Đây là nghiên cứu mới nhất do Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Justus Liebig Giessen, CHLB Đức thực hiện với sự tài trợ của Tổ chức Hanns Seidel Foundation và sự hợp tác của nhóm chuyên gia đến từ các cơ quan khác nhau của Việt Nam.
Việt Nam - một nền kinh tế mới nổi với quá trình già hóa dân số đang diễn ra |
Nghiên cứu thuộc khuôn khổ dự án xuất bản Báo cáo Quốc gia thường niên về Việt Nam. Dự án sẽ đưa ra những nhận định chuyên sâu và thông tin độc lập cập nhật về các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội thu hút nhiều sự quan tâm trong xã hội Việt Nam hiện đại.
Ông Michael Siegner, Trưởng đại diện tổ chức Hanns Seidel Foundation tại Việt Nam phát biểu: "Những tiến bộ về y tế, xã hội và kinh tế đã dẫn đến tuổi thọ tăng lên và mức sinh giảm đi, làm dịch chuyển sự phân bố dân số theo hướng già hóa trên toàn thế giới và Việt Nam không phải là một ngoại lệ".
"Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam – một nền kinh tế mới nổi với quá trình già hóa dân số đang diễn ra và cuối cùng là một lực lượng dân số già? Đây thực sự là một câu hỏi lớn, cần được các bên liên quan, bao gồm các nhà hoạch định chính sách, giới nghiên cứu, khu vực tư nhân và các nhà hoạt động xã hội quan tâm, chú ý".
Báo cáo Quốc gia - Việt Nam: Một xã hội đang già hóa bao gồm 9 bài viết, được trình bày bằng tiếng Việt và tiếng Anh, với các chủ đề: Chính sách xã hội cho một dân số đang già hóa tại Việt Nam, biến đổi nhân khẩu học ở Việt Nam, người cao tuổi và lương hưu ở Việt Nam, già hóa và sức khỏe, tổng quan về chăm sóc xã hội ở Việt Nam, vai trò của tổ chức xã hội trong thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với người cao tuổi ở Việt Nam, sự thay đổi hình ảnh người cao tuổi ở Việt Nam, các dân tộc thiểu số và chính sách xã hội ở Việt Nam, chính sách dân số trong quá trình chuyển đổi và một phần cung cấp các thông tin chung, các ấn phẩm và sự kiện có liên quan.
Trình bày các kết quả nghiên cứu chính trong Báo cáo quốc gia ấn phẩm đầu tiên - Việt Nam: Một xã hội đang già hóa, GS. TS. Phạm Quang Minh - đồng chủ biên của báo cáo cho biết: "Sự dịch chuyển nhân khẩu học ở Việt Nam diễn ra nhanh hơn các nước khác. Cơ cấu dân số vàng ở Việt Nam chỉ kéo dài trong ba thập kỷ, từ 2005 đến 2035. Người dân Việt Nam "chưa giàu đã già" vì đa số người cao tuổi mắc các bệnh không lây nhiễm".
"Do đó, nhu cầu các dịch vụ xã hội cần thiết cho người cao tuổi ngày càng tăng. Tuy nhiên, mức độ đáp ứng của các dịch vụ này còn khá hạn chế và không phải người cao tuổi nào cũng tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc xã hội".
Báo cáo đưa ra một số khuyến nghị: Tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; Thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số; Thực hiện một chính sách xã hội quốc gia từ "trợ giúp khẩn cấp" sang giúp đỡ người dân sao cho họ có thể "tự giúp chính mình", "tự bảo vệ mình trước các rủi ro"; Thử nghiệm và phát triển các mô hình mới, phối hợp nỗ lực giữa các tổ chức xã hội với gia đình và thiết chế thị trường nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người cao tuổi trong bối cảnh mới.
Báo cáo quốc gia thứ hai với chủ đề "Chính sách môi trường ở Việt Nam" dự kiến sẽ được xuất bản vào tháng 10.
Đức Bảo
Trực tuyến: Hiến kế nâng cao chất lượng dân số Việt Nam
Trong hai giờ, đại diện 3 bệnh viện đầu ngành giải đáp nhieuf thắc mắc liên quan dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước kết hôn; chẩn đoán, điều trị bệnh tật trước sinh, sơ sinh, sẽ phổ cập tại Việt Nam thời gian tới.