Coi mục tiêu phát triển quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư - du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ công tác, tân Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Hoàng Văn Lợi đã dẫn đầu đoàn công tác đi thăm và làm việc tại hai tỉnh Eastern Cape và Western Cape của Nam Phi từ ngày 22 - 29/11/2020.

Chuyến làm việc của Đại sứ quán Việt Nam nhằm thúc đẩy, mở rộng tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch giữa hai nước sau gần một năm “đóng băng” do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19. Tham gia đoàn công tác có Trưởng văn phòng Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi Đào Mạnh Đức, Tùy viên Quốc phòng Trịnh Ngọc Đại và đại diện Cơ quan thường trú TTXVN tại Nam Phi.

Tăng cường hợp tác thương mại song phương đi vào thực chất, chiều sâu

Năm 2020, thế giới đã phải trải qua 1 năm dịch bệnh Covid-19 khắc nghiệt, khó khăn bao trùm khắp các nền kinh tế, nhưng theo số liệu từ Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt Nam - Nam Phi đã đạt 1,22 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Nam Phi đạt 583,8 triệu USD, nhập khẩu đạt 638,1 triệu USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019. Dự báo đến hết năm 2020, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam - Nam Phi sẽ đạt khoảng 1,4 tỷ USD.

{keywords}
Đại sứ Hoàng Văn Lợi tặng bình gốm Chu Đậu Việt Nam cho bà Nomkhita Mona, Giám đốc điều hành Phòng TMCN Nelson Mandela Bay, tỉnh Eastern Cape

Xác định rõ phát triển quan hệ hợp tác kinh tế thương mại song phương là một nhiệm vụ trọng tâm, chuyến công tác của Đại sứ quán Việt Nam lần này đến các tỉnh kinh tế trọng điểm của Nam Phi là Eastern Cape và Western Cape, gặp gỡ các Phòng Thương mại và Công nghiệp (TMCN), các doanh nghiệp tiềm năng của Nam Phi ngay sau khi nước này dỡ bỏ lệnh phong tỏa toàn quốc là nhằm tạo bản lề cho các đoàn làm việc cấp cao, đoàn xúc tiến thương mại và những cơ hội hợp tác rộng mở khác trong năm 2021 của cả 2 phía Việt Nam và Nam Phi.

Làm việc với Phòng TMCN Nelson Mandela Bay (NMBBC), tỉnh Eastern Cape, Đại sứ Hoàng Văn Lợi và bà Nomkhita Mona, Giám đốc điều hành Phòng TMCN cùng nhất trí quan điểm hợp tác thương mại hai chiều bình đẳng, cùng có lợi.

Những tiềm năng, thế mạnh sẵn có của tỉnh Eastern Cape mà các doanh nghiệp (DN) Việt Nam có thể tăng cường trao đổi kinh nghiệm và hợp tác bao gồm cảng biển, giao nhận vận tải (logistic), năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời), công nghiệp phụ trợ cho ngành sản xuất và lắp ráp ô tô, các sản phẩm nông nghiệp, du lịch.

Phía tỉnh Eastern Cape đề nghị Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa khai thác hợp tác với các DN vừa và nhỏ của tỉnh, cập nhật thường xuyên các thông tin của Việt Nam lên trang web của Phòng TMCN của tỉnh. Đại sứ Việt Nam Hoàng Văn Lợi cũng đề nghị phía bạn giới thiệu các DN uy tín, sẵn sàng kết nối Phòng TMCN Nelson Mandela Bay với các Phòng TMCN của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để hai bên có thể ký kết MOU, hoặc tổ chức các cuộc hội thảo trực tuyến nếu cần.

{keywords}
Đoàn Việt Nam làm việc với Phòng TMCN Cape, tỉnh Western Cape.

Tập trung vào các hợp tác thực chất, có chiều sâu, có kết quả thực tế là nhiệm vụ thiết thực mà bà Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Cape (CCCI) thuộc tỉnh Western Cape, Jenine Myburg nhấn mạnh ngay từ trước và trong buổi làm việc với đoàn Việt Nam.

Tỉnh Western Cape là đầu tàu kinh tế của toàn Nam Phi, nơi tập trung các thành phố lớn: Capetown, George, Stellenbosch, Worcester, Paarl… đóng góp vào sự phát triển kinh tế chủ lực đất nước trong các lĩnh vực: tài chính, bất động sản, sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp, du lịch, công nghiệp cao, thời trang…

Đồng tình với bà Chủ tịch Jenine Myburg, Đại sứ Hoàng Văn Lợi cho rằng, trên cơ sở những kết quả, thành tựu hợp tác đã đạt được trong những năm qua giữa cộng đồng DN Nam Phi và Việt Nam, hai bên tiếp tục cụ thể hóa những lĩnh vực, ngành hàng hợp tác tiềm năng còn bỏ ngỏ trong thời gian tới, đi vào tháo gỡ những vướng mắc cho DN hai bên như chính sách thuế, thương thảo về các chính sách marketing hỗ trợ tiếp cận thị trường và sản phẩm mới. Đại sứ Hoàng Văn Lợi cũng cho biết sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đối với tiềm năng phát triển quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Nam Phi.

