Triển khai kế hoạch xây dựng Pháp lệnh Khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh

Là một trong những quốc gia chịu hậu quả nặng nề của bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, trong nhiều năm qua Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện các chiến dịch thu gom, rà phá bom mìn nhằm giải phóng đất đai, phục vụ an sinh cho nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội. Các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân của bom mìn cũng luôn được ưu tiên, đẩy mạnh triển khai.

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo thông tin về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam, hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống bom mìn 4/4.

Ước tính hiện số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam khoảng 800.000 tấn, tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn khoảng 6,1 triệu ha, chiếm 18,31% tổng diện tích của cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63 tỉnh, thành phố. Do đó, để làm sạch hoàn toàn những vùng đất bị ô nhiễm, đem lại cuộc sống an toàn cho nhân dân phải cần rất nhiều thời gian và nguồn lực.

Dự kiến, trong năm 2023, Ban Chỉ đạo Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh sẽ xây dựng hoàn chỉnh Chiến lược quốc gia về giáo dục nguy cơ tai nạn bom mìn để trình Chính phủ ban hành làm cơ sở xây dựng kế hoạch và nội dung thực hiện đồng bộ, thống nhất trong phạm vi toàn quốc. Đặc biệt, cơ quan chức năng cũng sẽ hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị xây dựng pháp lệnh khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét vào tháng 7/2023.

 Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) cho biết, đến nay Chính phủ đã ban hành 6 thông tư mới trong lĩnh vực rà phá bom, các quy định mới được xây dựng đã tiệm cận với Tiêu chuẩn hành động mìn quốc tế của Liên hợp quốc. Những thay đổi này mang tính chất tiến tiến, khoa học hơn và có nhiều yếu tố kỹ thuật mới trong rà phá, hỗ trợ nạn nhân bom mìn.

"Việt Nam đã chính thức tham gia và trở thành thành viên tích cực của ban đánh giá Tiêu chuẩn hành động mìn quốc tế do Cơ quan Hành động Bom mìn Liên hợp quốc (UNMAS) chủ trì, đánh dấu vai trò, vị thế của Việt Nam trong việc thực hiện Tiêu chuẩn hành động mìn quốc tế," ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay.

Việt Nam rất quan tâm khắc phục hậu quả bom mìn, trợ giúp xã hội

Trong hơn 7,06 triệu người khuyết tật trên cả nước có hàng vạn người là nạn nhân bom mìn và bị phơi nhiễm chất độc hoá học da cam/dioxin.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết sau chiến tranh, Việt Nam rất quan tâm đến việc khắc phục hậu quả bom mìn bao gồm rà phá bom mìn, trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn, tái hòa nhập cộng đồng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Tại buổi họp báo, bà Phạm Thị Hải Hà, Phó cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) cho biết, sau chiến tranh, Việt Nam rất quan tâm đến việc khắc phục hậu quả bom mìn, bao gồm rà phá bom mìn, trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn tái hoà nhập cộng đồng và tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân.

"Các công việc này đã và đang được các Bộ, ngành và các địa phương triển khai tích cực. Đặc biệt, công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn, tái hoà nhập cộng đồng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, phần nào đáp ứng được nhu cầu của đối tượng, tạo điều kiện để nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng. Nạn nhân bom mìn có nhu cầu được phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội từ Nhà nước và cộng đồng để có thể tham gia vào các hoạt động học tập, lao động, kinh tế, xã hội.

Những dịch vụ thiết yếu cho nạn nhân bom mìn gồm: Chỉnh hình, phục hồi chức năng; tư vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý, vật lý trị liệu, điều trị qua lao động, công tác xã hội, ngôn ngữ trị liệu, đào tạo nghề, dịch vụ việc làm, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội...", bà Phạm Thị Hải Hà chia sẻ.

Hải Đông