Nhiều tổ chức ngại chia sẻ thông tin sự cố vì sợ ảnh hưởng uy tín

Diễn tập quốc tế APCERT là diễn tập thường niên của Hiệp hội các tổ chức ứng cứu khẩn cấp sự cố máy tính - mạng của các quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Năm nay, chương trình diễn tập này có chủ đề “Data Breach through Security Malpractice - Lộ lọt dữ liệu do không tuân thủ bảo mật”.

Diễn ra trong cả ngày 25/8, diễn tập quốc tế APCERT 2022 do Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT triển khai cho các đơn vị trong nước tham gia theo hình thức trực tuyến. 

{keywords}
VNCERT/CC vừa đầu mối tham gia với diễn tập quốc tế APCERT 2022, đồng thời điều phối diễn tập mở rộng ở các điểm cầu online.

Phát biểu khai mạc diễn tập, Phó Giám đốc VNCERT/CC Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, trong Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, an toàn, an ninh mạng được nêu thành một tiêu chí riêng, bên cạnh 9 tiêu chí về xây dựng thể chế, hạ tầng, nền tảng số, dữ liệu số... phục vụ cho phát triển nền móng cho Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Chỉ thị 02 hồi tháng 4 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số cũng đã yêu cầu các tổ chức phải triển khai đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin mạng.

“Điều đó có nghĩa là, song song với việc ứng dụng và phát triển CNTT, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải luôn đối mặt với các nguy cơ tấn công mạng, cần phải đưa ra yêu cầu đảm bảo an toàn thông tin mạng ngay từ khâu thiết kế; đảm bảo an toàn thông tin mạng phải hiện diện trong mọi giai đoạn từ xây dựng đến triển khai và vận hành”, ông Nguyễn Hữu Nguyên nhấn mạnh.

Vị đại diện VNCERT/CC cũng cho hay, hằng ngày cả trên thế giới và tại Việt Nam chúng ta vẫn nghe các thông tin về những sự cố tấn công mạng, các lỗ hổng mới. Đặc biệt là, các lỗ hổng nghiêm trọng vẫn tiếp tục được phát hiện, gia tăng về số lượng.

Nhiều phương thức tấn công khác nhau được huy động, kể cả các cách thức tấn công cũ, các loại mã độc cũ vẫn được sử dụng để khai thác những điểm yếu của các hệ thống thông tin, khai thác các lỗi trong vận hành do bất cẩn của người sử dụng.

Đáng chú ý, điểm chung hiện nay không chỉ riêng ở Việt Nam mà cả trên thế giới, là việc chia sẻ thông tin khi xảy ra sự cố còn rất hạn chế, vì nhiều lý do. Trong đó, có lý do chủ quan của đơn vị xảy ra sự cố sợ bị ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín hoạt động kinh doanh mình. “Sự hạn chế chia sẻ các thông tin sự cố dẫn đến tình trạng sự cố tiếp tục xảy ra ở nhiều nơi, gây hậu quả lớn cho nền kinh tế và toàn xã hội”, đại diện VNCERT/CC nhận định.

Nâng cao năng lực phòng thủ, ứng phó với tấn công mạng

Theo Ban tổ chức, với diễn tập quốc tế APCERT 2022, Việt Nam mà đại diện là VNCERT/CC tham gia cùng 32 đội đến từ hơn 20 quốc gia. Còn ở trong nước, VNCERT/CC cũng được giao làm cơ quan điều phối diễn tập mở rộng cho tất cả các đơn vị là thành viên Mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia. Tính đến thời điểm khai mạc diễn tập, có 108 đơn vị với hơn 420 cán bộ, nhân viên kỹ thuật trong nước tham gia qua các điểm cầu trực tuyến.

{keywords}
Diễn tập quốc tế APCERT 2022 có chủ đề "Lộ lọt dữ liệu do không tuân thủ bảo mật”.

Với chủ đề "Lộ lọt dữ liệu do không tuân thủ bảo mật”, tình huống diễn tập được dẫn dắt từ yêu cầu trả tiền chuộc để không bị công bố các dữ liệu quan trọng của tổ chức. Kịch bản hướng dẫn các đội tham gia thực hiện các bước phân tích dữ liệu liên quan để tìm hiểu nguyên nhân sự cố. Người chơi được yêu cầu thực hiện các bước phân tích như phân tích email, các gói tin, các nhật ký log được lưu trữ... để làm rõ phương thức tấn công và các tác hại lên hệ thống.

“Kịch bản diễn tập năm nay cũng nhắc đến một nguyên nhân sự cố mà nhiều tổ chức gặp phải, đó là vấn đề về con người vận hành. Chỉ 1 chút bất cẩn, người vận hành đã vô tình mang mã độc vào hệ thống và gây ra hậu quả nghiêm trọng”, đại diện Ban tổ chức thông tin.

Đơn vị tổ chức diễn tập kỳ vọng, qua hoạt động diễn tập, các đơn vị sẽ nâng cao hơn nữa năng lực phòng thủ, phát hiện và xử lý tấn công; phát hiện các điểm yếu của hệ thống để khắc phục và tăng cường luyện tập ứng phó với các sự cố tấn công mạng.

Việc triển khai các diễn tập theo các tình huống phổ biến như tại diễn tập quốc tế APCERT 2022 cũng giúp các đơn vị tiếp cận và học hỏi từ thực tế. Ngoài việc duy trì kết nối, chia sẻ thông tin thông qua diễn tập, vấn đề quan trọng hơn cả với các đơn vị vẫn là trau dồi khả năng phát hiện, phân tích và ứng phó trong các tình huống cụ thể.

Vân Anh

Xác thực không mật khẩu có thể tạo ra cách mạng bảo vệ dữ liệu người dùng

Xác thực không mật khẩu có thể tạo ra cách mạng bảo vệ dữ liệu người dùng

Nhấn mạnh sự cần thiết sử dụng các giải pháp xác thực mạnh, đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho rằng, phương thức xác thực không mật khẩu có thể tạo ra cách mạng bảo vệ dữ liệu người dùng.