Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (tiếng Anh: International Covenant on Civil and Political Rights, viết tắt: ICCPR) là một công ước quốc tế do Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 16/12/1966, có hiệu lực từ ngày 23/3/1976. Công ước là một phần của hệ thống Luật Nhân quyền quốc tế, cùng với Công ước Quốc tế về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa và Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền được đặt dưới sự giám sát riêng của Ủy ban Nhân quyền, độc lập với Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. 

Hơn 40 năm gia nhập Công ước ICCPR, Việt Nam đã có những bước phát triển trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, trong đó có pháp luật về các quyền dân sự, chính trị để thực hiện nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ các quyền con người tại Việt Nam.

Điều này được minh chứng thông qua công tác: (i) Xây dựng, hoàn thiện pháp luật về các quyền dân sự, chính trị; (ii) Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các quyền dân sự, chính trị với nhiều kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Công ước ICCPR ở cấp độ quốc gia; (iii) Tăng cường thực thi pháp luật trong tất cả các lĩnh vực và (iv) Thực hiện nghĩa vụ xây dựng báo cáo quốc gia định kỳ thực thi Công ước ICCPR với 04 lần nộp báo cáo quốc gia lần lượt vào các năm 1989, 2001, 2017 và 2023.

dac sac le hoi a da cua dong bao ta oi 1.jpg
Ảnh minh hoạ

Chỉ tính riêng giai đoạn từ tháng 01/2019 đến tháng 12/2022, Việt Nam đã thông qua 56 luật, nghị quyết của Quốc hội có liên quan đến quyền con người, quyền công dân, góp phần cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 cũng như các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên như: Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Giáo dục năm 2019, Luật Cư trú năm 2020, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2021, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, Luật Thanh tra năm 2022, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022…

Bên cạnh đó, để thực hiện nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ các quyền con người, Việt Nam không ngừng hoàn thiện khung khổ pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước, theo đó, xác định rõ ràng hơn thẩm quyền của các cơ quan nhà nước có liên quan đến bảo vệ, bảo đảm quyền con người. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành từng loại văn bản quy phạm pháp luật, trong đó quy định trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động trực tiếp, đánh giá tác động về giới... Các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình đề xuất, xây dựng đều được đánh giá để bảo đảm sự phù hợp với các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Các văn bản quy phạm pháp luật cũng có thể được kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ thi hành; xây dựng và thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn để bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Ngoài việc hoàn thiện khung khổ pháp luật để trực tiếp ghi nhận, bảo vệ quyền con người, Việt Nam cũng tích cực hoàn thiện khung khổ pháp luật có liên quan để tạo điều kiện cho các cá nhân được thụ hưởng quyền của mình ở mức độ cao nhất có thể.

Hiện nay, Việt Nam có nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để hỗ trợ các cá nhân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương được tiếp cận thông tin, hiểu rõ hơn và có cơ hội thực hiện quyền của mình, chẳng hạn như: Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012,…

Một số quy định chung của Công ước:

- Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá.

- Vì lợi ích của mình, mọi dân tộc đều có thể tự do định đoạt tài nguyên thiên nhiên và của cải của mình, miễn là không làm phương hại đến các nghĩa vụ phát sinh từ hợp tác kinh tế quốc tế mà dựa trên nguyên tắc các bên cùng có lợi và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không được phép tước đi những phương tiện sinh tồn của một dân tộc.

- Các quốc gia thành viên Công ước này, kể cả các quốc gia có trách nhiệm quản lý các Lãnh thổ uỷ trị và các Lãnh thổ Quản thác, phải thúc đẩy việc thực hiện quyền tự quyết dân tộc và phải tôn trọng quyền đó phù hợp với các quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc.

- Các quốc gia thành viên Công ước cam kết tôn trọng và bảo đảm cho mọi người trong phạm vi lãnh thổ và thẩm quyền tài phán của mình các quyền đã được công nhận trong Công ước này, không có bất kỳ sự phân biệt nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hoặc địa vị khác.

- Trong trường hợp quy định trên đây chưa được thể hiện bằng các biện pháp lập pháp hoặc các biện pháp khác, thì mỗi quốc gia thành viên Công ước cam kết sẽ tiến hành các bước cần thiết, phù hợp với trình tự pháp luật nước mình và những quy định của Công ước này, để ban hành pháp luật và những biện pháp cần thiết khác nhằm thực hiện các quyền được công nhận trong Công ước này.

Văn Dương và nhóm PV, BTV