Thực hiện hàng nghìn lượt yêu cầu liên quan tương trợ tư pháp hình sự, truy bắt tội phạm nước ngoài

Tội phạm xuyên quốc gia là một trong những mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu. Các loại tội phạm xuyên quốc gia nguy hiểm và phổ biến nhất hiện nay có thể kể đến như khủng bố, buôn bán người, buôn bán trái phép vũ khí, các tội phạm về ma túy, cướp biển...

Những loại tội phạm này đặt ra thách thức lớn đối với pháp luật, sự phát triển kinh tế - xã hội và vấn đề bảo vệ quyền con người tại mỗi quốc gia. Đặc biệt, tội phạm xuyên quốc gia có thể làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người dân, đe dọa an ninh con người thông qua việc hạn chế khả năng tiếp cận các cơ hội việc làm và giáo dục.

Từ khi gia nhập ASEANAPOL đến nay, thông qua kênh hợp tác này lực lượng Cảnh sát Việt Nam tiếp nhận và xử lý hàng nghìn thông tin tội phạm xuyên quốc gia. Đồng thời, đã trao đổi thông tin tội phạm và phối hợp điều tra, phát hiện, triệt phá hàng trăm đường dây tội phạm xuyên quốc gia liên quan tới các hoạt động buôn bán ma tuý, buôn người, lừa đảo kinh tế, tài chính và các tội phạm khác.

Cảnh sát Việt Nam phối hợp lực lượng Cảnh sát các nước ASEAN thực hiện hàng nghìn lượt yêu cầu liên quan tương trợ tư pháp hình sự, truy bắt tội phạm nước ngoài lẩn trốn tại Việt Nam và ngược lại. Việt Nam đã hai lần đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị ASEANAPOL, đó là Hội nghị lần thứ 19 (từ 26 - 28 tháng 4/1999) và lần thứ 29 (từ 12 - 16/5/2009).

hoinghi.jpg

Tăng cường quan hệ đối tác, thúc đẩy hòa bình, ổn định và an ninh

Trong những năm qua, ASEAN đã ban hành nhiều văn kiện pháp lý điều chỉnh vấn đề hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia khu vực. Việt Nam là một trong những thành viên chủ động và tích cực trong việc thực thi pháp luật ASEAN về vấn đề này.

Với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác, thúc đẩy hòa bình, ổn định và an ninh”, Hội nghị Tư lệnh Cảnh sát ASEAN (ASEANAPOL) lần thứ 41 đã khai mạc sáng 17/10 tại Thủ đô Vientiane của Lào và kéo dài đến 19/10.

Tham dự hội nghị có hàng trăm đại biểu đến từ 10 nước thành viên ASEANAPOL, các đối tác đối thoại và quan sát viên.

Đoàn đại biểu lực lượng Cảnh sát Việt Nam tham dự hội nghị do Trung tướng Đỗ Văn Hoành, Chánh Văn phòng, Phó Thủ trưởng Thường trực Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an Việt Nam làm Trưởng đoàn.

hội nghị được tổ chức trong bối cảnh hoạt động tội phạm xuyên quốc gia sử dụng công nghệ hiện đại để phạm tội đang ngày càng tinh vi, trở thành thách thức, mối đe dọa trực tiếp và gián tiếp đối với sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội cũng như đời sống của người dân trong khu vực và trên thế giới; khẳng định việc ngăn chặn, đấu tranh với hình thức tội phạm này là một nhiệm vụ quan trọng, trực tiếp, nặng nề và tất yếu, đòi hỏi phải tập trung tăng cường hợp tác cả ở cấp độ khu vực và quốc tế.

Để đáp ứng nhu cầu chống tội phạm xuyên quốc gia trong thời đại toàn cầu hóa và để ASEANAPOL trở thành nền tảng hợp tác trong lĩnh vực cảnh sát, Bộ trưởng Bộ Công an Lào đã đưa ra 6 đề xuất, trong đó có việc đề nghị ASEANPOL tiếp tục đoàn kết, hợp tác trong nỗ lực phòng ngừa, trấn áp và đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là buôn bán ma túy, hóa chất, buôn bán người...

