Việt Nam chỉ còn 4,1 triệu thuê bao cố định. |
Trước đó, Cục Viễn thông phân tích sự suy giảm điện thoại cố định là do sự bùng nổ của điện thoại di động với nhiều dịch vụ mới phát triển, người dân thấy tiện lợi hơn, sử dụng hiệu quả hơn. Cục Viễn thông cho rằng, doanh thu điện thoại cố định có xu hướng suy giảm, nhưng trên đường dây điện thoại cố định cần phát triển các ứng dụng như Internet băng rộng, phát thanh - truyền hình. Do đó, hạ tầng băng rộng cố định rất quan trọng và phải có thêm nhiều dịch vụ hơn nữa.
Tuy thuê bao điện thoại cố định suy giảm nhưng trong Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 vẫn xác định mạng cố định băng rộng là một trong những mục tiêu phát triển, tỷ lệ 40-50% hộ gia đình có kết nối mạng cố định.
Nhiều quốc gia đã ý thức được chuyện này nên đưa ra khái niệm: Viễn thông là hạ tầng quốc gia. Chữ "quốc gia" hiểu theo mấy nghĩa: một là, phải phổ cập, nghĩa thứ hai là ở những chỗ khó khăn quá thì dùng tiền của chính phủ. Hiện nay, có trên 50 quốc gia đi theo hướng đó, thậm chí có một số quốc gia cực đoan đến mức yêu cầu các nhà mạng không làm nữa, chính phủ bỏ tiền ra làm. Ví dụ để thực thi chính sách này, Úc không cho nhà mạng xây dựng hạ tầng mà chính phủ đứng ra làm, vì vậy, nhà mạng bắt buộc phải chuyển đổi nhanh hơn, mạnh hơn để trở thành một nhà cung cấp dịch vụ.
Trong các cuộc họp tại Bộ TT&TT, lãnh đạo VNPT cũng phản ánh tình trạng điện thoại cố định suy giảm mạnh. VNPT cho biết, vào thời điểm cực thịnh, VNPT có tới 13 triệu thuê bao điện thoại cố định. Thế nhưng, với xu thế không thể cưỡng nổi là di động lên ngôi thì điện thoại cố định đang rơi vào tình trạng bĩ cực bởi có quá nhiều thuê bao "dứt áo ra đi". Trong khi đó, các thuê bao "trung thành" với mạng cố định lại sử dụng dịch vụ này cầm chừng chủ yếu mang tính chất dự phòng trong hộ gia đình, còn lại là thuê bao doanh nghiệp.