Thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng của Đảng ta, những năm qua, Nhà nước ta đã chủ động, tích cực tham gia hàng nghìn điều ước quốc tế (ĐƯQT) đa phương, song phương điều chỉnh hợp tác quốc tế trên mọi lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng,… trong đó có hàng trăm điều ước điều chỉnh hợp tác quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm.

W-phienhop.png
Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 

Theo TS Vũ Ngọc Hùng và Ths Vũ Thị Minh Thuý, (Bộ Công an): Việt Nam đã ký kết, gia nhập và trở thành thành viên của 23 điều ước quốc tế đa phương điều chỉnh trong lĩnh vực phòng, chống các loại tội phạm ma túy, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; tham nhũng; xâm phạm quyền trẻ em; mua bán người, rửa tiền, khủng bố và tài trợ khủng bố...

Nội luật hóa quy định Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (UNTOC) và Nghị định thư về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em bổ sung Công ước UNTOC (Nghị định thư TIP)

Ngày 8/7/2012, Công ước UNTOC và Nghị định thư TIP có hiệu lực với Việt Nam. Ngày 18/4/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 605/QÐ-TTg về phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước UNTOC và Nghị định thư TIP, xác định nhiệm vụ: "Rà soát để hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành pháp luật về phòng, chống tội phạm cho phù hợp với Công ước và Nghị định thư, trong đó, tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Tương trợ tư pháp, Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Phòng, chống rửa tiền".

Ngày 27/11/2015, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) được ban hành đã có những sửa đổi cơ bản và toàn diện về nhóm các tội phạm có tổ chức, tội phạm có yếu tố nước ngoài. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện quy định về đồng phạm (Ðiều 17) để bảo đảm xử lý toàn diện trách nhiệm hình sự đối với hành vi tham gia vào một nhóm tội phạm có tổ chức theo quy định tại Ðiều 5 Công ước; quy định chặt chẽ các yếu tố định tội, các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và quy định hình phạt nghiêm khắc đối với tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia như: tội phạm kinh tế, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, rửa tiền, xuất nhập cảnh trái phép, trốn ra nước ngoài...

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) cũng sửa đổi, quy định cụ thể, minh bạch hơn về hợp tác quốc tế trong các thủ tục tố tụng hình sự trong điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm nói chung, tội phạm có tổ chức nói riêng, phù hợp quy định tại Ðiều 11 Công ước; về xử lý vật chứng, các biện pháp cưỡng chế về tài sản như kê biên tài sản, phong tỏa tài sản và các quy định về hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản, phù hợp quy định tại các điều 12, 13, 14 Công ước; về thẩm quyền tài phán đối với trường hợp bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài, phù hợp quy định tại Ðiều 15 Công ước.

Nội luật hóa Công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng. Việt Nam là thành viên Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) từ ngày 19/8/2009

Sau hơn 10 năm tham gia Công ước, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong hoàn thiện chính sách, pháp luật. Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung (vào các năm 2009, 2015 và năm 2017) đã dành một chương riêng quy định về các tội phạm về chức vụ và tham nhũng gồm bảy điều: Tham ô tài sản (Ðiều 353); Nhận hối lộ (Ðiều 354); Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Ðiều 355); Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Ðiều 356); Lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Ðiều 357); Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Ðiều 358) và Tội giả mạo trong công tác (Ðiều 359).

Ngoài các tội phạm về chức vụ, Bộ luật Hình sự còn quy định các tội phạm được thực hiện bằng hành vi mang tính vụ lợi, như: Ðưa hối lộ (Ðiều 364); Môi giới hối lộ (Ðiều 363) và tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi (Ðiều 366).

Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) mở rộng phạm vi chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự ở khu vực ngoài nhà nước, như khoản 6 Ðiều 353 về tội tham ô tài sản: "Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước mà tham ô tài sản thì bị xử lý theo quy định của Ðiều này"; khoản 6 Ðiều 354 về tội nhận hối lộ: "Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước mà nhận hối lộ thì bị xử lý theo quy định của Ðiều này"...

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 cũng thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Ðảng và Nhà nước ta trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng và thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc nâng cao mức độ tuân thủ Công ước khi quy định nhiều biện pháp mới, như mở rộng chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn, kèm theo các hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức ở khu vực ngoài nhà nước (hành vi tham ô, nhận hối lộ, đưa hối lộ và môi giới hối lộ), từ đó quy định các cơ chế, biện pháp phù hợp hơn...

