Với việc chuyển trả về nước Nga tất cả các bó thanh nhiên liệu Uranium có độ giàu cao HEU còn lại, Việt Nam đã chứng tỏ bằng hành động cụ thể đường lối chống lan truyền vũ khí hạt nhân trên thế giới.
Trong "nhà lò" của Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt thuộc Viện Nghiên cứu Hạt nhân. Nguồn: IAEA website. |
Dư luận thế giới quan tâm
Quá trình chuyển trả này bắt đầu từ 7 năm trước, vào tháng 9 năm 2007 và kết thúc ngày 3 tháng 7 vừa qua. Dư luận thế giới và trong nước theo dõi sát sao sự kiện có ý nghĩa này.
Sáng sớm ngày 3/7/2013, một máy bay vận tải AN-124-100 của Hãng hàng không Nga đã tiếp nhận toàn bộ số thanh nhiên liệu Uranium HEU cuối cùng từ lò phản ứng hạt nhân ở Viện Nghiên cứu Hạt nhân (thành phố Đà Lạt), cất cánh rời sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) và chuyển thẳng an toàn về đất nước Nga.
Xe container chở 11 kg nhiên liệu Uranium độ giàu cao HEU từ Lò phản ứng hạt nhân Đà Lat. Nguồn: Nguồn: IAEA website. |
Việc vận chuyển trên đoạn đường bộ gần 300 km từ Viện Nghiên cứu Hạt nhân (Tp. Đà Lạt) về sân bay Biên Hòa (Tp. Biên Hòa) được bảo đảm an toàn tuyệt đối về an ninh và an toàn phóng xạ bởi lực lượng bảo vệ đông đảo của Bộ Quốc phòng, Bộ Công An và các chuyên viên an toàn phóng xạ của Viện Nghiên cứu Hạt nhân và Cục An toàn Bức xạ Việt Nam. Quá trình giao nhận ở sân bay đã được diễn ra dưới sự giám sát chặt chẽ của các đại diện của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam … và hơn 40 chuyên gia hạt nhân đến từ Mỹ, Nga.
Sự kiện quan trọng này cũng được thông báo kịp thời tại Hội nghị Quốc tế về An ninh Hạt nhân diễn ra ở thủ đô Viên (nước Áo), khai mạc ngày 1/7/2013 với sự tham dự của các đoàn đại biểu từ 120 nước, trong đó có Việt Nam, để bàn thảo về phương thức ngăn chặn các nguyên vật liệu chế tạo bom hạt nhân rơi vào tay những tổ chức cực đoan.
Ngay sau khi ở Việt Nam, đoàn xe vận chuyển nhiên liệu hạt nhân xuất phát từ Viện Nghiên cứu Hạt nhân (Tp. Đà Lạt), tại thủ đô nước Áo, trong hội nghị quốc tế nói trên, Tổng Giám đốc IAEA – Tiến sĩ Amano, trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại IAEA - Đại sứ Nguyễn Thiệp, Bô trưởng Năng lượng Hoa Kỳ E. Moniz, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ryabkov đã lần lượt công bố sự kiện quan trọng này.
Và ngay trong ngày 03/07/2013, ngay sau khi chiếc máy bay vận tải AN-124-100 của Hàng không Liên bang Nga rời Việt Nam, thông tin về việc Việt Nam hoàn thành việc đưa 11kg nhiên liệu hạt nhân độ làm giàu cao HEU còn lại ra khỏi Việt Nam đã được loan báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và quốc tế.
Lò phản ứng Đà Lạt thay “máu”
Sự kiện hệ trọng trên được công luận quan tâm đặc biệt vì nó đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 11 trong bốn năm qua không còn sở hữu Uranium có độ giàu cao có nguy cơ rơi vào tay những tổ chức khủng bố. Điều này nằm trong mối quan tâm chung của thế giới về tình hình an ninh hạt nhân, vì, theo các chuyên gia của Tổ chức Chuyên gia về An toàn Hạt nhân (HSGEG), hiện nay trên thế giới có khoảng 1.440 tấn Uranium HEU và 500 tấn Plutonium (cũng là nhiên liêu của bom hạt nhân) được cất giữ và sử dụng trong các vũ khí hạt nhân trên toàn cầu. Phần lớn số đó được bảo vệ nghiêm ngặt bởi quân đội nhưng một số lượng nhất định nguyên liệu dùng cho mục đích dân sự lại ít được bảo vệ chặt chẽ.
Chính trong tình hình đó, lò phản ứng ở Đà Lạt (LPUĐL) nằm trong số hơn 20 lò phản ứng nghiên cứu của 17 nước sử dụng nhiên liệu HEU do Liên Xô trước đây cung cấp cần phải chuyển đổi sang nhiên liệu LEU.
LPUĐL nguyên là lò của Mỹ, thuộc loại TRIGA-Mark II xây dựng vào năm 1960, với công suất 250 kW và sử dụng nhiên liệu Uranium với độ giàu U235 25%. Lò bắt đầu hoạt động chính thức ngày 04/3/1963 và kéo dài khoảng 5 năm (1963-1968). Sau đó, giai đoạn 1968-1974, lò gần như bị tạm ngưng hoạt động và đến tháng 3/1975 tất cả các thanh nhiên liệu được rút chuyển hết về Mỹ.
