Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự được thông qua ngày 19 tháng 12 năm 2018, trong đó Việt Nam là thành viên. Đây là Thỏa thuận liên chính phủ đầu tiên về di cư hướng đến tăng cường quản trị di dân toàn cầu nhằm ứng phó với những thách thức hiện nay của di cư và thúc đẩy sự đóng góp của người di cư đối với phát triển bền vững, qua đó thực hiện hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” được nêu tại Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc vì sự phát triển bền vững.

Ảnh minh hoạ

Tháng 9 năm 2016, tại New York, Hoa Kỳ 193 nước thành viên Liên hợp quốc đã thông qua Tuyên bố New York về Người tị nạn và Người di cư, trong đó đã thống nhất hợp tác xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (gọi tắt là Thỏa thuận GCM). Ngày 06/4/2017, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết A/RES/71/280 quy định lộ trình xây dựng Thỏa thuận GCM gồm 3 giai đoạn đó là: Giai đoạn tham vấn từ tháng 4 đến tháng 11 năm 2017; giai đoạn rà soát  từ tháng 11 năm 2017 đến tháng 1 năm 2018; giai đoạn đàm phán liên chính phủ từ tháng 02 đến tháng 7 năm 2018.

Trong 3 giai đoạn nói trên Liên hợp quốc đã tổ chức 6 cuộc hội thảo chuyên đề với sự tham gia của các bên liên quan để trao đổi, tổng hợp ý kiến xây dựng Thỏa thuận GCM.

Việt Nam đã tích cực tham gia các cuộc họp tham vấn này (Phái đoàn Việt Nam tại Geneva, New York và Vienna đã cử đại diện tham dự). Riêng các cuộc họp chuyên đề quan trọng, Bộ Ngoại giao đã cử cán bộ trực tiếp tham dự.

Trên cơ sở 6 chủ đề tham vấn, căn cứ chính sách, pháp luật và ưu tiên của Việt Nam về di cư, Bộ Ngoại giao đã chủ động nghiên cứu và đề xuất chủ trương đàm phán. Theo đó,  ngày 08/11/2017, Bộ Ngoại giao đã có văn bản xin ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan về dự thảo chủ trương đàm phán của Việt Nam; trong giai đoạn này, các bên liên quan đã tích cực đóng góp ý kiến để xây dựng Bản dự thảo số 0 do Liên hợp quốc cung cấp cho các nước ngày 05/02/2018.

Ngày 17/01/2018, trên cơ sở ý kiến của các Bộ, cơ quan liên quan, Bộ Ngoại giao đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đàm phán các nội dung bao gồm:

Một là,  thúc đẩy di cư hợp pháp để tối ưu hóa những lợi ích kinh tế, xã hội của di cư đối với sự phát triển bền vững của quốc gia, phòng, chống di cư trái phép.

Hai là, giải quyết các vấn đề về nguyên nhân gốc rễ của di cư trái phép.

Ba là, ưu tiên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư, đặc biệt là người di cư lao động.

Bốn là, thúc đẩy quan hệ giữa người di cư và nước gốc, tạo điều kiện cho người di cư trở về và hòa nhập vào xã hội gốc.

Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế, tham gia các cơ chế song phương, khu vực và đa phương trong việc thúc đẩy di cư lao động, phòng, chống di cư trái phép, mua bán người và các hình thức nô lệ thời hiện đại.

Sáu là, hỗ trợ người di cư và giải quyết các vấn đề liên quan đến người di cư do biến đổi khí hậu, thiên tai, khủng hoảng.

Bảy là, nâng cao công tác quản lý di cư của các cơ quan.

Tám là, nâng cao công tác quản lý di cư của các cơ quan chức năng và hoàn thiện chính sách quản lý trong tình hình mới.

Chín là, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di cư làm cơ sở cho hoạch định chính sách.

Ngày 09/02/2018, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với chủ trương nêu trên và giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để chuẩn bị và tham gia đàm phán Thỏa thuận.

