K=K (không phát hiện=Không lây truyền) nghĩa là một người nhiễm HIV uống thuốc kháng vi rút (ARV) hàng ngày theo chỉ định, đạt được và duy trì tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện sẽ thực sự không có nguy cơ làm lây truyền HIV sang cho bạn tình của họ qua đường tình dục. Tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện được định nghĩa là dưới 200 bản sao/1ml máu.

Việt Nam là nước thứ 3 trên thế giới thực hiện chiến dịch K=K và là nước đầu tiên ở châu Á đi tiên phong trong chiến dịch này. Năm 2021 là năm thứ 3 triển khai Chiến dịch K=K kể từ Lễ khởi động Chiến dịch Truyền thông Quốc gia về Không phát hiện bằng Không lây truyền (K=K) vào năm 2019. Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên trong các nước PEPFAR ban hành Hướng dẫn truyền thông về K=K nhằm khuyến khích tất cả những người có nguy cơ đi xét nghiệm HIV với mục đích điều trị sớm bằng thuốc kháng vi rút cho những người có HIV và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) với mục đích dự phòng cho những người âm tính với HIV. Bằng cách này, có thể ngăn chặn sự lây truyền HIV.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cam kết thực hiện mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 của Liên Hợp Quốc.

Trong đó, 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virut (ARV) và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp (dưới 1000 bản sao/ml) để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.

anhminhhoa.png

Việt Nam đang trong tiến trình triển khai các can thiệp nhằm hướng đến kết thúc bệnh dịch AIDS vào năm 2030. Đến nay chúng ta đã đạt được các kết quả rất đáng khích lệ. Cụ thể: Đạt 89% đối với mục tiêu 90 thứ nhất (90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình); Đạt 80% đối với mục tiêu 90 thứ 2 (90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV) với việc điều trị ARV cho trên 178.000 người nhiễm HIV; Đạt 98% đối với mục tiêu 90 thứ 3 (90% người điều trị bằng thuốc ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng phát), vượt chỉ tiêu.

Theo đó, tỉ lệ người bệnh điều trị ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế đã liên tục duy trì trên 95% qua các năm. Năm 2023, lần đầu tiên độ bao phủ xét nghiệm tải lượng HIV đạt trên 80%, tỉ lệ người bệnh có tải lượng dưới ngưỡng ức chế tiếp tục được duy trì trên 98%.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, khi tải lượng HIV dưới 1000 bản sao/ml thì gần như người nhiễm HIV không làm lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục. Vì vậy, kết quả 98% người nhiễm HIV điều trị có tải lượng dưới ngưỡng ức chế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc làm giảm tình trạng lây nhiễm HIV tại Việt Nam, khi mà lây truyền qua quan hệ tình dục đang trở thành đường lây truyền chính hiện nay tại Việt Nam.

Để đạt được điều trị ARV bảo đảm chất lượng và hiệu quả cao, việc triển khai xét nghiệm CD4 để phát hiện sớm tình trạng HIV tiến triển, thực hiện xét nghiệm tải lượng HIV định kỳ là rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều vấn đề trong việc thực hiện các xét nghiệm này. Độ bao phủ xét nghiệm tải lượng HIV mặc dù đạt được 80% nhưng vẫn chưa đáp ứng chỉ tiêu của Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo.

Ngoài ra, thời gian trả kết quả xét nghiệm vẫn còn chậm, có nơi kéo dài trên 1 tháng (mặc dù quy định là sau 05 ngày làm việc thì cơ sở xét nghiệm cần trả kết quả cho cơ sở điều trị). Tỉ lệ người bắt đầu điều trị ARV được xét nghiệm CD4 vẫn ở mức thấp.

Trong năm 2023, công tác phòng chống HIV/AIDS cũng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó, phải kể đến công tác tác xét nghiệm sàng lọc HIV đã bao phủ 100% tuyến huyện với hơn 1.300 cơ sở và xét nghiệm khẳng định HIV đã bao phủ 100% tỉnh/thành phố với 204 phòng xét nghiệm khẳng định.

Tăng cường năng lực cảnh báo cho 45 tỉnh và nâng cao năng lực thực hiện PHCR cho 29 tỉnh. Thông qua dữ liệu các trường hợp mới được báo cáo, xét nghiệm gần đây và xác định các khoảng trống, hoàn thiện PHCR điển hình, ví dụ ở Kiên Giang, Cần Thơ và Cao Bằng. Xét nghiệm nhiễm mới đã được triển khai 33 tỉnh/thành phố trên cả nước.

Bên cạnh đó, ngành y tế cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý và giám sát dịch HIV. Đến nay, hệ thống thông tin quản lý người nhiễm HIV (HIV-INFO) phiên bản 4.0 và phần mềm quản lý điều trị PREP, ARV, cung ứng thuốc (HMED) đã được triển khai cho 63 tỉnh. Triển khai các hoạt động về Tele PrEP.

Nhóm PV