Việt Nam cũng đang từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng nâng cao mức độ tương thích và tuân thủ nhiều yêu cầu của Công ước về phòng ngừa, thực thi pháp luật, thu hồi tài sản và hợp tác quốc tế, tăng cường quản lý, sử dụng có hiệu quả tài chính công, tài sản công, mua sắm công... (Luật Cán bộ, công chức năm (2008) và Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Luật Thi hành án hình sự năm 2019, Luật Ðầu tư công năm 2019, Luật Chứng khoán năm 2019, Luật Tố cáo năm 2018, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật Ðầu tư năm 2020, Luật Ðấu thầu năm 2013, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022...).

Nội luật hóa quy định về tội phạm rửa tiền theo các điều ước quốc tế và khuyến nghị của các tổ chức quốc tế về rửa tiền, tài trợ khủng bố

Theo quy định của các Công ước UNTOC, UNCAC và các điều ước quốc tế chống ma túy, phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, Việt Nam đã xây dựng, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật, có thể kể đến: Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2013 (nay đã được thay thế bằng Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022); Bộ luật Dân sự 2015; các Nghị định 116/2013/NÐ-CP ngày 4/10/2013; Nghị định 122/2013/NÐ-CP ngày 11/10/2013; Nghị định 96/2014/NÐ-CP ngày 17/10/2014; Thông tư số 35/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013; Thông tư 31/2014/TT-NHNN ngày 11/11/2014; Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC ngày 30/11/2011.

Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định rõ hơn các dạng hành vi, chủ thể, hình thức rửa tiền phù hợp quy định tại Ðiều 6 Công ước UNTOC (Ðiều 324 Bộ luật Hình sự); bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội rửa tiền và các loại tội phạm có liên quan. Nhờ đó, tháng 2/2014, thông qua đánh giá, FATF ghi nhận Việt Nam đã có khuôn khổ pháp lý toàn diện về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và không còn là đối tượng giám sát của FATF theo quy trình giám sát liên tục về tính tuân thủ toàn cầu về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố.

Mới đây nhất, trước diễn biến phức tạp về hoạt động phạm tội liên quan đến rửa tiền, đặc biệt trong các lĩnh vực: bất động sản, thị trường chứng khoán, kinh doanh trực tuyến; kinh doanh tiền ảo, tiền kỹ thuật số..., Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2022 (có hiệu lực từ ngày 1/3/2023) đã sửa đổi, bổ sung theo khuyến nghị của quốc tế về phòng, chống rửa tiền và tiệm cận hơn các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Hệ thống các quy định pháp luật điều chỉnh lĩnh vực hợp tác quốc tế trong hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng từng bước hoàn thiện. Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 quy định về hợp tác quốc tế trong các hoạt động tố tụng hình sự cụ thể, bao quát được những hoạt động chủ yếu trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự.

Hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm được đẩy mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu, nhờ đó đã giải quyết được nhiều vụ án tham nhũng, rửa tiền, kể cả khi đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài, như Vụ án xảy ra tại Vinashinlines, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an phối hợp với Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) truy nã và dẫn giải đối tượng Giang Kim Ðạt từ nước ngoài về nước để truy tố, xét xử...

Tính đến hết tháng 11/2022, theo Báo cáo hoạt động tương trợ tư pháp của Chính phủ hằng năm, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã phối hợp, gửi ra nước ngoài 2.164 yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự; thụ lý, giải quyết 1.193 yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự do nước ngoài đề nghị liên quan nhiều loại tội phạm, trong đó có tội phạm về tham nhũng, kinh tế, ma túy…

Từ năm 2013 đến tháng 11/2022, Việt Nam đã tiếp nhận, xử lý 24 hồ sơ yêu cầu dẫn độ của nước ngoài; lập và chuyển 48 hồ sơ yêu cầu dẫn độ đối tượng từ nước ngoài về Việt Nam; tiếp nhận 62 hồ sơ yêu cầu chuyển giao phạm nhân cho phía nước ngoài; tiếp nhận 52 yêu cầu của nước ngoài đề nghị chuyển công dân Việt Nam đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam tiếp tục chấp hành án.

Thực hiện nhất quán chính sách đối ngoại là bạn, là đối tác và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam cam kết thực thi tận tâm và thiện chí các quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việc thực thi đó được tổ chức bằng nhiều phương thức nhưng quan trọng nhất là nội luật hóa, chuyển các quy định của điều ước quốc tế thành quy định của pháp luật trong nước.

Thông qua quá trình nội luật hóa, những quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên sẽ được thực thi kể cả trong trường hợp pháp luật Việt Nam chưa có quy định đầy đủ. Trường hợp pháp luật trong nước (từ luật trở xuống) có quy định khác hoặc trái với điều ước quốc tế, thì các văn bản quy phạm pháp luật thường ghi nhận việc ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế.

Văn Thường và nhóm PV, BTV