Từ năm 2016-2020, Việt Nam bắt đầu chuyển sang giai đoạn mới hướng tới giảm nghèo bền vững, tiếp cận đa chiều theo xu hướng chung của các nước trên thế giới. Đây là phương pháp tiếp cận mới, tiến bộ hơn, có tính nhân văn, tác động toàn diện hơn đến người nghèo, nhưng cũng là thách thức phải vượt qua.
Đã đến lúc giảm nghèo đa chiều
Tặng quà, tư vấn khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho dân nghèo vùng núi Cao Bằng |
Nhận thức về giảm nghèo của Việt Nam bắt đầu từ năm 1992 (xuất phát từ sáng kiến của TP.HCM), đến nay đã phát triển theo xu hướng chung của thế giới. Dù được cho là chậm một nhịp (khoảng hơn 5 năm) so với một số nước trên thế giới nhưng Việt Nam vẫn là một quốc gia thành công, thậm chí là "điểm sáng" giảm nghèo, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Những thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo là một trong những câu chuyện thành công nhất trong 30 năm đổi mới.
Những năm qua ở Việt Nam, cách đo lường và đánh giá nghèo chủ yếu thông qua thu nhập và đây chính là chuẩn nghèo đơn chiều do Chính phủ quy định. Theo đó, chuẩn nghèo được xác định dựa trên mức chi tiêu đáp ứng những nhu cầu tối thiểu và được quy thành tiền. Nếu người có thu nhập thấp dưới mức chuẩn nghèo thì được đánh giá thuộc diện hộ nghèo.
Tuy vậy, sử dụng một tiêu chí thu nhập (hay chi tiêu) không đủ để nắm bắt được tình trạng nghèo thực tế của người dân. Trong cùng một thời điểm, người nghèo có thể phải đối mặt với nhiều bất lợi khác nhau, có thể là những khó khăn trong khám chữa bệnh, học hành, nhà ở, đất đai, nước sạch hoặc điện thắp sáng.
Ông Phạm Ngọc Hòa (Học viện Chính trị khu vực IV) cho rằng nhiều trường hợp không nghèo về thu nhập nhưng lại khó tiếp cận được các dịch vụ cơ bản về y tế, giáo dục, thông tin Do đó, nếu chỉ dùng thước đo duy nhất dựa trên thu nhập hay chi tiêu sẽ dẫn đến tình trạng bỏ sót đối tượng nghèo, dẫn đến sự thiếu công bằng, hiệu quả và bền vững trong thực thi các chính sách giảm nghèo.
Chính vì vậy những năm gần đây nghèo đói bắt đầu được nhìn nhận như một khái niệm đa chiều ở Việt Nam.
Huy động cả xã hội tham gia giảm nghèo đa chiều
Để đáp ứng tiêu chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, giảm nghèo không chỉ là lo cho người nghèo về thu nhập mà còn phải tạo cơ hội cho họ tiếp cận các dịch vụ tối thiểu, nâng cao mức sống toàn diện cho người dân.
Một buổi chiếu bóng lưu động của Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng tỉnh Bình Định ở bản Kà Bông |
Để hiện thực hóa bước chuyển về giảm nghèo đa chiều, Nghị quyết số 15-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 đã đề ra nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, chú trọng đến việc làm, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội cho những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc ít người, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập và một số dịch vụ xã hội cơ bản như khám chữa bệnh, học hành, nhà ở, nước sạch, thông tin, truyền thông.
Đồng thời, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo hiệu quả, Quốc hội khóa 13, kỳ họp thứ 7 đã thông qua Nghị quyết số 76/2014/QH13 về việc đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, trong đó nêu rõ: Xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu và đáp ứng các dịch vụ xã hội cơ bản; Quyết định số 2324/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội đã xác định rõ nhiệm vụ xây dựng, nghiên cứu xây dựng đề án tổng thể về đổi mới phương pháp tiếp cận nghèo đói ở Việt Nam từ đơn chiều sang đa chiều. Tiếp đó, ngày 15-9-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1614/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020.
Theo đó, chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 của Việt Nam được xây dựng theo hướng sử dụng kết hợp cả chuẩn nghèo về thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Theo đó, tiêu chí đo lường nghèo được xây dựng dựa trên cơ sở các tiêu chí về thu nhập, bao gồm chuẩn mức sống tối thiểu về thu nhập, chuẩn nghèo về thu nhập, chuẩn mức sống trung bình về thu nhập; mức độ thiếu hụt trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (tiếp cận về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin).
Trên cơ sở 5 chiều cạnh nghèo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã xây dựng và đề xuất 10 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt trong nghèo đa chiều tương ứng là: giáo dục người lớn, giáo dục trẻ em, khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, nhà ở, nước sạch, hố xí, dịch vụ viễn thông, tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.
Q.Hiếu - Thu Trà