dựa trên 4 chỉ số. Ảnh minh họa |
Báo cáo trên đánh giá Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp để giảm suy dinh dưỡng và xóa đói nghèo.
Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động Quốc gia "Không còn nạn đói" ở Việt Nam đến năm 2025. Chương trình này thực hiện mục tiêu đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm, đáp ứng đủ dinh dưỡng cho người dân nhằm nâng cao thể trạng, trí tuệ, tầm vóc con người Việt Nam; đồng thời thực hiện mục tiêu phát triển bền vững số 2 (SDG2) do Chính phủ Việt Nam cam kết với Tổ chức Liên Hợp Quốc.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, cơ bản các hộ có đủ lương thực, thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng quanh năm; giảm suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 2 tuổi với các chỉ tiêu: Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 2 tuổi toàn quốc xuống dưới 20%, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng gầy còm ở trẻ em dưới 2 tuổi xuống dưới 5%...
Cùng với đó là phát triển hệ thống lương thực thực phẩm bền vững (100% hộ tham gia chương trình được tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã và liên kết sản xuất); phần lớn các hộ nông dân sản xuất nhỏ tăng năng suất và thu nhập; phấn đấu không còn thất thoát hoặc lãng phí lương thực, thực phẩm.
Bài: Mỹ Hòa - Nhóm PV
Ảnh: Mai Hương - Nhóm PV