Việt Nam làm chủ các công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. |
Một trong những giải pháp mà Chính phủ sẽ tập trung là phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup), các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp phải quán triệt đầy đủ nguyên tắc: Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phải lấy doanh nghiệp làm trung tâm; tăng cường vai trò nghiên cứu của các trường đại học; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ các chương trình khoa học trọng điểm, các nghiên cứu cấp Bộ và hoạt động của các viện nghiên cứu Nhà nước; khuyến khích thành lập các viện nghiên cứu tư nhân, nhất là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.
Chính phủ cho rằng, hệ thống thể chế phải thực sự khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, tham gia nghiên cứu và phát triển và trí tuệ nhân tạo; tuyệt đối không sử dụng các công cụ hành chính can thiệp vào hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học.
Các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi thẩm quyền khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo; tạo thuận lợi tối đa và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển thị trường; khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư thực hiện vai trò “bà đỡ” cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển.
Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia trong tháng 3 năm 2019 và Chiến lược phát triển quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong tháng 9 năm 2019.
Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung triển khai các giải pháp để tiếp thu và làm chủ các công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo. Đẩy mạnh cơ cấu lại chương trình khoa học và công nghệ quốc gia theo hướng coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Phát triển Trung tâm khởi nghiệp quốc gia thống nhất; xây dựng Mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh triển khai mạnh mẽ, toàn diện đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa”.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển không gian khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi và ban hành Thông tư hướng dẫn nội dung chi và quản lý quỹ phát triển của doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tinh thần, hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ tại doanh nghiệp; cho phép doanh nghiệp tự chủ, tự quyết định sử dụng quỹ nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp cho đổi mới sáng tạo và đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo.
Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường tổ chức các hoạt động sáng tạo, trải nghiệm khoa học.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ mới của cuộc cách mạng 4.0, Việt Nam rất cần nhanh chóng xây dựng chiến lược quốc gia để bắt kịp xu thế của thời đại.
Mới đây, Bộ KH&CN và Tập đoàn Xinova đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với mong muốn thành lập, quản lý và vận hành Trung tâm Đổi mới sáng tạo trực thuộc Bộ KH&CN tại Hà Nội. Trung tâm được thành lập với mục đích thu hút các nhà sáng tạo Việt Nam và kết nối họ với mạng của Xinova, điều này sẽ tạo cơ hội cho họ đổi mới sáng tạo cho các công ty lớn trên toàn cầu.
Bộ KH&CN và Xinova thống nhất cùng nhau xây dựng thỏa thuận thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo với đủ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu của các dự án và hoạt động của Trung tâm. Trung tâm này sẽ cung cấp quyền tiếp cận với các tài năng trong nước và cơ hội dự án tại Việt Nam, cung cấp Dịch vụ Quản lý Đổi mới sáng tạo để đồng quản lý Trung tâm, bao gồm việc tạo ra các dự án để thúc đẩy nhu cầu. Trung tâm cũng sẽ phát triển các dự án bằng cách tìm nguồn cung ứng của các nhà sáng tạo và công nghệ toàn cầu và tại nước sở tại. Học viện Khoa học, Công nghệ và Đối mới Sáng tạo Việt Nam (thuộc Bộ KH&CN) sẽ là cơ quan đầu mối thực hiện Bản ghi nhớ này với Xinova để tiến tới những thỏa thuận tiếp theo.
Bộ KH&CN xác định, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực phát triển của nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế xã hội một cách nhanh và bền vững. Sự kiện ký kết ngày hôm này là kết quả của một quá trình nỗ lực không ngừng của Bộ KH&CN nhằm xây dựng, thúc đẩy và phát triển đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Ông Yong Sung Kim, Chủ tịch của Xinova tại Hàn Quốc và Khu vực Đông Nam Á nhấn mạnh: “Chúng tôi rất tự hào được làm việc với Bộ KH&CN để giúp các nhà sáng tạo Việt Nam thể hiện danh tiếng của họ - chính là danh tiếng của Việt Nam – với giải pháp cho các vấn đề trên thế giới, đồng thời tạo ra các giá trị kinh tế. Đổi mới sáng tạo đang chuyển từ các trung tâm địa lý truyền thống và trở thành một xu thế toàn cầu. Giải pháp cho các vấn đề ở Việt Nam đang vượt ra khỏi biên giới của nó để mang lại lợi ích cho cuộc sống của mọi người. Việc kết nối nguồn cung toàn cầu và nhu cầu đổi mới là điều tối quan trọng trong nền kinh tế công nghệ mới và đổi mới tập trung vào công nghệ mới này”.