Sau 3 lần kiểm tra việc thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Ủy ban châu Âu (EC) luôn đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam.
Thời gian qua, việc chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác đã tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của Luật Thủy sản, Hiệp định về các biện pháp quốc gia có cảng (Hiệp định PSMA) cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước được kiểm soát theo chuỗi qua cơ chế xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác đảm bảo thống nhất với hồ sơ kiểm soát tàu ra vào cảng, xác nhận tại các cảng cá chỉ định, chứng nhận tại Chi cục Thủy sản, cấp chứng thư xuất khẩu và kiểm soát nguyên liệu tại các nhà máy chế biến.
Kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu từ nước ngoài đã được tăng cường, đảm bảo theo quy định của pháp luật Việt Nam và cơ bản đáp ứng được quy định của Hiệp định PSMA.
Cơ quan chức năng sẽ thường xuyên kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm, thậm chí sẽ tiến hành điều tra, truy tố hình sự theo quy định đối với các trường hợp vi phạm, cố tình móc nối để làm ăn phi pháp.
Liên quan tới lần kiểm tra thứ 4 tới đây của EC, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho hay, tại đợt thanh tra lần thứ 3, EC tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong chống khai thác IUU.
Với các khuyến nghị của EC sau lần kiểm tra thứ 3, đến nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn tất các thủ tục, trình Chính phủ ban hành 2 nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019; Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ để tổ chức triển khai trên thực tế, khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các quy định chống khai thác IUU. Việc này sẽ được hoàn thành trước khi Đoàn thanh tra của EC sang kiểm tra lần thứ 4.
Việc sửa đổi Nghị định số 42/2019/NĐ-CP sẽ cho phép lực lượng cảnh sát biển được xử phạt vi phạm trong khai thác sản. Như vậy, trên biển sẽ có các lực lượng thực thi pháp luật là: ban quản lý cảng cá, biên phòng, cảnh sát biển, kiểm ngư và thanh tra thủy sản. Cùng với đó là các thiết bị giám sát để lực lượng chức năng có thể “phạt nguội” như trên đường bộ.
Điều này sẽ phát huy ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân cũng như công khai minh bạch những hành vi vi phạm mà trước nay chưa xử lý được.
Sau đợt thanh tra lần thứ 3, EC cũng đề nghị phải xử lý dứt điểm, áp dụng chế tài xử lý nghiêm minh. Cụ thể như trường hợp 7 tấn cá kiếm được khai thác trong nước cao bất thường bằng nghề lưới vây đã được cơ quan chức năng xử phạt nghiêm minh. Tỉnh Khánh Hòa phải xử lý dứt điểm việc nhập khẩu 2 tàu cá đã vi phạm IUU…
Về quản lý đội tàu, thực hiện khuyến nghị của EC về cắt giảm số lượng tàu cá và cường lực khai thác, đến hết tháng 8/2023, cả nước đã giảm gần 10.000 tàu cá so với năm 2019. Tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên đã được đăng ký và cập nhật trên cơ sở dữ liệu VNFisbase. Một số địa phương đã triển khai xóa đăng ký đối với các tàu không đủ điều kiện và đảm bảo các tàu đã bị xóa đăng ký không tham gia hoạt động khai thác.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai các chương trình, đề án, quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hướng tới phát triển ngành thủy sản bền vững, có trách nhiệm, hội nhập quốc tế, chống khai thác IUU.