Phối hợp thực hiện các chính sách, chiến lược và pháp luật khác liên quan đến giải quyết vấn đề tội phạm xuyên quốc gia cũng như xây dựng và triển khai Tuyên bố chung của hội nghị hàng năm để đạt kết quả tốt; tập trung nâng cao vai trò của Ban Thư ký ASEANPOL để trở thành tổ chức đại diện quan trọng của Cảnh sát các nước thành viên ASEAN trong hợp tác, phối hợp, thu thập thông tin phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Hội nghị năm nay dự kiến sẽ thảo luận, trao đổi ý kiến về công tác hợp tác cảnh sát giữa các nước thành viên ASEANPOL, các đối tác đối thoại và quan sát viên nhằm giải quyết các vấn đề tội phạm xuyên quốc gia như buôn bán ma túy, khủng bố, buôn bán người, buôn bán vũ khí, buôn bán trái phép động vật hoang dã, tội phạm hàng hải, tội phạm thương mại và giả mạo thẻ tín dụng, lừa đảo xuyên quốc gia, giả mạo giấy thông hành, tội phạm máy tính...

Việc các cơ quan ASEANPOL, các nước đối tác và quan sát viên tăng cường hợp tác cả ở cấp độ khu vực và quốc tế không chỉ giúp tăng cường quan hệ trong ASEAN nói riêng và các nước đối tác nói chung, mà còn giúp thúc đẩy hòa bình, ổn định và an ninh tại khu vực và trên thế giới, cơ sở quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mọi quốc gia.

Thành công đáng kể trong nội luật hoá các yêu cầu của ACTIP

Trong xu thế hội nhập toàn cầu, bên cạnh mặt tích cực thì cũng kéo theo nhiều yếu tố tiêu cực, một trong số đó là tội phạm xuyên quốc gia.

Trong những năm qua, tình hình tội phạm xuyên quốc gia tại Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á có xu hướng tăng dần về cả số vụ, việc lẫn tính chất, mức độ nghiêm trọng. Tại Việt Nam, tội phạm xuyên quốc gia nổi bật nhất có thể kể đến là tội phạm buôn bán người, tội phạm ma túy, tội phạm công nghệ cao.... Đồng thời, ở một số nước trong khu vực cũng xuất hiện nhiều băng nhóm tội phạm người Việt Nam, với các hoạt động như buôn lậu ma túy, vũ khí, rửa tiền, buôn bán phụ nữ và trẻ em.

Không thể phủ nhận rằng Việt Nam đã có những nỗ lực lớn trong việc xây dựng, củng cố chính sách và pháp luật nhằm hỗ trợ hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và trừng trị tội phạm xuyên quốc gia. Trong lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, Việt Nam đã đạt được một số thành công đáng kể. Pháp luật Việt Nam đã nội luật hóa được hầu hết những nội dung đã được ghi nhận trong các công ước của ASEAN về tội phạm xuyên quốc gia.

Về cơ bản, theo yêu cầu của Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (ACTIP), Việt Nam đã hình sự hóa các hành vi như buôn bán người, tham nhũng, hành vi hợp pháp hóa tài sản do phạm tội mà có và hành vi cản trở hoạt động tư pháp...

Đối với các quy định nhằm trừng trị người phạm tội, pháp luật Việt Nam đã bảo đảm hình phạt đưa ra cân xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi, như việc đưa ra hình phạt nghiêm khắc hơn dành cho người thực hiện hành vi phạm tội đối với trẻ em, người khuyết tật... Tương tự, trên cơ sở phù hợp với quy định của ACCT, Việt Nam cũng đã hình sự hóa tội phạm khủng bố, tài trợ khủng bố, rửa tiền và các hành vi khác liên quan đến tội phạm này.

Ngoài ra, một số tội phạm xuyên quốc gia khác như tội phạm ma túy, tội phạm công nghệ cao, tội buôn bán vũ khí,... cũng được hình sự hóa theo pháp luật hình sự Việt Nam. Với tinh thần phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực, bên cạnh việc ban hành các quy phạm pháp luật, Việt Nam vẫn không ngừng đưa ra các chương trình, kế hoạch hành động nhằm triển khai hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm. 

Thùy Chi và nhóm PV, BTV