Làm việc với phòng TMCN tỉnh Western Cape, ông Đào Mạnh Đức, Trưởng văn phòng Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi đề nghị, trong khi chờ hoàn thiện dần các văn bản khung hợp tác cấp nhà nước, các phòng TMCN của cả hai bên cần chủ động hơn nữa vai trò là đầu mối, đầu tàu để kết nối và kêu gọi doanh nghiệp, nghiên cứu thị trường, tập hợp thông tin, tổ chức các đoàn DN đi tiếp cận thị trường, tiếp cận những khó khăn vướng mắc của DN để từ đó có thể cùng với các cơ quan chức năng khác tham mưu đề xuất với Chính phủ.

“Lăn lộn với thị trường để tìm đúng người, đúng đối tác”

{keywords}
Giám đốc Thương mại Tập đoàn Rhodes Food Group, ông John Uys (thứ hai, bên phải) chia sẻ bí quyết thành công tại thị trường Việt Nam.

“Phải lăn lộn tìm hiểu thị trường, tìm hiểu sâu về con người, về văn hóa, thói quen tiêu dùng để từ đó tìm đúng đối tác phù hợp với các sản phẩm của mình là một trong những bí quyết thành công của chúng tôi”, ông John Uys, Giám đốc Thương mại Tập đoàn Rhodes Food Group (RFG) chia sẻ với đoàn Việt Nam.

Doanh số của tập đoàn RFG tại Việt Nam đã tăng lên 100 lần, từ mức xuất khẩu 1 container sản phẩm trái cây đóng hộp trong năm 2010 lên đến 100 container/năm hiện nay. Ông John Uys cho biết đã nhiều lần đến Việt Nam ở dài ngày, đi nhiều tỉnh thành, thâm nhập thực tế để tìm hiểu nhu cầu, thói quen của người tiêu dùng Việt. Đại diện tập đoàn RFG cũng mong muốn Việt Nam và Nam Phi sớm có được các thỏa thuận thương mại, các ưu đãi về thuế quan, nhằm tạo thuận lợi hơn cho DN hai nước.

Tại buổi làm việc với công ty Reutech Radar Systems thuộc Tập đoàn Reunert, một đối tác đã có nhiều năm hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ và thiết bị radar, đại diện Reutech nhấn mạnh, Việt Nam là đối tác quan trọng nhất của họ tại khu vực Đông Nam Á, là cửa ngõ kết nối với các thị trường khác trong khu vực. Giám đốc điều hành Reutech Harald Bielfeld đã nhất trí với đề nghị của Đại sứ Hoàng Văn Lợi về việc tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao công nghệ cho phía Việt Nam.

{keywords}
Dê Boer là giống dê đặc chủng của vùng Karoo, George, Western Cape cho thịt ngon, năng suất cao, ít bệnh tật và chịu được thời tiết khắc nghiệt. Đoàn Việt Nam đến thăm trang trại của công ty Karoo Livestock Exports (KLE), chuyên xuất khẩu giống vật nuôi như cừu, dê, đà điểu và nhiều loại gia súc, động vật hoang dã khác.

Trong khuôn khổ chuyến công tác, đoàn cũng đã gặp gỡ, thăm hỏi bà con cộng đồng người Việt tại hai thành phố Port Elizabeth và Capetown. Điều đáng mừng là trong đại dịch Covid-19, bà con cộng đồng Việt Nam tại đây vẫn an toàn mạnh khỏe, đến nay công việc làm ăn đã dần khôi phục trở lại, không ai bị ảnh hưởng quá nhiều.

{keywords}
Bà con cộng đồng người Việt đang sinh sống làm việc tại thành phố Capetown.

Đại sứ Hoàng Văn Lợi động viên bà con tiếp tục giữ gìn sự an toàn trước dịch bệnh, phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ, tương thân tương ái của người Việt, chấp hành tốt pháp luật của nước sở tại, đồng thời cũng nhấn mạnh, Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi luôn luôn sẵn sàng bảo vệ bà con người Việt, sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ những khó khăn vướng mắc của bà con trong cuộc sống cũng như mưu sinh ở nơi xa quê hương.

Thay mặt cộng đồng người Việt tại thành phố Capetown, chị Kiều Phương mong muốn Đại sứ quán tiếp tục đồng hành cùng bà con, hỗ trợ và chia sẻ kịp thời để bà con có thể yên tâm sinh sống, học tập và làm việc.

Huyền Sâm (Từ Capetown, Nam Phi)

Doanh nghiệp Nhật kỳ vọng vào Việt Nam để mở rộng chuỗi cung ứng

Doanh nghiệp Nhật kỳ vọng vào Việt Nam để mở rộng chuỗi cung ứng

Một nửa trong số 30 doanh nghiệp Nhật Bản có cơ sở sản xuất ở nước ngoài tham gia khảo sát cho biết muốn mở rộng và đa dạng hóa nguồn cung ứng tại Việt Nam.