Công trình khôi phục và mở rộng Lò phản ứng Đà Lạt (LPUĐL) mới được khởi công ngày 15/3/1983 và hoàn thành tháng 10/1983. LPUĐL mới là bản sao của Lò IVV-9 của Liên xô cũ chính thức hoạt động từ ngày 20/3/1984 với công suất 500 kW. Lò này sử dụng 141 bó nhiên liệu có độ giàu cao HEU (tỷ lệ U235 là 36%), loại WWR-M2 chuẩn do Liên Xô trước đây chế tạo và cung cấp với kinh phí tài trợ bởi IAEA.
Về nguyên lý, loại nhiên liệu Uranium có độ giàu cao HEU trên nếu vào tay những kẻ xấu sẽ có thể tiếp tục được nâng cấp, làm giàu tiếp đến trên 80% đạt tiêu chuẩn chế tạo bom hạt nhân, thứ vũ khí giết người hàng loạt. Vì vậy, theo khuyến cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA và thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Liên bang Nga (trong Tuyên bố chung ký tháng 11/2006, tại Hà Nội giữa Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Hoa Kỳ G. Bush), các lò phản ứng nghiên cứu sử dụng nhiên liệu HEU (tỷ lệ U235 từ 20% trở lên) đều phải chuyển đổi sang nhiên liệu Uranium có độ giàu thấp LEU (tỷ lệ U235 dưới 20%).
Từ năm 2007 Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với IAEA, các nước Nga và Mỹ để thực hiện chương trình này. Cụ thể, từ tháng 9/2007 đến tháng 10/2011, Viện Nghiên cứu hạt nhân đã hoàn thành việc thay thế tất cả 141 bó thanh nhiên liệu HEU (36% U235) bằng nhiên liệu thấp LEU (dưới 20% U235) cũng do Nga chế tạo và cung cấp. Đối với LPUDL đây là một cuộc thay “máu” và kể từ tháng 10/2011 lò này hoạt động chỉ bằng nhiên liệu Uranium với độ giàu thấp LEU.
Đường lối chống lan truyền vũ khí hạt nhân
Một công đoạn song hành khác nặng nề và hệ trọng hơn, đó là chuyển trả về nơi sản xuất, nước Nga, tất cả các thanh Uranium với khối lượng tổng cọng 16 kg Uranium HEU, một số đã qua sử dụng và một số chưa sử dụng.
Được biết, kinh phí để thực hiện dự án thay thế nhiên liệu uranium này tiêu tốn khoảng 30 triệu USD, do Mỹ và Canada tài trợ nằm trong dự án toàn cầu nhằm cắt giảm việc sử dụng nhiên liệu hạt nhân có nguy cơ dùng làm nguyên liệu sản xuất bom hạt nhân. Và việc chuyển trả 141 thanh nhiên liệu với 16 kg Uranium loại HEU từ LPUDL đã được thực hiện trong 2 đợt.
Đợt 1 tiến hành vào năm 2007 với việc chuyển trả 35 bó thanh nhiên liệu HEU chưa qua sử dụng (gồm 5 kg Uranium HEU). Trong lúc chờ đợi trao trả, 106 bó thanh nhiên liệu HEU (gồm 11 kg Uranium HEU) còn lại đã qua sử dụng được ngâm nước trong bể chứa nhiên liệu Uranium chuyên dùng thiết kế ngay trong lò phản ứng nhằm làm nguội và ngăn cản nguồn phóng xạ lan tỏa ra bên ngoài. Và đợt 2, đợt cuối cùng, việc chuyển trả 11kg Uranium HEU diễn ra ngày 3/7/2013 vừa qua.
Việc hoàn thành chuyển trả về Nga tất cả các thanh nhiên liệu Uranium có độ giàu cao HEU từ LPUDL có một ý nghĩa to lớn, chứng tỏ Việt Nam thực sự tuân thủ các quy định quốc tế về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục tiêu dân sự như đã cam kết.
Đó là Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân NPT (VN tham gia năm 1982), Hiệp ước CTBT cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (VN ký kết năm 1996 và phê chuẩn năm 2006). Việt Nam cũng đã ký Hiệp định Bảo đảm An ninh toàn diện với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) có hiệu lực vào năm 1990 và cũng trở thành một thành viên của Hiệp ước phi vũ khí hạt nhân khu vực Đông Nam Á (Hiệp ước Băng Cốc).
Tất cả những việc làm trên đây, một lần nữa, không chỉ thể hiện điều mà Tổ chức The Nuclear Threat Initiative (viết tắt là NIT) đã khẳng định rằng “Việt Nam không sở hữu vũ khí hạt nhân…hoặc các chương trình phát triển loại vũ khí đó”, còn chứng tỏ Việt Nam bằng hành động cụ thể tuân thủ đường lối chống lan truyền vũ khí hạt nhân trên toàn cầu.
Trần Minh