Gần đây, Việt Nam đã ký kết hợp tác với 7 quốc gia về lĩnh vực hạt nhân vì hòa bình mà mới nhất là với Nhật Bản tháng 1/2011. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lê Đình Tiến.

PV: Tại sao Việt Nam lựa chọn Nhật Bản là đối tác hợp tác và phát triển ngành năng lượng hạt nhân (NLHN), trong đó có việc giúp Việt Nam thực hiện xây dựng nhà máy điện hạt nhân số 2, thưa Thứ trưởng?

- Thứ trưởng Lê Đình Tiến: Nhật Bản có nền KH&CN hạt nhân tiên tiến, thuộc nhóm nước đứng đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển, sử dụng NLHN nói chung và điện hạt nhân nói riêng. Nhật Bản có vai trò quan trọng trong các tổ chức hạt nhân khu vực và quốc tế. Đối với Việt Nam, trong nhiều năm qua, Nhật Bản đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác hiệu quả, hỗ trợ Việt Nam trên nhiều lĩnh vực liên quan đến nghiên cứu, phát triển, đào tạo và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, đặc biệt là hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu chuẩn bị các điều kiện cho Chương trình phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam.


Ảnh minh họa.
Một điều cần nhấn mạnh là Chính phủ Nhật Bản cam kết đáp ứng các tiêu chí mà Chính phủ Việt Nam đưa ra khi lựa chọn đối tác thực hiện các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam.

PV: Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa của việc ký Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản về hợp tác phát triển và sử dụng NLHN vì mục đích hoà bình?

- Thứ trưởng Lê Đình Tiến: Sau khi được phê chuẩn và có hiệu lực, Hiệp định này sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý cần thiết và những điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức KH&CN, các cơ sở giáo dục và đào tạo, các doanh nghiệp liên quan đến NLHN của Việt Nam và Nhật Bản tiến hành các hoạt động hợp tác và đầu tư trên các lĩnh vì lợi ích của nhân dân hai nước. Những lĩnh vực hợp tác cụ thể là: Nghiên cứu và ứng dụng đồng vị phóng xạ và bức xạ; thiết kế, xây dựng và vận hành các lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ; An toàn và an ninh hạt nhân; lưu giữ, vận chuyển, xử lý và chôn cất chất thải phóng xạ; phát triển nguồn nhân lực, hệ thống pháp luật trong lĩnh vực sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình; thăm dò và khai thác nguồn tài nguyên urani và các lĩnh vực khác mà hai bên thoả thuận…

Một trong những ý nghĩa quan trọng và thiết thực nhất hiện nay là Hiệp định tạo cơ sở để các bên liên quan của Việt Nam và Nhật Bản tiến hành đàm phán Hiệp định giữa hai Chính phủ về Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, nhằm sớm đưa dự án này vào triển khai thực hiện, bảo đảm đúng lịch trình đã đề ra.

PV: Để phát triển ngành NLHN, Việt Nam đặt kỳ vọng gì vào sự hợp tác và giúp đỡ từ phía Nhật Bản trong tương lai?

- Thứ trưởng Lê Đình Tiến: Điều mong muốn trước hết là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực để Việt Nam có thể làm chủ và tiếp thu được những công nghệ của Nhật Bản chuyển giao. Thứ hai, hỗ trợ xây dựng khuôn khổ pháp lý cho phát triển điện hạt nhân, đặc biệt là trong lĩnh vực an toàn, an ninh hạt nhân. Thứ ba, chúng tôi cũng mong muốn phía Nhật Bản hỗ trợ về KH&CN để Việt Nam phát triển được năng lực của mình đối với chương trình điện hạt nhân. Thứ tư, hợp tác trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân số 2 phải đảm bảo an toàn, hiện đại và hiệu quả.  

PV: Những năm gần đây, Việt Nam đã ký hiệp định về NLHN với nhiều nước trên thế giới. Sự chuẩn bị này của Việt Nam có ý nghĩa như thế nào đối với việc phát triển NLHN vì mục đích hòa bình?

- Thứ trưởng Lê Đình Tiến: Việt Nam đã ký kết hợp tác trong lĩnh vực này với 7 quốc gia trên thế giới gồm Nga, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Argentina.

Riêng trong năm 2010 Việt Nam và nhiều đối tác lớn đã ký các văn bản quan trọng liên quan đến hợp tác về NLHN. Ngày 30/3/2010, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký Bản ghi nhớ về Hợp tác trong lĩnh vực NLHN giữa hai Chính phủ.


Thứ trưởng Lê Đình Tiến và Đại sứ Mỹ Michael Michalak trao biên bản ghi nhớ về Hợp tác trong lĩnh vực NLHN giữa hai Chính phủ. Ảnh Vnexpress.

Vào ngày 31/10/2010, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Liên bang Nga Dmitry Medvedev, Việt Nam đã ký hiệp định về hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân, hợp tác năng lượng, thỏa thuận về quản lý an toàn hạt nhân và bức xạ....

Mới đây, ngày 20/01/2011, Việt Nam và Nhật Bản đã ký Hiệp định giữa hai Chính phủ về hợp tác phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình như đã nói ở trên.

Việc Việt Nam ký các Hiệp định với Nga và Nhật Bản còn có một ý nghĩa quan trọng nữa vì đây là hai quốc gia mà Việt Nam đã lựa chọn làm đối tác xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.

Là một nước đi sau về hạt nhân, Việt Nam coi trọng và sẵn sàng mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, đặc biệt là những nước có tiềm lực và trình độ cao về năng lượng hạt nhân. Mặt khác, Chính phủ Việt Nam thực hiện chính sách tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác với các nước có nền KH&CN, công nghiệp hạt nhân tiên tiến, trong đó chú trọng xây dựng và củng cố các quan hệ hợp tác mang tính chiến lược, lâu dài; coi đây là một yếu tố quan trọng để đảm bảo thực hiện thành công Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình của Việt Nam.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

  • Phương Nga - Hà Giang