Trên cơ sở chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đại diện Việt Nam đã tham gia toàn bộ 6 vòng đàm phán tại New York, Hoa Kỳ, cụ thể như sau:

Trước khi diễn ra vòng đàm phán thứ 2, ngày 05/3/2018, Liên hợp quốc đã chuyển cho các nước bản dự thảo số 0 bổ sung có nội dung tương tự như dự thảo số 0 và cập nhật thêm một số thay đổi về̀ kỹ thuật. Ngày 14/7/2018, Bản dự thảo cuối cùng (final draft) đã được thông qua với sự đồng thuận cao, phản ánh nỗ lực chung của các nước trong việc xây dựng Thỏa thuận GCM thực chất và hiệu quả.

Ngày 03/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã nhất trí thông qua nội dung Thỏa thuận và giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận GCM. Từ ngày 05 đến ngày 11/12/2018 tại Ma-ra-két, Ma-rốc đã diễn ra Hội nghị liên chính phủ thông qua Thỏa thuận GCM với sự tham gia của đại diện của 164 quốc gia thành viên Liêp hợp quốc và hơn 50 tổ chức quốc tế và các bên liên quan. 

Được sự ủy nhiệm của Chính phủ, đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng dẫn đầu tham dự. Thỏa thuận được hầu hết các nước tuyên bố thông qua. Ngày 19/12/2018, Thỏa thuận GCM được thông qua tại kỳ họp Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 73 với 152 phiếu thuận, 5 phiếu chống; 12 nước bỏ phiếu trắng và 24 nước không bỏ phiếu (trong khối ASEAN có Xing-ga-po bỏ phiếu trắng và Bru-nây không bỏ phiếu).

Đây là Thỏa thuận liên chính phủ đầu tiên dưới sự bảo trợ của Liên Hợp quốc được đánh giá là toàn diện, bao trùm tất cả các khía cạnh về di cư quốc tế nhằm mục đích tăng cường hợp tác quốc tế về di cư qua đó góp phần giải quyết các thách thức của di cư và thúc đẩy sự đóng góp của người di cư đối với phát triển bền vững. Thỏa thuận GCM không phải là điều ước quốc tế, không tạo ra nghĩa vụ pháp lý nhưng là cam kết chính trị cấp cao của các quốc gia thành viên Liên Hợp quốc về vấn đề di cư. Việc triển khai Thỏa thuận GCM được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của mỗi nước.

Nhìn lại suốt tiến trình, từ ý tưởng, các phiên đàm phám, thảo luận, có thể thấy Thỏa thuận GCM là kết quả của sự đoàn kết, hợp tác, tinh thần chia sẻ trách nhiệm của các quốc gia hướng tới mục tiêu thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự vì sự phát triển bền vững và bao trùm. Theo công bố ngày 17/9/2019 của Vụ các vấn đề Kinh tế - xã hội, Liên hợp quốc, trên thế giới hiện có hơn 272 triệu người di cư, chiếm 3,5 % dân số thế giới với 74% người trong độ tuổi lao động, trong khi đó vào năm 2000 số lượng người di cư mới chỉ chiếm 2,8 % dân số thế giới.

Sự gia tăng nhanh chóng các dòng di cư xuyên quốc gia càng cho thấy tầm quan trọng của sự ra đời Thỏa thuận GCM - thỏa thuận liên chính phủ đầu tiên về di cư trong việc thiết lập khuôn khổ hợp tác toàn cầu nhằm quản lý di cư một cách hiệu quả.

Với việc Việt Nam thông qua Thỏa thuận GCM vào tháng 12/2018 và ngày 20/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 402/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM (Kế hoạch)... là bước tiến quan trọng trong hợp tác quốc tế về di cư, đồng thời tạo thêm cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện chính sách trong lĩnh vực này.

Bạt Tuấn và nhóm PV, BTV